Cách bán hàng online cho người không có Internet ở Indonesia
Indonesia, với dân số 240 triệu người, là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử. Nhiều công ty đang tìm cách để khai thác và phục vụ cho khách hàng là tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo ở đất nước này. Tuy nhiên, dù Indonesia có số lượng người dùng Facebook cao thứ tư trên thế giới và cao thứ năm khi nói đến Twitter, mới chỉ có 55% dân số ở quốc gia này kết nối với Internet. 90% dân số chưa bao giờ mua hàng trực tuyến. Rất nhiều người còn không sở hữu điện thoại thông minh.
Theo SCMP, một công ty thương mại điện tử địa phương có tên Bukalapak đã tìm ra hướng đi bằng cách nhắm mục tiêu tới người dùng ngoại tuyến. Công ty được thành lập năm 2010 này có trụ sở tại Jakarta, với tên gọi có nghĩa là "mở một gian hàng".
Cụ thể, công ty xây dựng mạng lưới kết nối với hơn 300.000 đại lý, chủ yếu là các kiốt bán đồ tiện lợi quy mô gia đình (được gọi là warung) hoặc các nhà hàng bán đặc sản địa phương. Học theo chợ điện tử Taobao của Alibaba, Bukalapak cho phép người dùng đăng ký và mở một cửa hàng trực tuyến, đồng thời trở thành đại diện của công ty trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Khách hàng không thể kết nối mạng Internet, muốn mua thứ gì đó trên Bukalapak có thể tiếp cận các đại lý này để được trợ giúp trong việc đặt hàng trực tuyến. Người mua sau đó trả tiền mặt cho warung sau khi đơn hàng được tạo. Các warung sẽ nhận được một phần "hoa hồng" nhỏ cho mỗi giao dịch mua hàng online thành công.
"Chúng tôi đang lấy yếu tố 'e' ra khỏi thương mại điện tử (e-commerce) bằng cách mở rộng sang không gian ngoại tuyến. Trong thực tế, chỉ có khoảng 10% dân số của Indonesia đã từng mua hàng online trước đây", Muhammad Fajrin Rasyid, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Bukalapak cho biết. "Phương pháp này là một trong những cách giúp chúng tôi tiếp cận 90% còn lại".
Fajrin ước tính Bukalapak có khoảng 15 đến 20% thị phần của thị trường thương mại điện tử ở Indonesia. Đối thủ của công ty là các "đại gia" lớn như Tokopedia, Lazada và Shopee. Sau đợt gọi vốn tháng 11 năm ngoái, CEO Bukalapak Achmad Zaky tuyên bố công ty đã có trị giá vượt quá một tỷ USD.
Để khuyến khích người bán và người mua sử dụng Bukalapak, công ty cung cấp dịch vụ ký quỹ, nơi họ giữ khoản thanh toán của người mua cho đến khi họ nhận được món hàng đã đặt. Khi quá trình giao nhận hàng kết thúc, tiền mới tới tay người bán. Fajrin cho biết cách làm này được lấy cảm hứng từ dịch vụ ký quỹ của Alipay, nhằm cải thiện lòng tin dành cho người dùng Taobao.
"Mọi người hiểu rằng Indonesia là một quần đảo và việc chuyển hàng từ đảo này sang đảo khác sẽ mất một vài ngày", Fajrin nói. Do đó, ông cho rằng việc thanh toán và khâu hậu cần là rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Indonesia. Việc thẻ tín dụng chưa phổ biến cũng đồng nghĩa với việc mọi người thường trả tiền mặt khi nhận hàng. Thói quen này có thể khiến các giao dịch thương mại điện tử có xu hướng ngày càng giảm.
Bảo Nam
Theo nguồn: Bizve
TIN CŨ HƠN
- Macy's: Biểu tượng của sự sống sót giữa đống tro tàn
- Câu chuyện Walmart tại Nhật Bản: Khi đế chế tỉ đô "ngã sấp mặt" đến mức phải tháo chạy
- Bài học từ cú ngã ngựa của đại gia tiêu dùng Mỹ
- Câu chuyện của Starbucks ở Úc: Bành trướng quá nhanh để rồi bật bãi không kèn không trống
- Amazon đang chuẩn bị cho cuộc chiến với ngành Bưu chính Mỹ?
- Miniso "giả Nhật”, Mumuso "nhái Hàn”- Những thương hiệu từ Trung Quốc “tung hoành” khắp thế giới nhờ lý luận "sao chép văn hóa không hề phạm pháp"
- Công ty cũ bị mua lại rồi khai tử, doanh nhân trở lại đầy lợi hại với startup có hơn nửa triệu người dùng sau 1 năm hoạt động
- Bảo tàng Kem: Tương lai của ngành bán lẻ
- Hết Startup của Malaysia, Indonesia, giờ lại thêm tay chơi logistics triệu USD của Thái Lan đến Việt Nam, DN lo ngại nhất sẽ là taxi tải Thành Hưng?
- Khai phá thị trường hơn 600 triệu dân của AEC: Vẫn chạy vòng ngoài