Bình ổn thị trường trong mùa mưa lũ

Thị trường miền Trung trong những ngày mưa lũ giá cả các mặt hàng thiết yếu không có những biến động lớn.

Tình hình bão, mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp tại khu vực miền Trung. Tác động tiêu cực từ thiên tai đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân... Tuy nhiên, thị trường miền Trung lúc này nhìn chung vẫn đang khá ổn định. Mặt bằng giá cả được cơ quan chức năng kiểm soát tốt, góp phần để người tiêu dùng vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Thị trường miền Trung trong những ngày mưa lũ giá cả các mặt hàng thiết yếu không có những biến động lớn

Tương tự, tại các địa phương khác trong khu vực như, Quảng Nam, Quảng Ngãi... các cơ quan chức năng cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong thời gian xảy ra mưa lũ. Trong đó, tập trung nhiều vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như, lương thực và nước uống... Chỉ tính riêng tại Quảng Ngãi, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm dự trữ của tỉnh gần 12 nghìn tấn. Trong đó, ngoài lượng hàng hóa dự trữ tại siêu thị còn có lượng hàng dự trữ tại các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm. Trường hợp đặc biệt, nếu hết lượng hàng ở trên, các hệ thống siêu thị sẽ điều chuyển nguồn hàng từ tổng về kho để cung cấp trong thời gian tiếp theo. Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi cho biết, chúng tôi đã chỉ đạo các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị phân phối, bán lẻ, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu dự trữ nguồn hàng sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu với giá cả bình ổn...Trước đó, để bình ổn thị trường các địa phương trong khu vực đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng khá phong phú, sẵn sàng ứng phó trong những tình huống cấp thiết. Theo đại diện Sở Công thương TP.Đà Nẵng, từ trước thời điểm cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, Sở Công thương thành phố đã chủ động làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, tiểu thương có dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn sẵn sàng điều động khi có yêu cầu. Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu sẵn có tại Đà Nẵng gồm 165 tấn gạo, 1 triệu gói mì ăn liền, 300 nghìn chai nước uống đóng chai loại 1,5 lít, hơn 1 triệu lít xăng, hơn 2 triệu lít dầu diezen, hơn 20 nghìn lít dầu hỏa. Bên cạnh đó, là một lượng hàng lớn tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đã sẵn tung ra thị trường... Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch Thường trực TP. Đà Nẵng cho rằng, nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố đảm bảo, dồi dào. Tuy nhiên, các địa phương cũng có phương án để khi xảy ra lũ lụt có thể cung ứng lương thực, thực phẩm đến kịp thời với từng người dân, đặc biệt trong thời điểm khi lũ lên nhanh.

Trên thực tế, thị trường khu vực miền Trung trong những ngày cao điểm mưa lũ như vừa qua, giá cả các mặt hàng vẫn tương đối ổn định. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… không có những biến động lớn, trên thị trường không có tình trạng khan hiếm hàng. Để có được sự bình ổn này, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn cung trên thị trường được đảm bảo. Duy chỉ có mặt hàng rau xanh và hải sản tại một số địa phương trong khu vực là có hiện tượng tăng giá. Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố giá các loại rau xanh tăng cao, so với thời điểm trước. Đơn cử, như rau muống bình thường trước thời điểm mưa lũ chỉ có 10 nghìn đồng/bó, nay tăng lên 20 nghìn đồng, mồng tơi 15 nghìn đồng/bó tăng lên 20 nghìn đồng, cải xà lách 65 - 70 nghìn đồng/kg, cải bẹ 25 nghìn đồng/kg…

Bà Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương kinh doanh rau xanh tại chợ Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền Trung, nguồn cung các mặt hàng rau xanh sụt giảm khiến giá cả tăng lên đáng kể. Những ngày qua, nguồn rau về chợ giảm từ 30 đến 40% so với trước kia, nguyên nhân do nguồn cung chủ lực từ các vựa rau ở Quảng Ngãi hay Quảng Nam, đang chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ kéo dài như vừa qua. Trong khi đó, nếu đặt hàng nhập rau củ quả từ Lâm Đồng về cũng phải đặt trước cả tuần mới có rau về tới Đà Nẵng. Trên thị trường, cùng "nhích" giá như rau xanh còn có các sản phẩm thủy hải sản, do tàu, thuyền đánh bắt của bà con ngư dân không ra khơi được trong thời điểm có mưa bão.

Trước đó, ngoài việc chủ động nguồn cung tại các địa phương, để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu tăng cao từ thị trường để kiếm lời bất chính, gây sốt giá, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng tung tin thất thiệt, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường. Trong đó, lưu ý các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng giá, thiếu hụt sau bão như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tôn lợp, xi măng, đồ sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và sản phẩm gia dụng khác...

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng mưa gió để "chặt chém" như trường hợp một quán bún ở Hà Tĩnh đã thu 50 nghìn đồng/bát của một đoàn cứu trợ. Trước đó trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh quán bún Thu Huế, đường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh với nội dung cảnh báo các đoàn từ thiện đến Hà Tĩnh ăn sáng nên tránh quán này ra bởi chủ quán tăng giá chóng mặt. "Ủng hộ giúp đỡ cho bà con vùng lũ chính quê hương của họ mà vẫn "chặt chém" 50 nghìn đồng/bát bún ăn sáng. Trong khi giá bán cho mọi người xung quanh là 30 nghìn đồng"... Ngay sau đó, chủ quán bún này đã bị cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành xử phạt. Đồng thời, quán ăn này cũng nhận được không ít "gạch đá" của dư luận, khi họ cho rằng, chủ quán này không chỉ thiếu đạo đức kinh doanh mà còn thiếu cả tình người, đặc biệt trong thời điểm mưa lũ đang hoành hành như hiện nay.

Theo Nghi Lộc

Thời báo ngân hàng


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật