Cách nào tăng năng lực bán thực phẩm online cho TP HCM?

Đặt mua thực phẩm tại một số chợ online những ngày này được người tiêu dùng đánh giá "chẳng khác gì săn sale".

Cách nào tăng năng lực bán thực phẩm online cho TP HCM?

Đặt mua thực phẩm tại một số chợ online những ngày này được người tiêu dùng đánh giá "chẳng khác gì săn sale".

"Có shop chỉ bán nhỏ giọt. Họ mở ra nhận vài đơn rồi dừng, phải chịu khó canh. Chắc vì họ cũng thiếu hàng nên khi nào dư dả lắm mới bán trực tuyến được", chị Khánh (quận Phú Nhuận) nói. Không thể dựa hẳn vào kênh online, chị nhận "tiếp tế" từ đồng nghiệp.

Khó mua hay mua được nhưng phải chờ giao hàng lâu, hoặc thậm chí bị hủy đơn là tình cảnh phổ biến của nhiều người vừa qua. Đại diện một số sàn thương mại điện tử cho biết, lượng hàng về TP HCM ít hơn bình thường, một số kênh bán offline thiếu cục bộ nên các kênh online không có hàng bán là dễ hiểu.

Cùng với đó, tại các siêu thị, nhà cung cấp, nhân lực phục vụ khách mua trực tiếp đang thiếu và phải tăng ca liên tục nên cũng ảnh hưởng đến nhân lực khâu trực tuyến, từ nhận đơn cho đến đóng gói. Thậm chí, có nhà cung cấp còn đột ngột rơi vào khu vực phong toả.

Lời giải cho nguồn hàng dường như đang dần có triển vọng khi 13 chợ truyền thống sẽ dần được thí điểm mở lại bán đồ tươi sống trong tuần này. Sở Công Thương còn đề nghị các quận, huyện triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại nhiều chợ truyền thống Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông...

Cùng với việc bán qua điện thoại, nhiều tiểu thương cũng đã đăng ký bán trên Zalo, Facebook và Fanpage của ban quản lý chợ. Như vậy, với việc tăng các nhà bán hàng trực tuyến, nguồn cung sẽ dần cải thiện.

Một vấn đề lớn hơn là logistics, từ vùng nguyên liệu đến giao hàng nội đô. Sáng 18/7, GHN có 2 xe 5 tấn và một xe chở 1,9 tấn nông sản từ Đà Lạt về TP HCM. Tính đến ngày 19/7, đơn vị này vận chuyển được 20 tấn rau củ quả.

Để vận chuyển số hàng này, họ phải mất thêm thời gian hơn cho 4 nhiệm vụ gồm: toàn bộ nhân viên kho trung chuyển phải có kết quả âm tính; nhóm tài xế đi qua nhiều địa phương phải tổ chức "3 tại chỗ"; quy trình giao nhận hàng 5K và áp dụng 1 cung đường 2 điểm đến.

"Ngay cả nhóm làm việc bán thời gian của đối tác thì chúng tôi cũng yêu cầu cần phải có giấy xét nghiệm âm tính mới nhận hoặc công ty sẽ cho những bạn này đi xét nghiệm", đại diện GHN cho biết.

Đến khi giao hàng trong nội đô, việc thiếu tài xế là câu chuyện thường thấy. "Tài xế giao hàng (shipper) lúc bình thường thì rất nhiều nhưng giờ khó tìm", ông Nguyễn Tuấn Khởi, Trưởng ban điều phối chương trình Foodshare Market nói.

Một số nền tảng chứng kiến áp lực đơn hàng tăng cao. Trong tuần đầu tiên TP HCM giãn cách, Gojek nhận mỗi ngày hàng chục nghìn đơn GoFood để mua hàng tại hệ thống các cửa hàng và siêu thị. Họ cũng nhận trung bình mỗi ngày hàng chục nghìn đơn GoSend, tăng 5-6 lần.

"Thời gian hoàn tất một đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng GoFood lâu hơn ngày thường - nhiều đơn mất trên một giờ vì tài xế cần phải tuân thủ quy định giãn cách", đại diện công ty xác nhận và cho biết, một số đơn không thực hiện được do hết hàng hoặc lịch trình đi qua nhiều chốt chặn, hoặc địa bàn có nguy cơ cao.

Cùng với đó, một số đơn vị cung cấp khuyến khích người tiêu dùng chọn hình thức mua chung để giảm tải áp lực cho đội ngũ giao hàng. Vài cộng đồng cũng đã tự chủ động nghĩ ra cách này.

Anh Thành Đạt (quận 4) tham gia vào một nhóm mua chung của bạn bè, gồm 2 đội sống gần nhau tại quận 4 và Bình Thạnh, với khoảng chục người. Hàng tuần, họ sẽ họp trực tuyến một lần để lên đơn mua chung trực tuyến cho cả hai đội.

"Chúng tôi chỉ có vài người gom đơn đặt mua sỉ, đầu quận 4 thiếu trứng thì đầu Bình Thạnh sẽ đặt hộ. Những đầu mối nhận hàng sẽ chỉ đặt một tài xế Ahamove duy nhất theo hình thức giao hàng nhiều điểm để đi chia cho các thành viên", anh Đạt nói làm như vậy sẽ tránh được mua lẻ từng món, vừa chờ lâu, vừa tiếp xúc nhiều tài xế mà còn bổ sung được những món hai đội bị thiếu cục bộ.

Tuy nhiên, để thương mại điện tử mạnh mẽ hơn từ nguồn cung đến vận hành thì TP HCM cần có những giải pháp căn cơ. Ý kiến nhận được tán đồng hàng đầu là phải thật sớm tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế xe tải lẫn 2 bánh.

Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, nguy cơ đội ngũ logistics tại các kho và vận chuyển hàng lây nhiễm chính là nguyên nhân khiến kênh online những ngày qua tắc nghẽn. Tại các kho lớn, nếu có F0 sẽ bị phong toả, dẫn tới hệ luỵ là giao lâu, thậm chí không thể giao.

"Còn tài xế hiện tại chưa được tiêm vaccine. Nhóm này lại là nhóm có nguy cơ cao, nên có khá nhiều tài xế chủ động bỏ việc, rồi có tài xế thì nằm hết trong các khu cách ly. Nên các sàn không thể tìm kịp người đi giao", vị này nói.

GHN nói đang giải bài toán nhân sự bằng cách nỗ lực tuyển thêm nguồn lao động từ các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động như ngành thời trang, F&B. Be thì tạm thời hỗ trợ chuyển đổi tài xế ôtô sang chạy 2 bánh để có thêm shipper.

Gojek thì bơm tiền để giữ người. Đầu tháng 6, công ty công bố hỗ trợ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày với các nhóm tài xế. Hiện tài xế được nhận thêm 5.000 đồng cho mỗi đơn giao GoFood. Công ty nói các chính sách nhằm giúp tài xế an tâm hơn và "đảm bảo một lượng cung tài xế hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu".

"Về góc độ quản lý trong thời dịch, tôi nghĩ nên có mô hình tổng kho nhà nước, hay trung tâm điều phối thực phẩm trong tình huống cấp bách", ông Nguyễn Tuấn Khởi nêu thêm ý tưởng. Cùng với các chợ đầu mối, các tổng kho sẽ góp phần cân đối nguồn cung cho các quận huyện bằng cách tổ chức các đội bán.

Người dân nhờ đó sẽ có thêm kênh mua sắm. Việc đặt mua trực tuyến cũng dễ và nhanh hơn vì hàng nhiều, quãng đường vận chuyển rút ngắn. "Trong tình huống thế này thì việc kinh doanh không thể như bình thường được", ông Khởi nói việc tổ chức quy mô thế này chỉ có nhà nước làm được.

Cách làm của Trung Quốc cũng là kinh nghiệm có thể tham khảo. Vào mùa dịch năm ngoái, lệnh phong tỏa làm 230 triệu người dân nước này bị phong tỏa, thực phẩm vẫn được cung cấp ổn định về số lượng lẫn giá. Riêng kênh bán qua thương mại điện tử tăng trưởng thần tốc.

Vào cao điểm, uớc tính người dưới 25 tuổi mua sản phẩm tươi sống qua mạng tăng hơn 250%; khách trên 55 tuổi tăng gần 400%. Một số nền tàng thực phẩm trực tuyến phổ biến nhất có doanh số tăng 470% so với cùng kỳ 2019.

Điều gì giúp người Trung Quốc ở nhà vẫn đi chợ online dễ dàng? Câu trả lời là "chương trình giỏ rau" (vegetable basket programme).

Được đề ra năm 1988, chương trình áp trách nhiệm cho các thị trưởng thành phố về nguồn cung, giá cả, an toàn thực phẩm và sức mạnh hệ thống logistics. Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát Covid-19, nằm trong số 35 thành phố được chính quyền trung ương đánh giá trực tiếp 2 năm một lần về hiệu quả thực hiện chương trình.

Với mục tiêu đảm bảo sự đa dạng và mạng lưới rộng rãi của các nguồn thực phẩm tươi sống và thịt, các chính quyền làm theo những bước sau.

Đầu tiên, họ chuẩn bị năng lực tự cung tự cấp. Để làm việc đó, các thành phố thường có các khu vực thị trấn rộng lớn bên ngoài các quận trung tâm, được bảo vệ cho mục đích sản xuất thực phẩm. Ví dụ như Nam Kinh, với dân số 8 triệu người, đặt mục tiêu tự cung tự cấp rau ăn lá đến 90% giai đoạn 2008-2012.

Tiếp theo là đồng bộ và trải đều kênh phân phối thực phẩm. Thành phố sẽ được đánh giá về khả năng tiếp cận của người dân với các kênh siêu thị, cửa hàng bách hóa nhỏ và chợ thực phẩm truyền thống. Họ cũng được chấm điểm cao nếu có những cải tiến về cơ sở hạ tầng giao hàng trong các khu dân cư, ví dụ tủ được bảo vệ bằng mật mã để đưa và lấy thực phẩm.

Nhân viên siêu thị và tình nguyện viên lên đơn hàng trực tuyến cho người dân ở Vũ Hán, Trung Quốc khi thành phố này bị phong tỏa năm 2020. Ảnh: Reuters.

Vì vậy, khi đại dịch xảy ra, các thành phố thành tích tốt ở chương trình này đã sẵn sàng thích ứng. Nguồn cung ngoài địa giới hành chính bị cắt giảm đột ngột không khiến họ thiếu hàng trầm trọng khi chờ đợi các địa phương khác lên phương án "cứu viện" an toàn. Tại nội đô, nhờ hạ tầng logistics mạnh mẽ, người dân quen với thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt từ trước nên mọi thứ diễn ra trơn tru.

Hệ thống bán lẻ thực phẩm offline đã phủ đều khắp các cộng đồng dân cư cũng là một chỗ dựa cho thương mại điện tử, rút ngắn thời gian giao hàng và tránh thiếu nguồn cung cục bộ. Do vậy, khi hàng triệu người Vũ Hán mắc kẹt ở nhà, chợ thực phẩm trực tuyến gánh vác nhiệm vụ một cách khá tròn vai.

Theo: Viễn Thông - vnexpress.net


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật