CMCN 4.0 ở Malaysia: Giới CEO thay đổi tư duy nhưng vẫn chờ những hành động

Số lượng lớn CEO các công ty tích cực tham gia vào CMCN 4.0 phản ánh sự tích cực của lực lượng này với tương lai nền kinh tế Malaysia dù chưa nhiều thay đổi diễn ra ở các nhà máy.

Những chính sách và kế hoạch tổng thể

Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp nhận và chào đón sự ra đời của CMCN 4.0, trong đó có Malaysia. Báo cáo "2016 GE Global Innovation Barometer" cho thấy một số lượng lớn CEO các công ty Malaysia đang tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực này so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu. Thậm chí, những quốc gia như Malaysia, Australia, Canada, Thụy Sĩ… còn nổi lên như là sự thách thức với vai trò dẫn đầu đổi mới sáng tạo của Mỹ, Đức và Nhật.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với Malaysia chính là nguồn nhân lực, vốn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân tài có thể đáp ứng những đòi hỏi mới của CMCN 4.0. Chính vì thế, sự đổi mới mà các doanh nghiệp Malaysia đang thực hiện vẫn tồn tại dưới dạng hình thức chiến lược, thay vì đi sâu vào các hoạt động sản xuất như các đối tác toàn cầu của họ.

Tăng trưởng năng suất trong tương lai của Malaysia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của lực lượng lao động nhằm đổi mới và áp dụng các kiến thức và công nghệ tiên tiến. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực là rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững và lâu dài cho đất nước.

Nhìn nhận rõ những vấn đề này, chính phủ Malaysia đã có những kế hoạch tổng thể nhằm đảm bảo đón nhận CMCN 4.0 theo cách hoàn hảo nhất. Kế hoạch Công nghiệp tổng thể lần 3 giai đoạn 2010 - 2020 (IMP23) và Chính sách khoa học công nghệ và sáng tạo (STI3) giai đoạn 2013 - 2020 nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đất nước bước sang kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp 4.0. Hiện nay, Đại học Universiti Malaya và UTeM (Đại học Công nghệ Malaysia) được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển Kế hoạch chi tiết cho Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4 của nước này.

CMCN 4.0 ở Malaysia: Giới CEO thay đổi tư duy nhưng vẫn chờ những hành động - Ảnh 1.

Những thành công của Malaysia trong hai Kế hoạch Công nghiệp tổng thể đầu tiên IMP1 (1986-1995) và IMP2 (1996-2005) đã góp phần tạo những nền móng vững chắc để Malaysia có thể bắt kịp cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ. IMP3 của Malaysia nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của đất nước bằng cách nâng nền kinh tế lên chuỗi giá trị vượt qua giai đoạn "phát triển trung bình" để bước tới giai đoạn hiệu quả hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và dựa hẳn vào tập trung tri thức để phát triển kinh tế.

Những chuyển đổi công nghiệp trong ba thập kỷ qua hiện đang được tăng cường với hình ảnh của ngành công nghiệp 4.0. Trí tuệ vượt trội (AI) và người máy, đám mây điện toán, Internet vạn vật (IOT) và những thứ tương tự như những tiến bộ trong công nghệ sinh học là một trong số các số các lĩnh vực đang được tích cực triển khai trong những năm gần đây ở Malaysia.

Tương tự Kế hoạch Công nghiệp tổng thể, Chính sách khoa học công nghệ và sáng tạo mới (STI) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, đặc biệt là với những thay đổi nhanh chóng của một thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng tăng. Malaysia nhận thức rõ tăng trưởng dựa vào sáng tạo là trọng tâm thúc đẩy sự phát triển của đất nước nên STI cũng cần được tăng cường và lồng ghép vào tất cả các ngành.

Doanh nghiệp Malaysia vẫn đang dò dẫm

Việc Malaysia chuẩn bị cho CMCN 4.0 đã được thể hiện rõ. Tuy nhiên, Trong cuộc đối thoại gần đây của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) với Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM), hầu hết các nhà sản xuất đều biết đến khái niệm Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng chỉ có 30% số doanh nghiệp bắt đầu đầu tư và tận dụng công nghệ hiện đại.

Nếu so sánh Malaysia với các quốc gia và vùng lãnh thổ về xuất khẩu mặt hàng công nghệ cao, năm 2014 nước này xếp thứ 11 trên thế giới với 63,38 tỷ USD. Ba quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu công nghệ cao hàng đầu là Trung Quốc (558,61 tỷ USD), Đức (199,72 tỷ USD) và Hồng Kông (192,72 tỷ USD). Singapore, đứng ở vị trí thứ 5, sau Mỹ, với 137.37 tỷ USD.

CMCN 4.0 ở Malaysia: Giới CEO thay đổi tư duy nhưng vẫn chờ những hành động - Ảnh 2.

Về lĩnh vực này, Malaysia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong ngành công nghệ cao với sự trợ giúp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng một số người lại cho rằng một phần lớn các mặt hàng xuất khẩu mặc dù là "Made in Malaysia", nhưng chúng không phải là những sản phẩm "thực sự của Malaysia" mà là của các công ty đa quốc gia đặt tại Malaysia sản xuất.

 Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện đang đối mặt với Malaysia là làm thế nào để tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thời đại công nghiệp 4.0. Thế giới đang chứng kiến một số biến động trong thương mại cũng như hệ thống ngân hàng và tiền tệ toàn cầu, cũng sẽ ảnh hưởng đến Malaysia.

Mặc dù khu vực tư nhân đã được xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn còn một thách thức quan trọng: Làm thế nào để khu vực tư nhân của Malaysia trở thành động lực thực sự của tăng trưởng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Câu trả lời là những đóng góp quan trọng vào việc tạo ra việc làm mới, tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới và sự phát triển của một khung cảnh kinh tế mới.

Nhiệm vụ của Malaysia là đảm bảo những điều đó thực sự xảy ra để có thể tận dụng tốt cơ hội từ CMCN 4.0.

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật