Bí quyết của ông chủ Milano Coffee, từ cái tên ít người biết trở thành chuỗi cà phê có độ phủ lớn nhất cả nước
Trong khi đó, đối thủ của Trung Nguyên là Milano Coffee "chậm mà chắc", tăng trưởng đều đặn qua các năm và đạt 1.045 cửa hàng vào năm 2017, chính thức soán ngôi vua của Trung Nguyên.
Milano Coffee là thương hiệu của Công ty TNHH Cà phê Lê Phan, do doanh nhân Lê Minh Cường làm chủ.
Tháng 9/2011, ông Cường mở cửa hàng cà phê Milano đầu tiên trên đường Thống Nhất (Quận Gò Vấp, TPHCM), nhưng thực tế, vị doanh nhân này đa đặt chân vào thị trường cà phê từ năm 1996, với công việc ban đầu là đứng rang xay cà phê. Sau 2 năm, ông Cường bắt đầu đi bỏ mối cà phê cho các quán tại TPHCM và trước năm 2005 đã có quyết tâm làm cà phê "sạch", nghĩa là cà phê hoàn toàn làm từ hạt cà phê, trong bối cảnh nhiều khách hàng muốn uống nhưng lại băn khoăn về chất lượng cà phê.
Chỉ trong 2 năm, Milano đã có 200 cửa hàng và sau hơn 7 năm, theo số liệu mới nhất hiện nay Milano đã có 1.400 cửa hàng và hiện diện tại 52 tỉnh thành trên cả nước. Đây có thể coi là thành công lớn với Milano và có được điều này là nhờ triết lý kinh doanh của doanh nhân Lê Minh Cường.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Doanh nhân Sài Gòn, ông Cường cho biết, hệ thống Milano sử dụng cà phê đa phần có nguồn gốc từ Đắk Mil (Đắk Nông), do bà con bên vợ tự trồng và một lượng nhỏ thu mua từ những người quen ở Đà Lạt. Theo ông Cường, nếu không có sự chọn lựa thì sẽ phải trả mức giá cao để mua cà phê nguyên liệu, khi đó sẽ khó bán thành phẩm giá thấp, còn mua giá thấp thì rất dễ đụng phải hàng không đáp ứng được yêu cầu.
Từ cửa hàng thứ 11, ông Cường chính thức chia sẻ phương thức kinh doanh một cách bài bản và có ràng buộc cụ thể cho những ai muốn mở cửa hàng cà phê Milano. Tuy nhiên, mỗi tháng ông không lấy phần trăm trên doanh thu với các chủ cửa hàng.
"Tôi đã quy định bán giá thấp, nếu lấy phần trăm trên doanh thu thì những người nhân rộng mô hình cà phê này sẽ còn gì? Ngay từ lần đầu tiếp xúc, tôi cũng phân tích kỹ cho họ thấy, bán nước một vốn bốn lời là chuyện xưa rồi, nhưng khi lời ít thì cái được là có nhiều khách và một khi họ đã uống quen rồi thì không thể bỏ được mình", ông Cường chia sẻ về quan niệm kinh doanh.
Với việc không phải trích phần trăm doanh thu, các đối tác rất hào hứng với Milano. Thêm vào đó, điều kiện để mở một quán cà phê Milano khá đơn giản, khách hàng chỉ cần một mặt bằng nhỏ khoảng 30m2 với số vốn ban đầu 65 triệu đồng. Các khâu từ chuẩn bị, thiết kế, trang trí, cung cấp vật dụng trong quán đến nguyên liệu đều sẽ do công ty của ông Cường thực hiện, cùng các buổi trao đổi cách kinh doanh và hướng dẫn pha chế thực tế. Sau khi quán đi vào hoạt động, chủ quán hưởng tất cả lợi nhuận, Lê Phan không đòi hỏi việc chia lợi nhuận. Chính vì vậy, mức giá cho 1 ly cà phê Milano chỉ tương đương giá của ly cà phê cóc lề đường, khoảng 10-12 nghìn đồng. Nhờ cách kinh doanh đơn giản và vốn đầu tư thấp nên Milano được nhân rộng rất nhanh.
Giai đoạn này, mỗi ngày số khách liên lạc trực tiếp hoặc qua điện thoại để tìm hiểu về việc mở cà phê Milano là không dưới 10 người/ngày, nhưng ông Cường rất thận trọng để tránh việc khách hàng thất bại hoặc xảy ra cạnh tranh không cần thiết giữa các quán Milano quá gần nhau.
Tuy không lấy phần trăm, nhưng với hệ thống tăng trưởng nhanh, Lê Phan hưởng lợi rất lớn, bởi Lê Phan chính là nơi cung cấp các loại cà phê bột và cà phê hạt cho các đại lý trong và ngoài chuỗi. "Từ khi chuỗi Milano phát triển mạnh lên thì doanh thu, lợi nhuận của Lê Phan cũng tăng trưởng rất tốt", ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, suốt quá trình phát triển chuỗi cà phê Milano mang đi, cái khó nhất chính là giải quyết khâu tư tưởng của người tiêu dùng và người bán. Ông Cường bảo, thường với 10 khách hàng muốn sử dụng thương hiệu ông chỉ chọn được khoảng 1-2 trường hợp để cộng tác.
Từng có rất nhiều người không có sự chuẩn bị kĩ càng, chỉ kinh doanh theo phong trào nên phải bỏ cuộc giữa chừng. Bên cạnh đó là việc người tiêu dùng đã quen với cà phê thật được bán với giá đắt, nên họ nghi ngờ chất lượng của những ly cà phê thật được bán với giá rẻ như cà phê lề đường.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Tại sao thương hiệu "ăn liền" Zara dẫn đầu ngành công nghiệp thời trang: Thành công từ mô hình kinh doanh ngược đời
- 5 xu hướng xây dựng thương hiệu đáng chú ý
- Chủ cafe Giảng: "Khách đông khủng khiếp, không tính nổi bán bao nhiêu cốc đợt thượng đỉnh"
- Fami Go đi chậm, mảng sữa đậu nành dự kéo lùi tăng trưởng Đường Quảng Ngãi
- Chậm chân nhưng cao tay, doanh nghiệp của Shark Phú tung chiêu marketing nhân hội nghị Mỹ - Triều kèm lời nhắn: Chọn HẠT CƠM, đừng chọn HẠT NHÂN!
- Tham vọng trở thành thương hiệu thời trang thể thao, Uniqlo tài trợ đội tuyển Olympic Thụy Điển
- Quà lưu niệm ăn theo ông Donal Trump, Kim Jong Un rao bán rầm rộ trên mạng
- "Sự tích" cà phê Giảng: Thương hiệu 70 năm nức tiếng Hà thành, vừa được chọn phục vụ 3.000 cốc cà phê trứng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
- Các ông lớn F&B tung chiêu Marketing nhân hội nghị Trump - Kim: Bia Sài Gòn tinh tế, Coca-Cola nhân văn, còn Bia Hà Nội vẫn "bổn cũ soạn lại"
- Các chiêu 'ăn theo' Hội nghị Trump - Kim tại Singapore