Cách vua tương ớt gốc Việt bán Sriracha cho toàn nước Mỹ: Chỉ cần làm ra sản phẩm thật tốt, khách hàng sẽ quảng cáo thay cho bạn
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Tay trắng đến nước Mỹ vào những năm 1980s, David Tran không tài nào tìm được sản phẩm giải được cơn thèm "tương ớt", không chỉ cho ông mà còn cho cả cộng đồng Châu Á tại đây.
Kế hoạch: Tập trung vào chất lượng sản phẩm chứ không phải lợi nhuận hay cạnh tranh. Sriracha quyết tâm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất mặc cho bao nhiêu khó khăn trong sản xuất.
Kết quả: Hai nhà máy sản xuất lớn tại Mỹ, 20 triệu sản phẩm được bán ra để thu lại hơn 60 triệu USD mỗi năm. Huy Fong Foods và Sriracha đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới.
Chất lượng, chất lượng và chất lượng
Sau nhiều tháng trời nghiên cứu và chế biến, David đã tạo ra được công thức "Tương ớt Sriracha" thỏa mãn được "cơn thèm" của mình, bao gồm các thành phần có sẵn trong khu vực như: Ớt jalapeño, dấm, đường, muối và tỏi. Để tạo dựng thương hiệu, David sử dụng hình ảnh con gà trống từ con giáp của mình và tự tay giao từng lọ đến những nhà hàng nhỏ quanh nơi ông sinh sống.
Cho đến khi số lượng đơn hàng đã lớn và ổn định, David vẫn chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm thay vì chú tâm đến lợi nhuận. Bằng chứng ở việc Sriracha chưa bao giờ tăng giá bán sỉ của mình xuyên suốt hơn 30 năm tồn tại và tất cả công đoạn phân phối đều được giao cho 10 đối tác bán sỉ.
Vì thế, trở ngại lớn nhất của tương ớt Sriracha không phải là tình hình kinh doanh lời lỗ, mà là chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Tuy đa phần đối thủ sử dụng ớt khô để dễ dàng thu hoạch, chế biến và đóng chai. Sriracha kể từ lúc thành lập đã luôn sử dụng ớt tươi hái trực tiếp trên cây để đảm bảo mùi vị tốt nhất. Và để thực hiện điều này, Sriracha cần phải thu hoạch và đưa vào chế biến hơn 45.000 tấn ớt có thể nhanh chóng bị hư hỏng để phục vụ cho quy trình sản xuất cả năm.
Và vì không phải khu vực nào cũng trồng được ớt với chất lượng và sản lượng đồng đều, Huy Fong Foods đã quyết định tập trung vào hợp tác với một nhà cung cấp để duy trì chất lượng sản phẩm ổn định.
Quảng cáo từ người dùng là quảng cáo hiệu quả nhất
"Tất cả là từ chính miệng người tiêu dùng", thậm chí một số người dùng lâu năm nhất vẫn nghĩ Sriracha được nhập khẩu từ Châu Á chứ không phải được sản xuất ngay tại "sân nhà" của mình.
Sriracha đã trở thành một Case Study nổi tiếng nhờ vào những giá trị to lớn khi đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu.
"Hữu xạ tự nhiên hương": Thuyết phục từng người dùng và họ sẽ tự giới thiệu cho những người quen.
Con đường trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong những quán ăn từ bình dân đến sang trọng nhất của Sriracha có thể nói là "có một không hai": Từ chính những nhân viên phục vụ nhà hàng.
Những nhân viên này luôn có thói quen đem theo một chai Sriracha để dùng bữa cho riêng mình, từ đó, một số chủ nhà hàng đã thêm Sriracha trên bàn để phục vụ những người khách Châu Á. Dần dần Sriracha không còn là một "phụ gia" nữa mà nó đã trở thành một "thành phần" của các bữa ăn. Thậm chí một số đầu bếp sushi còn sử dụng Sriracha để làm cho những cuộn cá hồi được cay hơn.
