9x bỏ chức giám đốc ngân hàng về bán nội thất, sống sót qua Covid nhờ TMĐT: Doanh thu tăng từ 200 triệu lên 2 tỷ đồng/tháng, chỉ 3 nhân viên “cân” 35% doanh thu

Trước Covid, ông chủ BEYOURs có nhiều định kiến về sàn TMĐT và không chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, đây lại là kênh cứu sống và tạo ra nguồn thu mới cho doanh nghiệp này trong thời khủng hoảng.

Trước khi khởi sự với thương hiệu nội thất BEYOURs, anh Trung Anh Rim từng làm việc tại 2 ngân hàng lớn. Sinh năm 1991, đến tuổi 26, anh đã vươn tới vị trí Giám đốc đơn vị với gần 40 Nhân sự.

Trong thời gian làm việc tại ngân hàng, từ tháng 6/2017, chàng trai 9x đã bắt đầu kinh doanh thêm bằng việc bán nội thất online sau giờ làm hành chính cùng với hai cộng sự. Tuy nhiên, đến tháng 8/2019 khi mà quy mô doanh nghiệp đã tương đối lớn, niềm đam mê ngân hàng lại vơi dần (mặc dù mức lương cao và ổn định), anh quyết định từ bỏ vị trí giám đốc để về điều hành BEYOURs trong sự phản đối của gia đình, bạn bè.

Trước Covid, việc bán hàng chỉ được triển khai theo phương thức truyền thống, bao gồm bán trên website, facebook và qua các gian hàng ký gửi tại trung tâm thương mại Aeon Mall, Emart, Kohnan,...

Định kiến về sàn thương mại điện tử

Anh Trung Anh Rim - CEO BEYOURs.

Ông chủ BEYOURs cho biết đã mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) từ lâu nhưng không đầu tư do một số rào cản và định kiến.

Trước tiên, ngành hàng nội thất coi trọng vấn đề trải nghiệm, dịch vụ tư vấn nên dường như môi trường TMĐT không phù hợp.

Thứ hai, thị trường TMĐT khá “tạp nham” và khó làm thương hiệu.

Thứ ba, các sản phẩm nội thất thường có kích thước lớn, cồng kềnh và khó vận chuyển.

Trong khi đó, các kênh bán hàng truyền thống vẫn vận hành tốt và mang về nguồn thu ổn định. Vì thế gian hàng trên sàn TMĐT chỉ hoạt động với kỳ vọng “có vài chục đơn hàng/tháng là được”.

Covid-19 và lựa chọn cuối cùng

Khi làn sóng Covid-19 thứ nhất bất ngờ ập tới, tất cả các showroom, kho hàng và gian hàng ký gửi ở siêu thị của BEYOURs ở Hà Nội, TP. HCM đều phải đóng cửa. Kênh Fanpage tưởng như cứu cánh nhưng lại bị phủ đầy bởi những thông tin về dịch bệnh.

Mặc dù thị trường online vẫn sôi động ở một số mặt hàng, nhưng nội thất không phải là sản phẩm thiết thiếu để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong hoàn cảnh này. Có thời điểm trong tháng 3, doanh thu hằng ngày giảm đến 70% - 80%. Rơi vào hoàn cảnh sống còn, anh Rim cho biết đã rà soát lại tất cả kênh nhận ra TMĐT là kênh duy nhất mà thương hiệu chưa khai thác triệt để, trong khi traffic người dùng đang chuyển dịch mạnh về đây.

Một trong những gian hàng của BEYOURs tại trung tâm thương mại.

Ông chủ 9x tìm một khóa học online ngắn ngày để hiểu về tư duy kinh doanh trên sàn TMĐT. Sau đó, anh lập một đội chuyên về TMĐT gồm chính mình và 2 nhân viên, một người tốt nghiệp ngành kế toán, một sinh viên còn chưa ra trường vì cũng không có nhiều thời gian để tuyển dụng.

Chúng tôi có thế mạnh ở chỗ trước đó hoạt động bán truyền thống khá ổn nên có sẵn hệ thống nhân sự và quy trình chuẩn hóa. Tuy nhiên, khó khăn là chưa hiểu biết gì về sàn thương mại điện tử”, anh Rim chia sẻ.

Bên cạnh đó, thay vì đợi bán được nhiều hàng để thu hút các đơn vị hỗ trợ từ sàn TMĐT tìm đến thì anh Rim làm ngược lại, chủ động liên hệ với bộ phận phụ trách của Shopee, Tiki, Lazada,...cho họ thấy tiềm năng của mình và đề xuất hợp tác. Chỉ trong 20 ngày, các gian hàng trên các sàn TMĐT đã được xây dựng chuyên nghiệp và bài bản từ hình ảnh, video, nội dung, bổ sung đầy đủ mã hàng & lượng hàng tồn kho đủ lớn,...

Gian hàng BEYOURs trên Lazada.

“Khi họ đã tin tưởng, cảm nhận được rằng shop làm ăn tử tế, có tiềm năng và sự khát khao thì họ sẽ có lộ trình, cơ chế tốt hơn cho mình”, ông chủ BEYOURs chia sẻ.

Để thu hút khách hàng trên kênh TMĐT, thương hiệu này tập trung đưa những sản phẩm nội thất nhỏ, giá trị dưới 1 triệu đồng, tạo cơ hội cho nhiều người sử dụng. Khi doanh số tăng, lịch sử bán hàng tốt thì không cần đầu tư quá nhiều đến marketing, khách hàng sẽ tự tìm đến. Trong khi đó, các kênh truyền thống chủ yếu bán combo và những sản phẩm đắt tiền hơn.

Thu về trái ngọt

Kết quả là, sau 20 ngày đầu tư, tổng doanh số tháng 4 trên các sàn TMĐT đạt 2 tỷ đồng, riêng Shopee đóng góp khoảng 1,1 tỷ đồng. Trong khi trước kia, doanh thu của kênh này chỉ chạm ngưỡng 200 triệu đồng. Anh Rim cho biết việc chuyển dịch lên sàn khi ấy chưa thể giúp công ty thoát lỗ nhưng đã giúp mình và hàng trăm công nhân của các nhà máy đang sản xuất độc quyền cho BEYOURs vượt qua khủng hoảng.

Mới đẩy mạnh từ tháng 3/2020 nhưng gian hàng của BEYOURs trên Shopee đã thu về lượng traffic lớn.

“Chúng tôi đã không cắt giảm bất cứ nhân sự hay giảm lương của cán bộ nhân viên nào, ngược lại chúng tôi tiếp tục tối ưu bộ máy nội tại và tuyển thêm nhân sự chất lượng”, anh Rim cho biết.

Hiện tại, 3 sàn TMĐT đóng góp 70% số lượng đơn hàng, chiếm 35% doanh thu (do các sản phẩm trên kênh TMĐT có giá trị thấp hơn kênh truyền thống). Đáng nói, đến nay công ty chỉ cần 3 nhân viên phụ trách làm đầu mối phát triển sàn, quản lý tồn kho, lên chiến lược marketing chăm sóc khách hàng,....

Ông chủ 9x tiết lộ thu nhập hiện tại đã vượt qua thu nhập khi làm giám đốc tại ngân hàng rất nhiều và tự hào vì đã tạo ra được một đội ngũ đủ trưởng thành sẵn sàng cho những mục tiêu xa hơn.

TMĐT: Xu hướng không thể tránh khỏi

Sau cú dịch chuyển mang tính cách mạng, anh Rim rút ra nhiều kinh nghiệm.

Trước tiên, trong khi nhiều người bảo thủ, cho rằng việc chuyển dịch lên sàn TMĐT rất khó và cạnh tranh nhưng đó là xu hướng không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là cần lựa chọn những sản phẩm phù hợp để điều hướng và tạo thói quen cho người tiêu dùng, bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ/rẻ tiền nhất đến những sản phẩm lớn/cao cấp nhất.

Bên cạnh đó, kinh doanh TMĐT giúp tiết giảm rất nhiều chi phí. Khi đạt đến doanh số đáng kể, doanh nghiệp sẽ không mất quá nhiều kinh phí trong việc quảng bá, bán hàng,... mà vẫn tạo ra dòng tiền ổn định. Các sàn TMĐT như cánh tay nối dài, hỗ trợ trong việc quản lý kho vận, từ đó giảm chi phí vận hành và chăm sóc khách hàng.

Đặc biệt, trái với định kiến trước kia, sàn TMĐT là một nơi rất tốt để làm thương hiệu, không có cách marketing nào tốt bằng việc tạo cho khách hàng cơ hội trải nghiệm sản phẩm và để họ tự nói với bạn bè về mình.

Cuối cùng, may mắn là kết quả của sự chuẩn bị. Thay vì ngồi yên thì việc chủ động và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng những cơ hội.

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật