Bán lẻ truyền thống thu hút khách bằng công nghệ mới
CES 2019 thu hút hàng chục công ty bán lẻ trưng bày các công nghệ mới được kỳ vọng sẽ giúp các cửa hàng bán lẻ trực tiếp nâng cao sức cạnh tranh chống lại các ông lớn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba.
Với robot, các màn hình trang bị công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và các công nghệ tân tiến khác, các nhà bán lẻ truyền thống đang tìm kiếm các ý tưởng từ thế giới trực tuyến để xây dựng phương án mới, giúp kết nối và giữ chân khách hàng. Các phương thức mới nhằm tăng tốc trải nghiệm bán lẻ, thường không tương tác với con người, bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt để nhận diện khách hàng cũng như công nghệ quét vân tay và võng mạc giúp tiến hành quy trình thanh toán chính xác.
Hai hãng bán lẻ khổng lồ của Trung Quốc, JD.com và Suning, thuê những gian hàng trưng bày khổng lồ tại CES 2019 trong nỗ lực tìm kiếm các đối tác để xây dựng chiến lược “bán lẻ như một ngành dịch vụ”, cho phép những người bán hàng tận dụng các ưu thế của các nền tảng công nghệ mới.
“Chúng tôi tin rằng tương lai của bán lẻ không phải là trực tuyến hay trực tiếp mà là không ranh giới”, Giám đốc truyền thông của JD.com, Yuchuan Wang, nói.
Dưới đây là những công nghệ đáng chú ý trong ngành bán lẻ được giới thiệu tại CES 2019.
Bán hàng không cần quầy thu ngân
Hãng bán lẻ đa kênh lớn nhất Trung Quốc Suning triển lãm công nghệ VR ở các cửa hàng bán lẻ cũng như bàn cân thông minh, cho phép khách hàng thanh toán tự động khi mua rau quả mà không cần chờ thanh toán ở quầy thu ngân tương tự như mô hình cửa hàng Amazon Go của Amazon.
“Tôi có thể lấy một quả táo và hệ thống sẽ nói cho tôi biết giá bao nhiêu. Khi đã lựa chọn xong hàng, tôi chỉ việc bước ra khỏi cửa hàng và hệ thống sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để nhận dạng tôi và tính tiền”, Watson Wat, Giám đốc chiến lược của Suning, nói về bàn cân thông minh của hãng này.
Suning cho biết đang tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác với các nhà bán lẻ để xây dựng chiến lược “bộ não bán lẻ thông minh”, cho phép các cửa hàng trực tiếp sử dụng hệ sinh thái công nghệ của Suning.
Maeve Duska, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị và phát triển chiến lược ở Công ty tư vấn USA Technologies, cho biết nhiều nhà bán lẻ đang thúc đẩy các nỗ lực để theo kịp mô hình cửa hành không quầy thu ngân như Amazon Go, nơi khách hàng có thể cầm gói hàng ra về không cần chờ thanh toán vì đơn hàng đã được thanh toán tự động.
“Cuối cùng, các nhà bán lẻ trực tiếp đã hiểu được sức mạnh cạnh tranh đến từ thương mại trực tuyến lớn như thế nào. Họ đang cố gắng bắt chước trải nghiệm trực tuyến”, Duska nói.
Gương thông minh
Gian hàng của tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble's tại CES 2019 trưng bày công nghệ VR và nhận diện khuôn mặt được tích hợp vào các tấm gương để đưa ra các lời khuyên về chăm sóc da hay sử dụng mỹ phẩm như thế nào theo nhu cầu và đặc điểm cá nhân của khách hàng.
“Chúng tôi có thể nắm bắt đặc điểm nhận dạng duy nhất của mỗi khách hàng và cung cấp kết quả được cá nhân hóa đó cho họ dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”, Tina McCarthy, đại diện của Procter & Gamble's, nói.
Công ty JD.com lại mang đến triển lãm cách sử dụng các màn hình AR, cho phép khách hàng thử “ảo” quần áo và mỹ phẩm trước khi ra các quyết định mua sắm. Với các màn hình AR, các nhà bán lẻ có lẽ không cần phải mua trữ sẵn các sản phẩm thời trang đủ các kích cỡ vì khách hàng chỉ cần click vào một sản phẩm của cửa hàng và sau đó chờ giao hàng đến tận nhà.
JD.com cũng triển lãm các robot và máy bay giao hàng không người lái đang được sử dụng tại Trung Quốc, có thể giúp giao hàng nhanh chóng cho những người tiêu dùng ở các vùng xa xôi ở nước này.
Robot tương tác với khách hàng
Trong khi đó, SoftBank Robotics, một đơn vị thành viên của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) mang đến CES 2019 hai robot gồm một robot tương tác với khách hàng và một robot giám sát các kệ hàng và kho hàng, giúp các nhà bán lẻ cải thiện lợi nhuận.
Robot hình dạng người có tên gọi Pepper của SoftBank Robotics có thể tương tác với khách hàng, chẳng hạn, nó sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để chào đón khách hàng bằng tên và hướng dẫn họ mua sản phẩm.
Pepper đưa ra các đề xuất mua hàng theo cách tương tự như các nhà bán lẻ trực tuyến, có thể góp phần cải thiện doanh thu cho các nhà bán lẻ truyền thống.
"Các nhà bán lẻ luôn cố gắng để đưa thêm một mặt hàng vào giỏ hàng của bạn. Lưu lượng khách ghé cửa hàng của họ có thể không tăng nhưng họ hy vọng đưa được nhiều mặt hàng hơn vào giỏ hàng của khách", Steve Carlin, Giám đốc chiến lược của SoftBank Robotics, nói.
SoftBank Robotics cũng đang hợp tác với công ty Simbe Robotics để sản xuất robot Tally có thể quét các kệ hàng để kiểm kê hàng hóa tốt hơn. Một hệ thống kiểm tra hàng hóa chính xác hơn có thể giúp nắm bắt được những mặt hàng nào đang tồn quá nhiều và những mặt hàng nào đang thiếu hụt.
Lê Linh
Theo nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Đại gia bán lẻ mỹ phẩm Hong Kong đổ bộ Việt Nam
- Microsoft hợp tác cùng chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất nước Mỹ để đấu Amazon
- Microsoft hợp tác cùng chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất nước Mỹ để đấu Amazon
- 83% nguồn vốn đầu tư tại Đông Nam Á trong 1 quý chảy vào túi 4 công ty Grab, Go-jek, SEA và Lazada: Liệu có đáng lo ngại?
- Luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc bắt buộc người bán hàng xách tay phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế
- Đế chế bán lẻ số 1 nước Mỹ một thời trước ngày phán quyết số phận
- Để củng cố vị thế trước Samsung, Xiaomi dự định tăng gấp 10 lần số cửa hàng tại Ấn Độ
- Thời trang ngoại tung hoành trên đất Việt
- Dịch vụ giúp người Việt ngồi nhà 'dạo' siêu thị Costco của Mỹ
- Đây là nguyên nhân phá hỏng kế hoạch 3.000 cửa hàng không dùng tiền mặt của Amazon?