"Quay trở lại với truyền thông": Sriracha ngày càng trở nên nổi tiếng mỗi khi được chia sẻ trong công thức nấu ăn
Chỉ cần một động tác tìm kiếm Google nhanh chóng là sẽ có hơn nửa triệu kết quả "nấu ăn ngon hơn với Sriracha". Sriracha trộn với bơ, Sriracha kẹp bánh mì, bắp rang vị Sriracha, thịt nướng ướp Sriracha, thậm chí là kem và cocktail vị Sriracha. Người dùng càng chia sẻ những công thức và hình ảnh đồ ăn có Sriracha trên mạng xã hội sẽ càng khiến sản phẩm này trở nên nổi tiếng hơn.
Vào năm 2011, tác giả Randy Clemens đã cho xuất bản một cuốn sách dạy nấu ăn mang tên "The Sriracha Cookbook", và chỉ hai năm sau, ông tiếp tục cho ra lò phiên bản dành cho người ăn chay mang tên "The Veggie-Lover’s Sriracha Cookbook".
Giá thành rẻ, xuất hiện rộng khắp và đặc biệt là chất lượng luôn đảm bảo, Sriracha trở thành một người bạn của những bà nội trợ và cả những đầu bếp nổi tiếng nhất.
Và quan trọng nhất: Hội những người "ghiền" Sriracha
Và chỉ tập trung vào sản phẩm cốt lõi của mình, Sriracha giao cho đối tác khai thác những sản phẩm "độc lạ" hơn như Sriracha2Go (móc khóa kiêm lọ Sriracha bỏ túi) hay SrirachaBox (Gói sản phẩm Sriracha bao gồm cả móc khóa, snack, áo …).
Vì biết rằng khách hàng chính là những "đối tác" trung thành nhất, David Tran còn tổ chức những cuộc tham quan nhà máy hàng tuần, không khác gì nhân vật Willy Wonka trong phim. Những người khách ngoài tham quan còn được thưởng thức những sản phẩm mới nhất của Sriracha, tặng áo miễn phí và được gặp trực tiếp CEO David Tran. Dần dần nhà máy Sriracha trở thành một địa điểm thu hút du lịch cho cả khu vực.
Ngoài ra còn hàng chục sự kiện mỗi năm xoay quanh chủ đề Sriracha với hàng ngàn người tham dự, một số sự kiện còn được tài trợ trực tiếp bởi Huy Fong Foods.
Kết quả
Từ doanh thu vỏn vẹn 1.000 USD/ tháng trong những ngày còn tự tay giao hàng, David Tran hiện đang nắm trong tay một cơ ngơi với hai nhà máy sản xuất lớn ngay tại Mỹ, hơn 20 triệu lọ tương ớt được bán mỗi năm và doanh thu hơn 60 triệu USD với tỷ lệ phát triển hơn 20% trong những năm gần đây.
Nhưng không chỉ thành công về mặt tài chính, Sriracha đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới. Tất cả đến từ sự quyết tâm đến "cứng đầu" để đem tới cho khách hàng những sản phẩm có giá trị nhất.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- 5 thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2018
- Vinamilk là thương hiệu sữa được mua nhiều nhất Việt Nam 4 năm liên tiếp
- 4 năm kinh doanh, bán 10.000 ly trà sữa mỗi ngày, bí quyết của thương hiệu Pozaa Tea là gì?
- Cận cảnh thị trường thang rút Việt Nam và sự nhập cuộc của thương hiệu Mỹ hàng đầu
- Chuyện Vinamilk làm sữa chua, Masan bán mì gói và tư duy marketing có cần tạo ra doanh số?
- Làm gì khi doanh nghiệp bị mất thương hiệu: Bài học từ 5 năm chiến đấu trên đất người của Vinamit
- Đại diện Mumuso lên tiếng sau khi truyền thông Hàn nghi ngờ thương hiệu này đang lừa dối người tiêu dùng Việt
- Hồi sinh những thương hiệu lừng lẫy một thời
- Tập đoàn đồ xa xỉ LVMH nhắm vào startup lĩnh vực hàng hiệu
- Thất bại của Café VIP và câu hỏi của tiểu thư nhà Dr. Thanh: 'Mình còn gì để học các doanh nghiệp vài tỷ?'