Cửa hàng tiện lợi Nhật dừng mở cửa 24 giờ vì thiếu nhân viên
Bên cạnh văn hóa, ẩm thực, hệ thống siêu đường sắt, một trong những điều gây ấn tượng nhất với du khách đến Nhật Bản là các cửa hàng tiện lợi, với sản phẩm đa dạng và hoạt động 24 giờ. Tuy nhiên, các cửa hàng này có nguy cơ không thể hoạt động 24/7 nữa vì thiếu lao động.
Các doanh nghiệp đang phải cân nhắc giảm thời gian bán hàng. Tuần trước, FamilyMart UNY Holdings Co cho biết, họ dự tính thay đổi và thử nghiệm giảm giờ hoạt động để đối phó với thực trạng trên.
Với tỷ lệ thất nghiệp 2,3%, gần tương tự mức năm 1992, tình trạng thiếu lao động tại Nhật Bản đang được thấy rõ trên mọi lĩnh vực, từ xây dựng do nhu cầu lớn trước Olympics Tokyo 2020 cho đến chăm sóc sức khỏe cho dân số đang già đi nhanh chóng. Do vậy, chủ các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự thiếu hụt này.
Một cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Bloomberg |
Theo một khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, 61% các chuỗi cửa hàng tiện lợi nhượng quyền kinh doanh cho biết không đủ lao động. Con số này tăng gấp ba lần so với năm 2014.
"Nhiều chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền cũng phải đứng ra bán hàng, có khi đến 16–18 tiếng mỗi ngày để duy trì hoạt động. Họ thực sự rất mệt mỏi", chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence - Thomas Jastrzab cho biết.
Nhiều cửa hàng được yêu cầu phải mở cửa 24 giờ vì điều này đã quy định trong hợp đồng nhượng quyền, với thời hạn có thể lên đến 15 năm. Trước đây, các thương hiệu như 7-Eleven rất cứng rắn khi buộc các cửa hàng nhượng quyền phải tuân thủ quy định thời gian hoạt động dù Nhật Bản khủng hoảng lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, mọi việc đang thay đổi. Chuỗi FamilyMart có 16.000 cửa hàng tại Nhật Bản cho biết, sẽ thử nghiệm giảm thời gian hoạt động. 270 cửa hàng sẽ tham gia kế hoạch kéo dài nửa năm và bắt đầu từ tháng 6 này.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven đã thử nghiệm chương trình không mở cửa 24 giờ tại 10 cửa hàng mà hãng trực tiếp vận hàng từ tháng trước. 7-Eleven sẽ cho phép các cửa hàng nhượng quyền thử mô hình hoạt động mới từ tháng này.
"Chúng tôi cần phải linh động trong cách nghĩ về thỏa thuận với khách hàng, các đơn vị nhượng quyền", Ryuichi Isaka - CEO Seven & i Holdings (chủ sở hữu 7-Eleven) cho biết tuần trước.
Theo Teikoku Databank, 153 doanh nghiệp tại Nhật Bản đã phá sản do thiếu lao động năm ngoái, tăng 44% so với năm trước đó.
Theo: Tú Anh (theo Bloomberg)
TIN CŨ HƠN
- Cá tra 'trườn' lên sàn Alibaba, tấn công thị trường Trung Quốc
- Cửa hàng "kỳ lạ" ở Australia, nơi mọi hàng hóa được bán đều phải gửi tới Trung Quốc
- Tập đoàn A.S.Watson mở cửa hàng thứ 15.000 tại Kuala Lumpur
- Đại gia Thái đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam
- Ngành kinh doanh ẩm thực Việt đang vuột mất hàng trăm triệu USD vì xu hướng 4.0 siêu hot này
- Mô hình cửa hàng tiện ích ở Nhật lung lay vì thiếu lao động
- Doanh thu bán hàng cao cấp trực tuyến tăng mạnh trên toàn thế giới
- 99 Ranch Market và con đường trở thành chuỗi siêu thị châu Á lớn nhất Mỹ
- 99 Ranch Market và con đường trở thành chuỗi siêu thị châu Á lớn nhất Mỹ
- Những hộp Milo không đường đầu tiên trên thế giới đang được bán ra ở Thái Lan