Cuộc chiến của các công ty giao đồ ăn trực tuyến

Thị trường đặt món trực tuyến đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của nhiều công ty như Now, GrabFood, Lala. Tuy nhiên, nhiều cái tên cũng đã phải chấp nhận rút lui trước đó.

Cứ sau giờ nghỉ trưa, Minh (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) lại cùng đồng nghiệp thảo luận sôi nổi về việc nên gọi trà sữa hay thức uống gì cho buổi chiều. “Cách đây một năm, mình chỉ sử dụng Delivery Now để đặt món. Nhưng bây giờ mỗi lần định gọi đồ uống hay cơm trưa, mình sẽ vào cả Now, GrabFood, Lala và Loship để xem ứng dụng nào có khuyến mãi nhiều hơn để order.”, Minh hào hứng chia sẻ và kể thêm có những ngày đặt đồ ăn trực tuyến đến 3,4 lần.

Quay ngược lại khoảng thời gian 3 năm trước, lựa chọn phổ biến nhất với những tín đồ trà sữa và đồ ăn vặt như Minh khi lên cơn “thèm ăn” trong giờ làm việc là gọi điện thoại trực tiếp cho cửa hàng để đặt món và không thể biết trước thông tin của shipper cũng như lộ trình đơn hàng. Tuy nhiên, sự bùng nổ của một loạt ứng dụng đặt món trực tuyến đã thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng mà Minh đặt tên là “ăn tiệm tại gia”.

Khốc liệt cuộc đua giữa Now, GrabFood, Lala

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường gọi món trực tuyến ở Việt Nam hiện tại có giá trị rơi vào khoảng 33 triệu USD và con số này được dự báo có thể vượt 38 triệu USD vào năm 2020.

Chính thức ra mắt từ năm 2016, Now (trước đây là Delivery Now) dường như là tay chơi nổi bật nhất trên thị trường hiện nay. Trong một cuộc khảo sát bỏ túi với 20 bạn trẻ đang là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng sinh sống tại TP.HCM của chúng tôi, Now là cái tên đầu tiên được tất cả nhắc đến khi được hỏi về các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đã từng sử dụng.

Một shipper của Now đang thực hiện đơn hàng tại một quán ăn ven đường. Ảnh: Việt Đức.

Now là một thành viên của Foody, mạng xã hội đánh giá, chia sẻ về các địa điểm ăn uống lớn nhất Việt Nam tính tới hiện tại. Xuất phát từ một trang web giúp người dùng khám phá các quán ăn và chỉ có doanh thu chủ yếu từ quảng cáo, Foody đã phát triển một hệ sinh thái bao phủ mảng ẩm thực từ ứng dụng gọi món trực tuyến Now đến đặt bàn online Table Now và phần mềm quản lý cửa hàng ăn uống Foody POS.

Tháng 7/2017, nhà sáng lập của Foody từng chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Con số ở thời điểm hiện tại có thể đã cao hơn nhiều. Now còn mở rộng sang các mảng giao thực phẩm, rượu bia, hoa, hàng tiêu dùng nhanh, thuốc và giặt ủi.

Một tân binh mới gia nhập cuộc đua nhưng ngay lập tức đã gây chú ý với người tiêu dùng là GrabFood. GrabFood được thử nghiệm tại TP.HCM từ tháng 5 và chính thức chào sân một tháng sau đó. Đầu tháng 10 vừa qua, GrabFood cũng chính thức hiện diện tại Hà Nội sau chưa đầy 1 tháng thử nghiệm.

CEO của Grab cho biết số lượng đơn hàng được hoàn tất của dịch vụ này tại TP.HCM trong tháng 9 đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước đó. Với thị trường Hà Nội, số lượng đối tác kinh doanh trên GrabFood đã tăng 8 lần chỉ sau 1 tháng hoạt động thử nghiệm.

Một cái tên xuất hiện chưa lâu nhưng cũng đã tạo được dấu ấn riêng là Lala. Lala là ứng dụng đặt và giao thức ăn của Ahamove thuộc Scommerce, đơn vị sở hữu Giao Hàng Nhanh, hãng vận chuyển đứng thứ 2 trong thị trường giao nhận thương mại điện tử hiện nay. CEO của Lala tiết lộ ngay từ khi ra mắt, công ty đã có sẵn 6.000 tài xế nhờ vào đội ngũ đối tác của Ahamove.

Chỉ mới hoạt động chính thức chưa lâu nhưng GrabFood đã tạo được sự chú ý từ người tiêu dùng.

Ảnh: Coconuts.

