Chân dung cô chủ 9X xinh đẹp sáng lập thương hiệu đồ ngủ Emwear, gọi thành công 2 tỷ từ Shark Tank Việt Nam
Một là quyết tâm bắt đầu, hai là quyết tâm theo đuổi”, Nguyễn Thị Thùy Trang – nữ CEO 9X chia sẻ về niềm đam mê đến với Emwear.
"Vì đam mê với thời trang nên mình đã tìm đủ mọi cách để đến được với nghề", Nguyễn Thị Thùy Trang, 9X sáng lập thương hiệu thời trang nữ mặc nhà Emwear tâm sự.
Năm 2015, khi tốt nghiệp ra trường, cô gái này bắt đầu làm cuộc khảo sát 6 tháng về ngành đồ ngủ và đồ lót ở Việt Nam. Trang nhận ra là phụ nữ Việt có rất ít sự lựa chọn cho đồ ngủ, bao gồm vài kiểu cơ bản như style "bà ngoại" - mẫu mã cũ, chất liệu bình thường, không được đầu tư; style sexy - đa phần là hàng Trung Quốc và hàng Thái, tuy rẻ, nhiều nhưng khó mặc, không phải ai cũng mặc được; đồ order hàng nước ngoài - cao cấp, không phải ai cũng có thẻ thanh toán quốc tế và biết mua đồ nước ngoài, chưa kể size không phù hợp với người châu Á.
Nguyễn Thị Thùy Trang bắt đầu đến với đam mê từ đó…
Emwear ra đời vào tháng 2/2016 và là phân khúc hướng đến đối tượng khách tầm trung, bao gồm các đặc tính: style thoải mái, chất liệu lụa mềm, nhiều sự lựa chọn, không quá sexy và dễ mua trong nước.
Khởi đầu với số vốn 40 triệu đồng, cô gái 9X này đã khá chật vật với việc cân đối các chi phí cho sản xuất, sản phẩm, marketing, nhân viên… để đảm bảo duy trì được 6 tháng thử nghiệm với mô hình kinh doanh thời trang đồ ngủ mà bản thân đã quyết tâm theo đuổi.
Một khó khăn nữa là ở thời điểm đó, thị trường đồ lót phụ nữ có rất ít, thậm chí hầu như không có doanh nghiệp tương tự để tham khảo về thị trường hay khách hàng. Đặc biệt, không có người quen làm trong ngành này để giúp đỡ trong thời gian đầu. Theo Trang, tất cả mọi khâu từ nguồn hàng, sản xuất, sản phẩm, marketing đến kênh bán hàng, shipping đều tự thu thập, mày mò và phân tích rồi làm.
Để thay đổi hành vi tiêu dùng ở phụ nữ với giá sản phẩm không phải rẻ (khoảng 600 ngàn đồng/bộ) trong thời gian đầu là thử thách rất lớn. Theo Trang, 1-2 tháng đầu chỉ bán cho người quen, lại là sản phẩm trong giai đoạn thử nghiệm nên số lượng bán ra không được nhiều. Đến tháng thứ 3 bắt đầu có khách hàng mới nhưng cũng không nhiều.
1-2 tháng đầu chỉ bán cho người quen với số lượng rất ít
Trang cho hay, số vốn ban đầu để thành lập công ty này là 40 triệu đồng. Doanh thu 3 tháng đầu tiên công ty thành lập chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng. Khách hàng mua sản phẩm của cô là phụ nữ từ 20 đến 35 tuổi, thu nhập hàng tháng trên 8 triệu đồng, sống ở Tp.HCM và Hà Nội. Mỗi khách hàng trung bình mua 2 sản phẩm (1,2 triệu đồng) khi đến cửa hàng. 30% doanh thu đến từ khách hàng cũ, 70% còn lại nhờ quảng cáo Facebook, mở cửa hàng ở quận 1.
Với những chiến lược tự vạch ra rõ ràng và cả những khó khăn thử thách đã trải qua, hiện cô gái trẻ sở hữu có 3 cửa hàng tại Tp.HCM và Hà Nội và Emwear chuẩn bị chuyển qua công ty cổ phần vì đã có nhà đầu tư.
