Chúng tôi luôn tự hào xin việc ở đây không mất tiền, đi nước ngoài không cần mua quà cho sếp, nhưng lại quên yếu tố quan trọng nhất là thu nhập!
Trong khuôn khổ một hội thảo đào tạo dành cho các doanh nhân, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Software (Fsoft) – đã nhắc đến thời kỳ phân nửa người có kinh nghiệm rời bỏ công ty.
Thời ông Hoàng Nam Tiến tiếp nhận FPT Software, 1.400 người có kinh nghiệm trên tổng số 3.000 nhân sự lúc đó đã rời bỏ công ty. Qua phỏng vấn trực tiếp và nhờ một loạt người phỏng vấn, 70% trong số đó cho biết họ bỏ đi do thu nhập quá thấp.
"Đây là điều cay đắng. Từ trước đến nay khi tuyên truyền về FPT và Fsoft, chúng tôi luôn nói chúng tôi có môi trường lành mạnh, trên dưới như một, dân chủ, minh bạch, xin vào Fsoft không mất tiền, đi nước ngoài không bao giờ phải mua quà cho sếp, đi làm ở Fsoft suốt ngày được ca hát, đá bóng, nhảy dây…"
"Trong khi đó, động lực của người đi làm 70% là thu nhập, tức chúng tôi đã lảng tránh cái quan trọng nhất", ông Tiến thừa nhận.
Và ông cũng lưu ý trong lộ trình phát triển nghề nghiệp của bất kỳ nhân viên nào, thu nhập cũng là yếu tố lưu tâm số 1.
"Đâu đó một số rất lớn trả lời: "Em bỏ Fsoft không phải em ghét các anh, em bỏ vì Fsoft chỉ làm outsourcing, chỉ làm code và test thuần túy. Em học hành tử tế, là người giỏi và muốn phát triển về mặt công nghệ. Em xin sang công ty khác dù nhỏ hơn nhưng em được phát triển"", ông Tiến kể lại và lý giải: Phát triển nghề nghiệp là yếu tố người lao động quan tâm thứ 2.
Khi không được phát triển nghề nghiệp, dù có việc làm ổn định, có thu nhập cao, nhưng họ vẫn bỏ.
Điều thứ 3 rất dễ hiểu, người ta không bỏ công ty hay bỏ lãnh đạo, mà người ta bỏ vì người quản lý trực tiếp của mình.
"Ba điều quan trọng nhất với tất cả người đi làm công là: Thu nhập, môi trường làm việc, và khả năng phát triển. Nếu một doanh nghiệp không được xây dựng để tuyển chọn người theo các điều này thì thế nào người ta cũng bỏ mà đi, hoặc làm việc không hết mình".
"Khi công ty không đáp ứng những điều người ta mong muốn nhất, làm sao người ta đáp ứng lại yêu cầu làm việc hết mình của công ty?", ông Tiến nói.
Chia sẻ về lộ trình phát triển nghề nghiệp ở FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến cho biết FPT Software đã xây dựng chính sách làm sao để mọi người phát triển nghề nghiệp để trở thành chuyên gia công nghệ, chuyên gia giỏi trong nghề, chứ không phải chỉ trở thành Manager (Người quản lý) và Lãnh đạo.
"Trên con đường công danh, các bạn luôn đề cập đến vấn đề bạn làm công nghệ thì có lên chức Giám đốc được không? Tôi rất xin lỗi, một trong những việc ở Fsoft tôi sửa là làm sao chuyên gia công nghệ của chúng tôi lương bằng Tổng Giám đốc".
"Chúng tôi sẵn sàng trả thu nhập cho các chuyên gia công nghệ một vài nghìn USD, để làm sao các bạn thực sự không cần phải làm Giám đốc. Chúng tôi tạo điều kiện cho rất nhiều chuyên gia công nghệ của chúng tôi chuyển sang Mỹ, sang Nhật Bản làm việc. Đấy cũng là một cách để các bạn phát triển nghề nghiệp của mình", ông Tiến chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Đây là điều những người thành công nhất định sẽ thực hiện trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết
- 3 "bàn đạp thần tốc" để chạy nước rút thành CEO
- 7 câu hỏi giúp bạn phát triển tầm nhìn lãnh đạo
- Những bài học sâu sắc từ nhà sáng lập Uniqlo: Việc của nhà lãnh đạo chỉ là suy nghĩ chứ không phải những công việc nặng nhọc!
- 14 nguyên tắc quản lý của Henry Fayol - Đừng làm nhiều hơn mà nên làm thông minh hơn
- Chuyện con ngỗng vàng và nguyên tắc quản trị P/PC, dù là lãnh đạo cấp nhà nước, quản lý cấp công ty hay nhân viên "quèn" đều cần phải biết
- Đây là lý do mà nhiều công ty đang loại bỏ dần các quản lý tầm trung
- Sheryl Sandberg – Người phụ nữ quyền lực nhất Facebook: Lời khuyên chỉ 9 từ nhưng đây là lời khuyên tốt nhất trong sự nghiệp mà tôi nhận được
- Cách xây dựng văn hóa DN từ việc nhỏ nhất của ông chủ Thế giới Di động
- Sự khác biệt căn bản giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo, ngay cả những người đã làm sếp cũng vẫn nhầm lẫn