Những công ty đáng chú ý khác trên thị trường có thể kể đến như Vietnammm, thành lập từ năm 2011 và là thành viên của Takeaway.com, công ty giao nhận đồ ăn hàng đầu ở 10 nước châu Âu hay Loship, nền tảng vừa ra mắt từ tháng 3 năm nay và thuộc sở hữu của Lozi, doanh nghiệp gắn liền với CEO 9X Nguyễn Hoàng Trung, người từng lọt vào danh sách 30 người dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam của Forbes.

Những cái tên đã tạm biệt cuộc chơi

Dù là miếng bánh béo bở, thị trường đặt món trực tuyến cũng gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp gia nhập như xây dựng, quản lí đội ngũ giao hàng hay biên lợi nhuận không cao. Nhiều tên tuổi khi không thể giải được những bài toán của mình đã phải ngậm ngùi rút lui.

 Trường hợp tiêu biểu nhất thuộc về Foodpanda. Là một trong những đơn vị giao đồ ăn trực tuyến có mặt sớm nhất tại Việt Nam từ năm 2012 với tên gọi ban đầu là HungryPanda, Foodpanda đã xây dựng mạng lưới giao đồ ăn trực tuyến với hơn 1.000 nhà hàng tại TP.HCM và Hà Nội cùng đội ngũ khoảng 100 shipper.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Foodpanda đã phải chấp nhận bán mình cho Vietnammm. Lúc này, Foodpanda đang là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đặt thức ăn trực tuyến trên khắp thế giới với hoạt động ở 27 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau nhưng CEO của công ty buộc phải thừa nhận “Việt Nam là một thị trường nhỏ, ít có cơ hội phát triển lâu dài” và việc chuyển nhượng lại hoạt động kinh doanh của Foodpanda tại Việt Nam cho Vietnammm sẽ giúp công ty tập trung hơn vào các thị trường cốt lõi tiềm năng khác.

Trong khi đó, với việc mua lại Foodpanda, Vietnammm đã củng cố vị thế dẫn đầu của mình và hướng tới mục tiêu nắm giữ 90% thị phần. Nhưng kể từ khi Foody ra mắt và đầu tư mạnh mẽ vào Now cũng như nhiều doanh nghiệp mới tham gia cuộc chơi, trật tự của thị trường đã được sắp xếp lại.

Thành công tại nhiều thị trường nhưng Foodpanda phải chấp nhận rút lui tại Việt Nam vào năm 2015. Ảnh: Love Pattaya.

Tại thời điểm Foodpanda rút lui, những cái tên chính cạnh tranh với Vietnammm là Eat.vn và Chonmon.vn. 2 website đặt món online này đều thuộc sở hữu của VC Corp với định hướng khác nhau: Chonmon.vn hướng đến người dùng Việt Nam trong khi Eat.vn được các khách hàng nước ngoài yêu thích. Tuy nhiên đến lúc này, Chonmon.vn đã ngừng hoạt động trong khi Eat.vn cũng không thể truy cập được với lý do website đang nâng cấp.

Một trường hợp đặc biệt khi chưa kịp được khai sinh tại Việt Nam đã phải vĩnh viễn chia tay thị trường là Uber Eats. Theo nguồn tin riêng, Uber Eats dự định ra mắt tại TP.HCM vào đúng ngày Grab thông báo thâu tóm hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Vì thế, nền tảng đặt món trực tuyến của Uber đã không bao giờ có thể chào sân với người dùng Việt.

Nhiều chuỗi phát triển ứng dụng giao hàng riêng

Đã xuất hiện trên các ứng dụng đặt món trực tuyến khác nhau, nhưng nhiều chuỗi cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh vẫn đầu tư cho ứng dụng giao hàng riêng của mình.

Chuỗi cà phê The Coffee House là một trong những đơn vị đầu tiên ra mắt ứng dụng di động với lời khẳng định thời gian giao hàng tối đa là 30 phút. Ten Ren, chuỗi trà sữa mới phát triển từ năm 2017 và nằm trong cùng hệ thống cũng phát triển ứng dụng giao hàng tương tự như người đàn anh.

Trong mảng cà phê và trà sữa, Passio và Tocotoco là 2 thương hiệu hiện cũng đã giới thiệu ứng dụng của mình trên smartphone.

Ở lĩnh vực thức ăn nhanh, các chuỗi có tiềm lực lớn trên thị trường như McDonald’s, KFC, Lotteria bên cạnh các kênh đặt hàng truyền thống qua điện thoại và website cũng đã xây dựng ứng dụng riêng.

Ngoài chức năng giao hàng, ứng dụng di động của các chuỗi kể trên còn đóng vai trò như một kênh tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng khi khách hàng có thể tích điểm, tìm cửa hàng và nhận các thông tin, khuyến mãi, voucher giảm giá từ chuỗi.

Việt Đức
Theo nguồn: Zinh News


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật