Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Trong nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp "đầu đàn" rất quan trọng

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu đàn rất quan trọng trong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Trong nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp "đầu đàn" rất quan trọng
 Tại một sự kiện về nông nghiệp ở Tiền Giang mới đây, nhiều vấn đề về nông nghiệp đã được nêu ra.

Trong đó, những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng cho sản phẩm đồng bằng qua ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững được thảo luận sâu.

Vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu đàn, rất quan trọng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, với đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề đặt ra là cần thay đổi tư duy sản xuất, đề cao hơn nữa vai trò khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, thủy hải sản…

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu đàn rất quan trọng trong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về mặt khoa học công nghệ, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, có ba mũi công để vào chuỗi này.

"Một là tiêu chuẩn chất lượng. Hai là phải có sở hữu trí tuệ, có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu…Thứ ba là kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ".

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Trong nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp đầu đàn rất quan trọng - Ảnh 1.

Một số sản phẩm của Tiền Giang. Ảnh: BSA

"Chưa chú ý đến tiêu chuẩn nông sản"

PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN cho hay, hội nghị đưa ra một tiêu chí rất hay là tiêu chuẩn sản phẩm.

"Có một mảng còn thiếu hiện nay cho các nhà sản xuất, nhất là sản xuất nhỏ, lẻ như hộ nông dân, họ không quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm".

Theo PGS-TS Đà, nhiều người nghĩ đơn giản rằng sản xuất ra một sản phẩm là bán được, nhưng đừng quên rằng, sản phẩm đó phải đáp ứng yêu cầu nào.

"Khi cho người nông dân làm quen với cách tiếp cận sản xuất hàng hóa phải theo một tiêu chuẩn nào đó, nghĩa là tiếp cận sản xuất có quản lý, áp dụng quy trình quản lý chất lượng. Là sản xuất phải theo yêu cầu thị trường".

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) cho rằng: Cần sớm phát triển trung tâm thông tin và dữ liệu vùng để thực hiện mạng lưới khoa học công nghệ; xây dựng nền nông nghiệp thông minh kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0, đồng thời với thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tiếp cận nâng cấp chuỗi giá trị và lồng ghép cộng đồng để phát triển mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cần chú trọng tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân; cải thiện tiếp cận tín dụng cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Nhà nước cần có chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và chuyển đổi lao động cũng như đổi mới quản lý nhà nước…

Theo: Trí Thức Trẻ

 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật