Big C, Co.opmart, Vinmart, Bách hoá Xanh tăng trưởng ra sao về lượng giao dịch trong COVID-19?

Big C tăng 67%, Vinmart tăng 30% và các hệ thống của Co.opmart tăng 16% về lượng giao dịch trong giai đoạn ảnh hưởng của COVID-19.

Đó là thông tin trong báo cáo Ảnh hưởng của COVID-19 đến người tiêu dùng của Kantar WorldPanel, tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường, về bán lẻ FMCG tại Việt Nam.

Theo Kantar, COVID-19 có những tác động ban đầu vào đầu tháng 2 (sau Tết Nguyên Đán), nghiêm trọng hơn vào tháng 3 và dần được kiểm soát vào tháng 4 khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện.

Kantar Việt Nam cho biết chi tiêu cho FMCG của Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Dù vậy, thị trường được dự đoán sẽ quay trở lại mức tăng một con số sau khi mùa dịch đi qua.

Trong khi người tiêu dùng thành thị chi tiêu mạnh tay hơn, với nhiều sản phẩm, mặt hàng hơn trong giỏ hàng, người tiêu dùng khu vực nông thôn đi mua sắm với tần suất cao hơn.

Thị trường FMCG được dự đoán sẽ quay trở lại mức tăng một con số sau khi mùa dịch đi qua.

Giỏ hàng "mùa dịch" được nạp đầy với ba nhóm hàng hoá chính gồm các loại thực phẩm cần thiết/ tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe, phản ánh mức độ ưu tiên của người tiêu dùng cho các nhu cầu cơ bản trong thời gian cách ly.

Ngoài ra, với các chiến dịch stayhome (ở nhà), những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hoá việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực.

Trong thời gian qua, siêu thị, đại siêu thị và các kênh mới nổi tăng trưởng vượt các kênh truyền thống nhờ số lượng giao dịch tăng. Trong khi đó, các kênh truyền thống như chợ và các tiệm tạp hoá tăng trưởng nhờ vào giỏ hàng mua sắm lớn hơn.

Cũng theo Kantar, các mô hình bán lẻ mới nổi bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng FMCG.

 Mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và "hạn chế tiếp xúc". Trong khi đó siêu thị mini được chọn do vị trí gần nhà và người tiêu dùng có thể mua dự trữ hàng hóa tại kênh này cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn, tránh đi lại và tụ tập đám đông.

Vậy trong thời gian qua, nhà bán lẻ nào tăng trưởng ấn tượng?

Theo Kantar, đối với các kênh siêu thị và đại siêu thị, số giao dịch diễn ra tăng đáng kể trước khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện. Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã đem lại tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà bán lẻ trong mùa dịch, và có thể tạo bàn đạp để duy trì và tiếp tục phát triển trong dài hạn. Bài học cho các nhà sản xuất sau giai đoạn này chính là phát triển chiến lược đồng hành và hợp tác với các nhà bán lẻ then chốt.

Kantar cho biết, nhiều nhà bán lẻ phát triển tốt dựa trên phần trăm tăng trưởng về lượng giao dịch trong giai đoạn ảnh hưởng của COVID-19. Các top 3 cụ thể là:

  • Mảng siêu thị và đại siêu thị: Big C tăng 67%, Vinmart 30% và các hệ thống của Co.opmart 16%.
  • Mảng siêu thị mini, Vinmart+ tăng trưởng 86%, Bách hoá Xanh 70% và Satra Food là 10%.
  • Kênh trực tuyến, Facebook tăng trưởng 126%, Shopee 102% và Tiki 69%.

Những sản phẩm nào sẽ tăng trưởng mạnh sau dịch?

Phía Kantar cũng cung cấp các thông tin liên quan đến các sản phẩm, mặt hàng sẽ tăng trưởng sau dịch.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Việt Nam WorldPanel, chia sẻ tại sự kiện Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19 và trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2020 ngày 12/6 về 4 mô hình sản phẩm sau dịch.

  1. Thứ nhất, các sản phẩm như nước rửa tay, nước súc miệng, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, sữa và sữa chua tăng trưởng mạnh trong COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trưởng sau dịch.
  2. Thứ hai, các sản phẩm như gia vị nấu ăn, đồ ăn vặt, thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, các bữa ăn thay thế, vốn ít bị ảnh hưởng trong đại dịch, nhu cầu sẽ giảm đi sau đại dịch.
  3. Thứ ba, các nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài như giặt ủi, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén sẽ trở lại nhu cầu thông thường như trước đại dịch.
  4. Thứ tư, các sản phẩm không dùng thường xuyên, không phải đồ dùng thiết yếu như mỹ phẩm, đồ uống có cồn, nước hoa sẽ phục hồi chậm hơn. Việc tiêu dùng các sản phẩm này thường đi cùng với tình hình kinh tế.

Tùy theo tác động của COVID-19 cũng như nhu cầu người tiêu dùng thay đổi như thế nào trong tương lai mà nhà sản xuất có các biện pháp thích ứng kịp thời. Theo Kantar, các doanh nghiệp, nhà sản xuất nên cập nhật thường xuyên các số liệu người mua hàng, dự báo nhu cầu, dịch chuyển các kênh mua sắm cho phù hợp.

 Thế Trần

  Nguồn: CafeF


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật