Người Mỹ sẽ không cần phải chờ đến tận tháng 10 mới nhìn thấy những tác động của cú sốc chính trị, khi mà thuế quan của Tổng thống Trump đã tác động trực tiếp đến đời sống. Theo ước tính đến cuối năm 2018 các loại thuế đánh vào nhôm, thép nhập khẩu và vào hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ 1,4 tỷ USD mỗi tháng. Các nhà bán lẻ đang bị bóp nghẹt, với Walmart và Target cảnh báo sẽ tăng giá. Nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Caterpillar dự báo thuế quan khiến hãng thiệt hại 250-350 triệu USD trong năm nay.
Bất chấp hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, thuế quan của ông Trump vẫn còn đó và tương lai của Huawei vẫn còn mờ mịt. Trung Quốc đã áp thuế trả đũa và đe dọa sẽ trừng trị những công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" cũng như ngừng xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với các nhà sản xuất đồ điện tử.
Nói một cách ngắn gọn, 1 cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể chưa nổ ra nhưng đã kịp gây ra những hậu quả nặng nề. Moody’s ước tính "tai họa" này có thể khiến GDP thực của Mỹ mất 1,8% 1 năm sau khi bước vào chiến tranh thương mại, ở châu Á mức sụt giảm là 1% hoặc hơn. OECD dự đoán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 600 tỷ USD đến năm 2021. IMF cũng cảnh báo nhiều quốc gia, kể cả những nước được hưởng lợi từ sự chuyển hướng trong dòng chảy thương mại, sẽ bị thiệt hại nhiều hơn là được lợi.
Kể cả nếu kết quả này được ngăn chặn thì những động thái của Tổng thống Trump hiện đã ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát của Credit Suisse cho biết dự định sẽ để những khoản đầu tư mới ở châu Âu chứ không phải ở bên ngoài châu Âu như trước. Các tập đoàn đa quốc gia sẽ không còn thiết lập chuỗi cung ứng dựa trên yếu tố chi phí.
Chuỗi cung ứng toàn cầu còn thay đổi vì sự nổi lên của dịch vụ. Năm 2017, thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 17.300 tỷ USD và thương mại dịch vụ cũng đã tăng lên 5.100 tỷ USD. IMF tin rằng nếu xét theo giá trị gia tăng thì tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sẽ cao gấp đôi so với con số chính thức.
McKinsey ước tính tăng trưởng thương mại dịch vụ nhanh hơn 60% so với thương mại hàng hóa trong thập kỷ vừa qua, và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin còn gấp 2-3 lần. Không giống như đối với hàng hóa, các công ty sẽ không cần phải tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ nhất.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng chuỗi cung ứng thu hẹp đồng nghĩa với chúng sẽ trở nên đơn giản hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại: sự cần thiết phải đến gần hơn với khách hàng khiến các công ty phải tăng cường sáng tạo, rút ngắn thời gian giao hàng và tinh tế hơn trong khẩu tùy chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Và không phải ai cũng đồng ý rằng toàn cầu hóa đang chậm lại. Frank Appel, CEO của Deutsche Post dhl Group, công ty vận tải và giao nhận lớn của Đức, quả quyết với những lực đẩy dài hạn như sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trên toàn cầu và làn sóng số hóa sẽ thôi thúc các nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Trí thức trẻ/Economist