Chủ tịch Phú Thái: “Nên hợp tác thay vì đối đầu”

Doanh nghiệp Việt không nên cạnh tranh trực diện với các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam mà thay vào đó là tìm cách hợp tác

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Holdings), chia sẻ quan điểm về chiến lược phát triển của ngành bán lẻ.

Trao đổi với VnEconomy, ông Đoàn cho rằng, với chính sách mở cửa hội nhập để thu hút vốn, học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp cận với công nghệ hiện đại và tạo nền tảng kết nối chuỗi giá trị, các doanh nghiệp Việt Nam không nên đối đầu, cạnh tranh trực diện với các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam mà thay vào đó là tìm cách hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Trước hết, ông đánh giá thế nào về "thể trạng" hiện tại và trong tương lai gần của ngành bán lẻ Việt Nam?

Tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam là rất lớn và thực tế cũng đang chứng minh điều đó.

Năm 2016, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã đạt khoảng 110 tỷ USD. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 11,9% trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường ước tính cũng sẽ đạt khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 do A.T. Kearney của Mỹ vừa công bố, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 11 năm 2016 lên vị trí thứ 6 trong năm 2017.

Với tiềm năng lớn như vậy, tôi nhận định bức tranh của ngành bán lẻ (và cả các ngành kinh tế khác) là tươi sáng. Điều này cũng đặt ra một viễn cảnh về xu hướng đầu tư, thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ song cũng sẽ là cơ hội rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước sức ép hội nhập và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược như thế nào?

Hội nhập có hiệu quả là bài toán không dễ đối với cả Chính phủ, các ngành và doanh nghiệp.

Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi là vẫn phải tiếp tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ, mẫu mã, chất lượng và giá để tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Mặt khác, cũng cần phải chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác củng cố để giành lại thị phần, khắc phục tình trạng lỏng lẻo trong gắn kết giữa nhà phân phối bán lẻ và nhà cung ứng. Hơn nữa, cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp ngoại để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng và với vị thế là một trong những nhà phân phối hàng đầu Việt Nam, tại sao cách đây 5 năm ông lại quyết định gián tiếp bán gần 65% cổ phần của của Công ty Phú Thái Group cho Công ty Berli Jucker (BJC)?

Thực tế cho thấy, bán buôn bán lẻ hiện đã và đang là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với hàng trăm lượt dự án cấp mới, tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.

Cần thừa nhận rằng, hiện năng lực tài chính, khả năng quản trị và công nghệ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chưa có khả năng đầu tư ở quy mô lớn, bài bản. Do đó, khả năng dẫn đầu và tính cạnh tranh thấp. Trong khi đó, các hệ thống siêu thị, đại siêu thị, trung tâm bán buôn đều cần kinh nghiệp, thương hiệu và nhất là số vốn đến hàng nghìn tỷ đồng... để tạo ra một hệ thống "chuỗi" theo tiêu chuẩn quốc tế và chuyên nghiệp.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi hay thương mại điện tử cũng tương tự như vậy. Sự cạnh tranh rất khốc liệt dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh phân phối hàng tiêu dùng cho thấy đây là mảng kinh doanh rất cạnh tranh và không hiệu quả nếu không đi cùng với hệ thống bán lẻ, sản xuất, logistic... tạo thành 1 chuỗi cung ứng khép kín.

Dựa vào kinh nghiệm thực tế, phân tích thị trường cũng như căn cứ vào lợi thế của các bên, chúng tôi quyết định bán gần 65% cổ phần của Công ty Phú Thái Group (một trong các công ty con của Tập đoàn Phú Thái - Phú Thái Holdings) để hợp tác với các mảng kinh doanh khác của BJC.

Đây là một đối tác có tiềm lực mạnh thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (người vừa sở hữu thành công 53,59% vốn Sabeco, Metro Cash & Carry Việt Nam, và là cổ đông lớn của Vinamilk- PV).

Đến thời điểm này, sự hợp tác giữa chúng tôi với BJC đã mang lại những hiệu quả thiết thực và bền vững.

Nhưng với tỷ lệ sở hữu như vậy, ông có lo lắng về việc Phú Thái sẽ bị "Thái Lan hoá" không?

Hoàn toàn không! Đã có những hiểu lầm rằng chúng tôi "bán" Tập đoàn Phú Thái nhưng hoàn toàn không phải.