"Theo đuổi đam mê là phải làm cho bằng được. Tự mình mày mò và quyết tâm đến cùng thì sẽ thấy giá trị vô cùng", Trang chia sẻ.
Phải quyết tâm, biết thích nghi, tìm chia sẻ từ những người cùng đam mê…
"Bây giờ mình không làm một mình nữa", Trang nói. "Trên con đường đi dù bạn giỏi đến đâu cũng cần những người đồng hành và cộng sự". Hiện tại Emwear đã có những người cùng đam mê, giữ lửa cùng nhau vượt qua khó khăn của thị trường thời trang đang cạnh tranh khá khốc liệt.
"Thành công nhất hiện giờ có lẽ là lượng khách hàng cũ quay lại ổn định 25-35% mỗi tháng, có 1 team support, đặt nền móng cho sự phát triển của thương hiệu lâu dài", Trang giãi bày.
Hiện tại lượng khách hàng cũ quay lại ổn định 25-35% mỗi tháng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 vượt mục tiêu 150%
Nói về cách tiếp cận khách hàng để Emwear ngày càng được nhiều người biết đến, phát triển quy mô rộng hơn, Trang chia sẻ: Do học ngành marketing nên mình cũng biết chút về cách content và tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, online marketing 2-3 năm trước không nhiều chi phí như bây giờ nên dễ tiếp cận, còn hiện tại thị trường cạnh tranh, hành vi của khách khác xưa nên mình phải tính toán kỹ lưỡng.
Theo Trang, sự thay đổi của khách hàng là thường xuyên, tùy vào nhu cầu, độ tuổi, mục đich sử dụng, theo trend trong và ngoài nước. Chưa kể, sự cạnh tranh sản phẩm vì có nhiều shop làm tương tự nên khách hàng họ cũng có nhiều sự lựa chọn.
"Chi phí marketing tăng lên, một là do sự cạnh tranh, hai là những sự thay đổi của những đối tác hoặc công cụ mình dùng là những thử thách ở giai đoạn này. Tuy nhiên, càng cạnh tranh mình lại càng phải tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với ngân sách của mình bỏ ra mà lượng khách hàng vẫn tăng lên", CEO 9X chia sẻ.
Theo cô chủ 9X, không chỉ online marketing mà khách đến với Emwear còn từ truyền miệng từ người này sang người khác. Facebook là kênh quảng bá cô gái trẻ này sử dụng nhiều nhất để tiếp cận khách hàng, sau đó sẽ đến các kênh thương mại điện tử đối tác như Zalora, Robins, Ferosh, offline có cửa hàng…
"Nếu trước đây là bắt đầu tiếp cận khách hàng thì bây giờ là chiến lược nhân rộng thị trường để sản phẩm của mình đến được với nhiều khách hàng với quy mô lớn hơn. Cái này cần vốn và chiến lược đúng đắn lâu dài. Đi kèm với nó sẽ là sự nhân rộng sản xuất, kênh bán hàng, hệ thống quản lí và nhân sự. Tất cả những mảng này đều là thử thách riêng, cần có sự can thiệp của công nghệ,", Trang chia sẻ.
Được biết, hiện tại cô gái trẻ này đang tìm 1 đồng sáng lập công nghệ cho Emwear để làm lại hệ thống.
"Mình nghĩ làm gì cũng cần có quyết tâm. Nhiều người thường nhầm lẫn thích và đam mê. Thích nhiều thứ nên điều gì cũng muốn làm, rồi có thể dễ dàng từ bỏ. Còn đam mê là xác định rõ mục tiêu cho bản thân, một là quyết tâm bắt đầu, hai là quyết tâm theo đuổi. Biết dừng đúng lúc và biết thích nghi. Tìm chia sẻ từ những người có cùng đam mê, họ sẽ giữ lữa cho mình trong những lúc khó khăn. Như vậy con đường sẽ thuận lợi hơn", CEO Emwear giãi bày.
Sau Shark Tank, sự minh bạch là cán cân không chỉ trong việc gọi vốn, mà còn trong con đường đi lâu dài của doanh nghiệp
Trước đó, Nguyễn Thị Thùy Trang được biết đến với Shark Tank mùa 1-2017 khi gọi thành công số vốn 2 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
"Mình biết Shark Tank qua một người bạn thân học chung đại học. Lúc đầu cũng ngại lắm nhưng nghĩ đây không phải là cơ hội của bản thân mà còn là của Emwear nữa nên mình quyết tâm đi thi", Trang chia sẻ.
Trước khi đến với Shark Tank, cô gái trẻ này suy nghĩ khá đơn giản là trong kinh doanh quan trọng nhất là không lỗ, có lời và phát triển được. "Sau Shark Tank, mình thấy là cái đó là điều kiện cần thôi. Mình nhận ra rằng, sự minh bạch là cán cân không chỉ trong việc gọi vốn, mà còn trong con đường đi lâu dài của một doanh nghiệp. Để có sự minh bạch không chỉ là vấn đề tài chính mà còn trong giấy tờ, pháp lí, luật kinh doanh...", cô gái 9X bộc bạch.
"Để bắt đầu với bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng nên xây dựng một đội ngũ có chung đam mê với mình và phải biết giữ lửa cho họ", Trang chia sẻ
Sau Shark Tank, theo chia sẻ của Trang thì Emwear được biết đến nhiều hơn, có chiến lược rõ ràng hơn trong vòng 3-5 tới, team cũng lớn hơn. Bản thân cô gái 9X này làm việc nhiều và nghiêm túc hơn; hiểu thêm về một số hạng mục đầu tư, có thể dùng cho những lần gọi vốn sau; có thêm nhiều mối quan hệ trong công việc.
Trang tiết lộ, hiện 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu công ty đang vượt mục tiêu đề ra tầm 150%.
Theo Trang, nghề thiết kế, tài chính hay kế toán đều có thể theo đuổi kinh doanh mảng thời trang, không cần phải giỏi toàn bộ nhưng cần có người hỗ trợ.
"Đam mê là một yếu tố cần thiết để bắt đầu và theo đuổi nghề nghiệp. Nhưng khi kinh doanh thì cần hiểu rõ khách hàng và thị trường của mình. Do đó, khởi nghiệp không chỉ đam mê là đủ, cần có nhiều người hướng dẫn để học hỏi và cho mình lời khuyên lúc bắt đầu cũng như trong vận hành. Đặc biệt, để bắt đầu với bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng nên xây dựng một đội ngũ có chung đam mê với mình và phải biết giữ lửa cho họ", Trang chia sẻ.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Chiến dịch 'dắt mũi' khách hàng của Dunkin’ Donuts: “Bơm” mùi cà phê lên xe buýt, đem về thêm 29% doanh thu!
- 90% sản phẩm xuất khẩu qua AEON Quốc tế sẽ mang thương hiệu của AEON, Vinamilk hay gốm sứ Minh Long cũng không ngoại lệ
- Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tự mở chuỗi cà phê King Coffee, cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên
- Chẳng tốn 1 xu quảng cáo, Apple vẫn là ông trùm hiện diện khắp mọi nơi tại World Cup 2018
- Bí mật đằng sau phong cách doanh nhân thành đạt của các Shark
- Đừng nghĩ nhà thông minh chỉ là sản phẩm của Mỹ, Đức hay Pháp: Một doanh nghiệp Việt đã làm tốt điều này, thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới
- Từ món kem làm tại nhà tới thương hiệu trăm triệu USD
- Thua lỗ hàng trăm tỷ VNĐ, vì sao sếp Tiki vẫn tự tin hé lộ sắp mở rộng sang cả Đài Loan?
- Marketing trải nghiệm - phương thức kiểu mẫu giúp Steve Jobs tạo ra một Apple vĩ đại: Mở store đẳng cấp đến nỗi bất cứ ai vào cũng không muốn ra
- Bí mật phía sau chiêu đề giá cao rồi giảm sâu để dụ khách hàng thay vì ghi giá rẻ ngay từ đầu của Điện máy xanh, FPT Shop, Nguyễn Kim,...