Bán lẻ Việt trước sức ép 'ngoại binh' và công nghệ 4.0
Chuyên gia cũng cảnh báo tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới nhưng không có cửa hàng bán lẻ nào.
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường thương mại trong nước lớn nhanh, nhưng đang tồn tại nhiều vấn đề.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn từ 2006-2018, đóng góp bình quân của thương mại trong nước trong GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12 -13% tổng lao động xã hội (đứng sau ngành nông – lâm - thủy sản, và công nghiệp chế biến - chế tạo).Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa gấp 1,5- 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP.
Tuy nhiên, theo ôngg Hải, đến nay, Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước bền vững.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thị trường trong nước còn tồn tại nhiều khó khăn như chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao, thương mại hàng hóa mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, liên kết theo chuỗi còn lỏng lẻo và chậm phát triển.
Bên cạnh đó, trật tự thương mại chưa bảo đảm, tình trạng hàng giả , hàng lậu chưa hoàn toàn được kiểm soát, cơ sở hạ tầng thương mại không đồng đều ở các địa phương khiển chênh lêch về giá cả giữa các vùng miền cao, gây bất lợi cho hàng hóa…
Theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, nguyên nhân của những hạn chế trên là do, Việt Nam chưa nhận thức chưa đúng về vai trò của thương mại trong nước, đặc biệt là khâu phân phối, bán lẻ.
Trong một giai đoạn dài, Việt Nam chú trọng vào định hướng xuất khẩu, dẫn đến buông lỏng, bỏ rơi thương mại trong nước. Bên cạnh đó, thực trạng nền sản xuất của nước ta còn nhiều yếu kém, về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Trong bối cảnh, sự tham gia thị trường của các nhà phân phối nước ngoài, nhất là từ ASEAN như Thái Lan, Nhật Bản kéo theo hàng hóa nhập khẩu với khả năng cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả đang là thách thức đối với hàng Việt.
“Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thương mại trong nước đến nay chưa phát triển đúng với khả năng về thực tế”, ông Trần Duy Đông nhận định.
Tại Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2035, Bộ Công thương đặt mục tiêu xây dựng, phát triển thương mại trong nước tăng trưởng nhanh và bền vững phù hợp với từng giai đoạn.
Đặc biệt tăng tỉ trọng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; cơ cấu này thay đổi mức 80%-20% đến năm 2030....
Góp ý tại Hội thảo, PSG.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng trong suốt gần 10 năm qua, thương mại trong nước đề cập đến khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là sai lầm. Mục tiêu phát triển thị trường trong nước là nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa. Kích thích nhà sản xuất đầu tư công nghệ, cạnh tranh được với các nhà sản xuất nước ngoài.
“Thay vì đề ra chiến lược “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam dựa vào lòng tự tôn dân tộc, chúng ta có thể thay bằng chiến lược “Hàng Việt xứng đáng với người Việt”, “hàng Việt chinh phục người Việt để thúc đẩy nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm”.
PSG.TS. Trần Đình Thiên cho rằng cần thay đổi cách nhìn nhận về thị trường trong nước.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các DN nước ngoài đang có xu hướng “thâu tóm” các hệ thống siêu thị Việt Nam, nhiều người tỏ ra lo lắng hàng Việt sẽ bị chèn ép, cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là nhà sản xuất Việt Nam phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài.
“Bất kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước thì chất lượng sản phẩm đều đặt lên hàng đầu. Nếu sản xuất không tốt làm sao đưa hàng Việt Nam vào siêu thị. Do đó, các DN Việt cần đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để không những cạnh tranh ở thị trường trong nước, mà hướng tới xuất khẩu”, ông Đoàn cho hay.
Ông Đào Văn Hùng, Học viện Chính sách phát triển, cho rằng mọi khái niệm đang "đảo lộn" do sự thay đổi của thế giới. Dẫn chứng là tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Alibaba lại không có cửa hàng bán lẻ nào, hay hãng taxi như Uber lại chẳng sở hữu chiếc xe nào.
Do đó, chiến lược đưa ra phải tiên đoán được, đặc biệt là sự thay đổi và tác động công nghệ với chính sách. Trong khi dự thảo chưa thấy "lo lắng về thay đổi công nghệ với thị trường, khả năng dư thừa lao động có thể xảy ra. Đồng thời đưa ra cảnh báo xu hướng cạnh tranh bán lẻ nước ngoài trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mối.
TIN CŨ HƠN
- Người trẻ Việt vào cửa hàng tiện lợi ăn snack, uống nước ngọt và lướt net
- Thị trường thực phẩm organic ngày càng sôi động
- Tại sao đa phần siêu thị lỗ, cửa hàng tiện ích càng lỗ mà doanh nghiệp vẫn lao vào thị trường bán lẻ?
- Các nhà bán lẻ hàng đầu tìm hướng cạnh tranh mới
- Thị trường bia Tết bắt đầu nóng
- Thêm đại gia Nhật sắp gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam
- Ra mắt chương trình nghiên cứu hành vi mua hàng cho tiêu dùng bên ngoài tại Việt Nam qua di động
- "Đại gia" đổ xô bán thức ăn vặt
- Người Việt Nam ăn gì tại khu vực ăn uống của các cửa hàng tiện lợi?
- Lộ ảnh khu trải nghiệm điện thoại Vsmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại các hệ thống bán lẻ