Công ty Phú Thái Group (PTG) chỉ là 1 trong 6 công ty con của Phú Thái Holdings và chỉ chiếm khoảng 25-30% doanh thu và 5-10% lợi nhuận của Phú Thái Holdings. Nói cách khác, chúng tôi chỉ bán mảng phân phối hàng tiêu dùng nhanh, có hiệu quả không cao và chịu nhiều sức ép cạnh tranh.

Về cơ cấu của Phú Thái Holdings, hiện cá nhân tôi vẫn đang nắm hơn 90% cổ phần. Trong đó, tôi và Phú Thái Holdings đang sở hữu 60% cổ phần tại Công ty Phú Thái CAT (chuyên phân phối, lắp ráp máy cho hãng Catterpilar - hãng lớn nhất thế giới về máy móc và thiết bị của Mỹ); 100% cổ phần Công ty Phú Thái HBC (chuyên phân phối và dịch vụ liên quan đến sức khỏe và sắc đẹp); trên 50% cổ phần đối với Công ty Cổ phần Thời trang Kowil (công ty dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển chuỗi cửa hàng thời trang với các nhãn hiệu Owen, Winny, Wonerful....); trên 50% cổ phần của Công ty CP thú y xanh Việt Nam (công ty sản xuất và phân phối hàng đầu trong lĩnh vực thuốc thú y); trên 90% cổ phần của Công ty Cổ phần Phú Thái Đầu tư (đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, chuỗi nhà hàng, dược phẩm, hệ thống bán lẻ,..) và nhiều các công ty và liên doanh khác.

Còn tại Phú Thái Group, tôi vẫn sở hữu trên 35%.

Vậy ông có thể cho biết chiến lược phát triển của Phú Thái trong thời gian tới?

Việc chủ động tái cấu trúc, mở rộng lĩnh vực hoạt động, liên kết, hợp tác với tập đoàn đa quốc gia, không chỉ giúp Phú Thái hoạt động chuyên nghiệp, quốc tế hoá mà còn tạo đà cho Phú Thái phát triển ở quy mô lớn và mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Quá trình đó, chúng tôi chủ động biến cạnh tranh thành hợp tác, biến thách thức thành cơ hội thông qua động liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với các tập đoàn đa quốc gia để gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý, tránh cạnh tranh đối đầu.

Chẳng hạn, chúng tôi cũng đã bán 19% cổ phần "có điều kiện" của Công ty Thời trang Kowil cho một đối tác Nhật Bản. Theo đó, đối tác này phải "đẩy" sản phẩm của Kowil sang 4 thị trường xung quanh gồm Myanmar, Lào, Campuchia và quan trọng nhất là Nhật Bản. Điều kiện thứ hai là phải chuẩn hóa toàn bộ hệ thống của Kowil, với tham vọng trong vòng 3 đến 5 năm nữa sẽ đưa công ty này trở thành một trong những công ty thời trang đứng đầu Việt Nam.

Vốn không phải là vấn đề quan trọng, nhưng chúng tôi cần công nghệ, thị trường, nên dù đối tác Nhật Bản đề nghị mua 30 - 40%, chúng tôi cũng chỉ bán ở mức tối thiểu nhất là 19%. Hợp đồng hợp tác này kỳ vọng sẽ nâng giá trị của Kowil sau 5-7 năm nữa lên trên 100 -200 triệu USD.

Việc Tập Đoàn Phú Thái có nhiều hợp tác, liên doanh với các Tập đoàn lớn của các nước như ITOCHU (Nhật Bản), PON (Hà Lan),TCC Holdings (Thái Lan), ELPHILSTONE (Úc), CATEPPILAR (Mỹ) hay MEDION (Indonesia)... đã thể hiện uy tín và tính chuyên nghiệp, minh bạch của Phú Thái, tạo ra cơ hội để Phú Thái phát triển ở "đẳng cấp quốc tế".

Vì vậy, nếu tới đây việc có thêm một hay một vài công ty con của Phú Thái Holdings tiếp tục hợp tác với một đối tác ngoại, hoặc liên doanh để mở rộng các lĩnh vực hoạt động mới nào đấy, cũng không phải là điều gì đó quá bất ngờ.

Với chiến lược "bước cùng người khổng lồ", chúng tôi mong muốn Phú Thái ngày càng chuyên nghiệp, quốc tế hóa, phát triển bền vững và cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn của nước ngoài để đóng góp thiết thực hơn cho hội nhập và phát triển của kinh tế nước nhà.

Theo http://vneconomy.vn

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật