Các nhà bán lẻ ngoại hào hứng vào Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP HCM, Hà Nội ra sao?

Cả khu vực trung tâm ở TP HCM và Hà Nội đều có giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng, trong khi đó khu vực ngoại thành lại giảm, theo CBRE.
Các nhà bán lẻ ngoại hào hứng vào Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP HCM, Hà Nội ra sao?
 
 

Hà Nội: Không có nguồn cung mới tại khu vực trung tâm thành phố

Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội chào đón hai dự án mới, TTTM Machinco và Trương Định Plaza, góp phần tăng tổng diện tích bán lẻ cho thuê lên gần 820.000 m2. Về vị trí, khu vực Đống Đa – Ba Đình và khu phía Tây tiếp tục chiếm lĩnh thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và chiếm hơn 50% tổng diện tích cho thuê. Tính đến hết năm 2018, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì khi 5 trong số 6 TTTM mới dự định đi vào hoạt động tại khu vực này.

Về diễn biến thị trường, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy khu vực Trung tâm tăng nhẹ do không có thêm nguồn cung mới. Tính đến hết Q2 2018, giá thuê khu trung tâm đạt gần 99 USD/m2/tháng, tăng 0,8% theo năm và 0,4% theo quý. Trong khi đó, tỷ lệ trống khu Trung Tâm giảm xuống còn 0,7%, thấp hơn 1.2 điểm% so với cùng kỳ năm ngoái và 1.1 điểm% so với quý trước.

Trước áp lực từ nguồn cung mới trong năm 2018, khu vực ngoài Trung Tâm có sự điều chỉnh giữa tỷ lệ trống và giá chào thuê. Khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây nơi tập trung phần lớn mặt bằng bán lẻ có giá chào thuê đạt 28,7 USD/m2/tháng, giảm 0,3% theo năm nhưng tăng 1,1% theo quý. 

Các nhà bán lẻ ngoại hào hứng vào Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP HCM, Hà Nội ra sao? - Ảnh 1.
 

Tương tự, giá chào thuê các khu vực ngoài Trung tâm khác có xu hướng giảm, đạt 24,1 USD/m2/tháng, giảm 2,4% theo năm và 0,3% theo quý. Mặt khác, tỷ lệ trống tại các khu vực ngoài trung tâm đều tăng với áp lực nhiều nguồn cung mới tính đến hết năm 2018. Trong đó, tỷ lệ trống khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây nơi nhiều nguồn cung hiện hữu đạt 14,4%, các khu vực ngoài Trung tâm khác đạt 5,8%.

Nửa đầu năm 2018, có thêm nhiều nhãn hàng bán lẻ quốc tế mở rộng và phát triển thị trường Việt Nam. Thị trường Hà Nội cũng đón nhận thêm nhiều nhãn hàng bán lẻ mới như Xiaomi, Lyn và mở rộng chuỗi bán lẻ H&M, hướng tới người tiêu dùng trẻ tuổi. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng tăng, thúc đẩy các nhà bán lẻ nội địa cải thiện sản phẩm và hoạt động bán hàng.

Sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư cũng tạo điều kiện và nhu cầu cần thiết cho phát triển mặt bằng bán lẻ tại các khu vực này. Trong tương lai, sự phát triển khả quan về kinh tế và mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng với thêm nhiều nhãn hàng quốc tế mới và mở rộng vào thị trường. Mô hình sảnh bán lẻ trong các tòa nhà chung cư, văn phòng và thương mại khác sẽ tiếp tục phổ biến nhờ thu hút nguồn khách trực tiếp trong tòa nhà và góp phần tăng tiện ích cho dự án.

TP HCM: Tăng giá mặt bằng ở trung tâm, giảm giá ở vùng ngoại thành

Trong Quý 2 thị trường bán lẻ TP.HCM không có thêm nguồn cung mới nào. Tình hình hoạt động của thị trường bao gồm giá thuê và tỷ lệ trống nhờ vậy không biến động nhiều. 

Giá thuê trung bình cho tầng trệt và tầng một của các cửa hàng có diện tích từ 80-250 m2 tại khu trung tâm giữ ở mức 127 USD/m2/tháng trong khi giá thuê ngoài khu trung tâm giảm nhẹ 4% so với năm trước, còn 36 USD/m2/tháng. Nguồn cung bán lẻ tại khu trung tâm tiếp tục khan hiếm khi hầu hết các dự án bán lẻ tương lai đều có hoạt động xây dựng khá chậm chạp, một số phải hoãn ngày khai trương. Các thương hiệu bán lẻ trên thị trường vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước láng giềng khiến cho việc tạo điểm khác biệt giữa các trung tâm thương mại hiện hữu và tương lai gặp nhiều khó khăn. 

Các nhà bán lẻ ngoại hào hứng vào Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP HCM, Hà Nội ra sao? - Ảnh 2.
 

Trong quý này, bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của CBRE tiếp tục đón nhận phần lớn các yêu cầu thuê mới thuộc ngành hàng ăn uống và thời trang hướng đến đối tượng khách hàng là giới trẻ, như: Founder Bak Kut Teh, Wayne’s Coffee, Eat Street, Dickies, Steve Madden, v.v. Với đặc điểm dân số và phân bổ thu nhập khả dụng hiện nay của Việt Nam, hai ngành hàng này cùng với ngành hàng chăm sóc sức khoẻ sẽ tiếp tục phổ biến trong 3-5 năm tới.

Sự chênh lệch của giá thuê giữa khu trung tâm và ngoài trung tâm sẽ ngày càng lớn trong hai năm tới, khi nhiều khối đế bán lẻ hoàn thành và các trung tâm thương mại mới có diện tích lớn dịch chuyển ngày càng ra xa khỏi khu trung tâm, đến những nơi có mật độ dân số cao và thu nhập người dân được cải thiện. 

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật