Thị trường giao nhận: Những cuộc đua tốc độ
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng 30 - 40%/năm, kéo theo nhiều tên tuổi mới...
Với sự phát triển của công nghệ, thị trường giao nhận, đặc biệt ở phân khúc giao nhận hàng hóa, thức ăn hiện không còn là độc tôn của VNPost, Viettel Post, Kerry, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm... mà có sự tham gia của các công ty công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư. Đơn cử như Now.vn, tiền thân của Foody.vn vừa được Sea (Singapore) mua lại với giá hơn 60 triệu USD để giao nhận thức ăn, vốn được xem có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và còn nhiều dư địa phát triển.
Theo báo cáo của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đặt món trực tuyến là 11% mỗi năm, hiện có giá trị khoảng 33 triệu USD và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Zalo (VNG) bắt đầu bước chân vào dịch vụ giao nhận thức ăn Zalo Food thông qua ứng dụng thử nghiệm cho khách hàng sử dụng Zalo, Lalamove - dịch vụ giao hàng nhanh đang chiếm hơn 60% đơn hàng giao nhận đồ ăn bằng xe máy.
Grab cũng nhanh chóng mở rộng dịch vụ sang GrabFood. Tại TP.HCM, đến tháng 9/2018, số đơn hàng GrabFood đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước đó và tại Hà Nội, đối tác GrabFood đã tăng gấp 8 lần sau gần một tháng. Thành công của Grab đã tạo cú hích cho các hãng gọi xe công nghệ Aber, Go-Viet nhắm đến việc mở rộng dịch vụ giao thức ăn, hàng hóa.
Ở phân khúc giao nhận hàng hóa, Lazada E-Logistics công bố sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD trong năm tới để cung cấp các dịch vụ giao nhận không chỉ cho công ty mẹ mà còn cho nhiều công ty khác. Đặc biệt "ông lớn" trong logistics là DHL ra mắt Công ty DHL eCommerce Việt Nam với cam kết giao hàng chỉ 1 - 2 ngày, kèm theo dịch vụ thu tiền hộ.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, DHL eCommerce Việt Nam bắt tay với Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ - chủ quản sàn thương mại điện tử Sendo.vn (với hơn 300.000 shop kinh doanh) thực hiện dịch vụ giao hàng ngay trong ngày hoặc hôm sau cùng nhiều chương trình hỗ trợ như thu tiền hộ, chuyển tiền cho người bán ngay ngày hôm sau.
Một khảo sát gần đây của Temando cho thấy, 80% khách hàng muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày, 61% muốn tốc độ nhanh hơn, trong vòng 1 - 3 giờ. Vì thế, sau hợp tác với DHL eCommerce, Sen Đỏ bắt tay với GrabExpress triển khai gói dịch vụ "Giao hàng siêu tốc 3 giờ". Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Sen Đỏ cho rằng: "Điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau".
Nhắm vào nhu cầu giao hàng trong ngày, nhất là rau quả còn nhiều khoảng trống, Ship60 - một startup mới nổi "chớp" ngay cơ hội và tuyên bố chỉ trong vòng 2 giờ, món hàng sẽ được chuyển đến người mua. Chạy đua với Ship 60, Grab đang chuẩn bị tung ra dịch vụ giao hàng tạp hóa GrabFresh.
Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đặt món trực tuyến là 11% mỗi năm, hiện có giá trị khoảng 33 triệu USD và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020.
Đại diện của Grab cho biết, thời gian giao một đơn hàng GrabFood tại TP.HCM và Hà Nội trung bình 25 phút và Grab Fresh chắc chắn cũng không lâu hơn. Trong khi đó, Lalamove chỉ cần 10 giây để xác định tài xế phù hợp và chỉ mất 5 phút để sắp xếp chuyến giao hàng. Tại TP.HCM, thời gian giao hàng của doanh nghiệp này trung bình dưới 40 phút cho các đơn hàng có khoảng cách dưới 5km và dưới 1 giờ cho đơn hàng dưới 8km.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất của dịch vụ giao nhận còn là chất lượng dịch vụ. Vì vậy, Lalamove đã sử dụng thùng giữ nhiệt để đảm bảo giữ nhiệt đồ ăn được 2 tiếng đồng hồ. Theo ông Charles Brewer - CEO của DHL eCommerce, cái khó nhất của thị trường giao nhận thương mại điện tử không chỉ nhanh mà còn phải kiểm soát được dịch vụ. Yếu tố này lệ thuộc vào đội ngũ nhân viên. Vì vậy, một trong những chiến lược của DHL eCommerce là tập trung đào tạo đội ngũ giao nhận chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân viên xuất sắc, dịch vụ khác biệt.
Với trên 3.000 đơn hàng mỗi ngày, dự kiến đến năm 2019, SuperShip sẽ có mặt ở 70% tỉnh - thành. CEO SuperShip Lê Thanh Hoài cho biết: "Tốc độ mà SuperShip chọn chạy đua trong sân chơi này là mô hình nhượng quyền thông qua việc hợp tác và chuyển giao cho đối tác ở các tỉnh - thành hệ thống quản lý, quy trình chuẩn hóa".
Theo ông Lê Thanh Hoài, nhượng quyền trong lĩnh vực giao nhận mang tính chất cộng hưởng và hỗ trợ nhau. Không chỉ tận dụng được năng lực tài chính cả hệ thống, năng lực am hiểu thị trường của đối tác tại các tỉnh - thành, mô hình nhượng quyền còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về chi phí, thời gian giao hàng. Hơn nữa, do phải bỏ vốn hợp tác nên tinh thần làm chủ của đối tác cũng cao, vì vậy, mô hình này còn tạo được sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Theo: Lữ Ý Nhi -Doanh Nhân Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Nền tảng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt thêm cơ hội bán hàng xuyên biên giới
- Thương mại điện tử: Chính sách phải song hành thực tế
- Người Việt chi trung bình 186 USD mua hàng qua mạng
- Amazon, Alibaba dồn dập chiêu mộ nhà bán hàng Việt Nam
- Hôm nay nhiều người vẫn dùng được GrabPay, ví Moca chưa liên kết được để thanh toán dịch vụ Grab
- Cửa hàng trực tuyến “Save Elon” bán túi vải, đồ bơi và cốc để quyên góp cho Elon Musk, sau khi phải bồi thường 20 triệu USD
- Tranh nhau hút khách mua sắm qua ứng dụng ở Việt Nam
- Tranh nhau hút khách mua sắm qua ứng dụng ở Việt Nam
- Thương mại điện tử: Đua giá, so kè dịch vụ
- Thanh toán điện tử tiếp tục tăng mạnh ở Việt Nam