'Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đứt gãy đến nửa cuối năm 2022'
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ tiếp tục kéo dài tới nửa cuối của năm 2022, theo công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes.
Euler Hermes nhấn mạnh trong báo cáo nhiều vấn đề như những đợt bùng dịch mới, chiến lược zero-covid của Trung Quốc và sự bất ổn thương mại trong dịp Tết Âm lịch.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và vận tải, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Các chuyên gia phân tích trước đó đã cảnh báo rằng biến chủng mới Omicron có thể là một mối đe dọa lớn tới các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tình trạng giảm sút công suất sản xuất đóng góp tới 75% đà giảm khối lượng thương mại toàn cầu, trong khi đó, các nút thắt vận tải là nguyên nhân của 25% còn lại, các chuyên gia của Euler Hermes viết.
Nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng rất có thể sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2022 bởi 3 lý do, các chuyên gia bổ sung.
Container tại cảng Savannah, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Nhu cầu tiêu dùng đã chạm đỉnh
Người tiêu dùng vẫn mở rộng hầu bao nhưng công ty bảo hiểm này cho biết nhu cầu đã chạm đỉnh.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong khi số lượng tiền tiết kiệm của người dân đã tăng mạnh trong suốt đại dịch và chưa được sử dụng hết, nhu cầu sẽ từ từ giảm xuống.
“Xu hướng chi tiêu hộ gia đình dịch chuyển từ dịch vụ sang các hàng hóa lâu bền, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp dụng, sẽ ít có khả năng tăng cao hơn nữa, cho dù các đợt bùng dịch mới có xuất hiện”, báo cáo cho biết.
“Đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển, các hộ gia đình đang chuyển hướng sang tiêu dùng bền vững, và vòng thay thế các hàng hóa được mua trong thời gian đại dịch sẽ kéo dài ít nhất một vài năm”, Euler Hermes bổ sung.
Với việc nhu cầu thị trường đang trong giai đoạn bình thường hóa, áp lực lên các chuỗi cung ứng cũng sẽ ít hơn.
Tồn kho quay trở lại mức trước đại dịch
Sau khi nguồn hàng dự trữ giảm xuống trong đầu năm 2020, các nhà sản xuất đang nỗ lực gia tăng tích trữ nhằm tận dụng “cơn sốt” nhu cầu hàng hoá.
“Tin tốt là sự khẩn trương tích trừ hàng hóa đã tăng mạnh trong vài tháng qua…và mức độ hàng dự trữ đã vượt lên trên ngưỡng bình quân dài hạn tiền đại dịch trong phần lớn các lĩnh vực”, báo cáo cho biết.
Euler Hermes cũng nhận thấy chi phí tài sản cố định tại Mỹ đang tăng lên, yếu tố giúp gia tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang dựa vào “tỷ lệ tối ưu công suất vượt trội” để đẩy mạnh sản xuất.
“Chúng tôi nhìn thấy khả năng nguồn vốn đầu tư tại châu Âu tăng mạnh, và sau đó sẽ là sản lượng, nhờ vào những điều kiện gọi vốn thuận và vị thế tài chính doanh nghiệp tốt”, theo tác giả báo cáo.
“Nếu như không thể gia tăng công suất và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng cảng, quá trình bình thường hoá chuỗi cung ứng tại châu Âu có thể sẽ bị trì hoãn tới hết năm 2022 khi nhu cầu vẫn có khả năng duy trì ở mức cao”, theo báo cáo.
Gia tăng công suất vận tải
Sự tắc nghẽn trong lĩnh vực vận tải sẽ phần nào giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2022 khi công suất vận tải tăng lên.
Chi phí vận tải sẽ vẫn cao trong năm tới, nhưng công suất vận tải sẽ gia tăng khi số lượng đơn hàng toàn cầu đối với container mới đã chạm ngưỡng cao kỷ lục, cao hơn 6,4% so với tổng công suất hiện tại, Euler Hermes cho biết.
“Sự gia tăng nhanh công suất vận tải sẽ được hiện thực hóa trong cuối năm 2022, góp phần gỡ rối các nút thắt”, theo nội dung báo cáo.
17 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, giúp giảm nhẹ tình trạng tắc nghẽn.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu
Báo cáo cũng dự báo rằng thương mại toàn cầu sẽ tăng 5,4% trong năm 2022 và 4% trong năm 2023, sau khi đã tăng 8,3% trong năm 2021.
Nhưng sự mất cân bằng thương mại sẽ diễn biến xấu đi. Euler Hermes dự báo Mỹ sẽ ghi nhận con số thâm hụt thương mại cao kỷ lục, trong khi Trung Quốc thì ngược lại
Trong vòng một vài năm tới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực xuất khẩu lớn của thế giới. Các lĩnh vực năng lượng, điện tử, máy móc và thiết bị sẽ tiếp tục có một năm 2022 tương đối thành công.
TIN CŨ HƠN
- Giá rau tăng 30,6% trong tháng 11, bài toán nuôi 1,3 tỷ dân tiếp tục làm khó Bắc Kinh
- Nhiều nhà bán lẻ Đức lo ngại nguy cơ phá sản
- Mỹ trở thành nhà cung cấp nông sản số 1 của Việt Nam
- Siêu thị châu Âu đua nhau "đạp giá", nông dân trồng chuối Nam Mỹ khốn khổ
- Louis Vuitton, Gucci, Hermes như 'ngồi trên lửa' trước lời kêu gọi 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
- Vì sao thị trường cao su thế giới cũng phụ thuộc và khủng hoảng điện ở Trung Quốc
- Giá lương thực toàn cầu tháng 9/2021 tăng kỷ lục trong 10 năm qua
- Giải mã chìa khoá tăng trưởng của Uniqlo bất chấp Covid: Xem ĐNÁ là "một hộp đôla", số hoá chuỗi cung ứng, làm sản phẩm "LifeWear" phục vụ WFH
- Vì sao Nhật Bản là nơi khai sinh ra chính sách “lãi suất bằng 0” và “nới lỏng định lượng” nhưng lại gặp cảnh trì trệ kéo dài suốt 2 thập kỉ?
- Amazon đánh bại 'vua bán lẻ' Walmart