Chạy đua "tiêu tiền" với các đại gia thương mại điện tử, lỗ lũy kế của Tiki có thể đã lên đến gần 600 tỷ đồng
Trong báo cáo thường niên hai năm gần đây, VNG cho biết Tiki lỗ hơn 40,8 tỷ đồng trong năm 2016 và sang năm 2017, mức lỗ của Tiki tăng gấp 7 lần lên 282 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dường như là một kết quả lỗ gần 41 tỷ của Tiki trong năm đầu tiên xuất hiện trong báo cáo thường niên của VNG, thực tế lại là một doanh nghiệp khác - Công ty TNHH Thương mại Tiki - Tiki Trading.
Doanh nghiệp phụ trách việc bán hàng trên trang thương mại điện tử Tiki.vn ghi nhận doanh thu thuần hơn 817 tỷ và báo lỗ gần 41 tỷ trong năm 2016. Trong khi đó, CTCP Tiki – doanh nghiệp được VNG mua 38% cổ phần, ghi nhận 62,4 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ gần 180 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần số liệu VNG công bố.
Cũng theo báo cáo này, đến cuối năm 2016, Tiki đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng. Nếu số liệu năm 2017 trên báo cáo thường niên của VNG không sai thì thực tế startup này đã lỗ gần 600 tỷ kể từ khi đi vào hoạt động.
Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP HCM, Tiki bắt đầu khởi nghiệp với việc bán sách trực tuyến. Gần đây, trang còn kinh doanh các hàng hóa sản phẩm khác nhau như đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp...
Liên tục ghi nhận khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong những năm gần đây, câu chuyện của Tiki đang phần nào phản ánh bức tranh chung của ngành thương mại điện tử. Giống với Tiki, những cái tên như Lazada hay Shopee cũng được cho là chưa có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Dù vậy, những startup này cũng không phải quá quan tâm đến vấn đề thiếu tiền, khi những nhà đầu tư vẫn liên tục đổ tiền để Tiki "đốt". Khác với những doanh nghiệp thông thường, bản thân những startup như Tiki không dựa vào lợi nhuận để định giá. Trong một thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng hai chữ số như thương mại điện tử, thị phần, doanh số bán hàng, giá trị mua trên mỗi khách hàng và tỷ lệ khách hàng quay lại mới là những yếu tố chính.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn năm 2018-2020. Trong khi đó, báo cáo của Statista ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2020.
Sau hai năm "đốt" gần hết số tiền từ VNG, đầu năm 2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc JD.com cho biết đã tiếp tục rót tiền đầu tư chiến lược vào Tiki. Lần đầu tư này từ JD chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tập đoàn này tuyên bố "bơm" 44 triệu USD cho Tiki tháng 11/2017. Theo đó JD đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki.
Hiện tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài trong cơ cấu của Tiki đã đạt hơn 40%, trong đó JD và Sumitomo là hai cái tên đứng đầu với sở hữu lần lượt 22,1% và 7,32%.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Hàng Việt có thể xuất đi Mỹ qua sàn điện tử ứng dụng blockchain
- Lazada vs Tiki: Cuộc chiến Billboard ở TP Hồ Chí Minh
- Thương mại điện tử: Cuộc chiến nhìn từ kho hàng
- Ấn bản thương mại điện tử: Đối thủ mới của các tạp chí thời trang
- Startup thương mại điện tử Trung Quốc chuẩn bị IPO huy động 1 tỷ USD
- Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam: Thiết bị di động sẽ lên ngôi?
- Doanh nghiệp nhỏ - xương sống của kinh tế số Đông Nam Á
- Thương mại điện tử Việt Nam: Các "ông lớn" cạnh tranh khốc liệt
- Cơ hội khởi nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á
- Nhân viên ảo dần thay người thật để bán hàng online ở Việt Nam