Cuộc chiến giao đồ ăn 'khốc liệt' tại châu Á: Không chịu nổi áp lực, Foodpanda phải rút khỏi Nhật Bản

Việc rút lui của Foodpanda cho thấy những thách thức đối với các nhà khai thác giao đồ ăn ở Nhật Bản và các quốc gia khác ở châu Á.

Chỉ hơn một năm sau khi thâm nhập thị trường Nhật Bản, gã khổng lồ giao đồ ăn của Đức Delivery Hero - được biết đến với thương hiệu Foodpanda ở châu Á đã tuyên bố rút khỏi đất nước mặt trời mọc với lý do cạnh tranh gia tăng và thiếu tài xế.

Việc rút lui của Foodpanda cho thấy những thách thức đối với các nhà khai thác giao đồ ăn ở Nhật Bản và các quốc gia khác ở châu Á, nơi các công ty trong khu vực phải đối mặt với những gã khổng lồ toàn cầu. Mặc dù thị trường giao hàng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, nhưng các nhà khai thác đang buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược tăng trưởng của mình trong bối cảnh các nhà phân tích cho rằng, sẽ có nhiều sự hợp nhất trong ngành những năm tới.

Tháng 9/2020, Delivery Hero vào Nhật Bản với thương hiệu Foodpanda. Dịch Covid-19 khiến nhu cầu giao hàng thực phẩm ngày càng tăng là tiền đề để công ty kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ là một thị trường quan trọng.

Giám đốc điều hành Foodpanda, ông Jakob Angele, phụ trách các hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã ở lại Nhật Bản trong 3 tháng từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 để xây dựng hoạt động kinh doanh tại thị trường mới. Với kinh nghiệm thành công ở nhiều thị trường khác nhau - từ Singapore, Đài Loan (Đài Loan) đến Bangladesh - Foodpanda đã rất tự tin với thị trường Nhật Bản. Công ty bắt đầu thiết lập hoạt động ở các thành phố lớn như Kobe, Yokohama và Nagoya, với mục đích cuối cùng là mở rộng hoạt động kinh doanh giao hàng nhanh bên cạnh thực phẩm.

Foodpanda rút khỏi thị trường Nhật Bản. Ảnh: Takaki Kashiwabara 

Cạnh tranh gay gắt

Tuy nhiên, khi là “người đến sau” ở thị trường Nhật Bản, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Dẫn đầu thị trường Nhật Bản là hai đối thủ: Uber Technologies và doanh nghiệp nội địa Demae-can, một công ty niêm yết tại Tokyo được hậu thuẫn bởi ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Line. Dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats hiện có khoảng 130.000 nhà hàng và cửa hàng trên nền tảng tại Nhật Bản. Trong khi đó, hôm 24/12, Demae-can cho biết số lượng cửa hàng đối tác của nền tảng này đã vượt 100.000 cửa hàng. Cả hai thương hiệu vẫn đang đầu tư mạnh mẽ để thu hút người dùng. Demae-can đã báo cáo khoản lỗ ròng 20,6 tỷ yên (180 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 8.

 

Foodpanda chưa tiết lộ số lượng nhà hàng trên nền tảng của mình tuy nhiên xét về độ phổ biến, thương hiệu đến từ Đức vẫn có kém hơn so với hai gã khổng lồ.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến do công ty Nghiên cứu và Tư vấn ITC Nhật Bản tiến hành vào tháng 2, trong số khoảng 3.600 người, 428 người cho biết họ đã sử dụng Demae-can, Uber là 426 người. Chỉ có 34 người dùng Foodpanda.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid -19 cũng thúc đẩy nhiều ông lớn ngành giao hàng khác tham gia thị trường Nhật Bản. Đối thủ của Uber tại Mỹ là DoorDash đã vào Nhật Bản vào tháng 6. Gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing cũng thành lập một chi nhánh giao đồ ăn ở Osaka vào năm ngoái và từ đó đã mở rộng dịch vụ ra 8 tỉnh khác.

Khi rời Nhật Bản, Foodpanda cho biết sẽ mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hóa "thương mại nhanh" ở các thị trường khác.

Ngành giao hàng nhanh nở rộ ở nhiều khu vực

Việc thoái vốn của Foodpanda chủ yếu phản ánh thị trường giao hàng cạnh tranh của Nhật Bản - nơi các nhà khai thác nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng và nhân viên giao hàng. Nhưng tình trạng tương tự cũng có thể thấy ở các thị trường châu Á khác. Các công ty Mỹ, châu Âu và doanh nghiệp địa phương cạnh tranh gay gắt, trong khi chi phí tiếp thị để thu hút khách hàng và tài xế cao, khó tạo lợi nhuận.

Trước khi Foodpanda tuyên bố rút khỏi thị trường Nhật Bản, việc hợp nhất ngành trong khu vực đã rất sôi động. Vào tháng 7, Gojek đã bán phần lớn hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, bao gồm cả giao đồ ăn, cho AirAsia của Malaysia. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Momentum Works tại Singapore, Gojek chiếm 7% thị phần giao đồ ăn tại Thái Lan vào năm 2020, xếp sau Grab với 50%, Foodpanda là 23% và Line là 20%. Grab, cũng đang mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hóa GrabMart, đã công bố mua lại một chuỗi siêu thị Malaysia vào đầu tháng này, kỳ vọng thương vụ sẽ giúp phát triển hoạt động kinh doanh giao hàng tạp hóa.

Ngành giao đồ ăn dự kiến sẽ phát triển ở nhiều thị trường. Ví dụ, ở Đông Nam Á, tổng giá trị hàng hóa của khu vực này dự kiến sẽ tăng từ 12 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo được công bố vào tháng 11 của Google, Temasek Holdings và Bain & Co. Tại Nhật Bản, báo cáo của công ty Tư vấn và Nghiên cứu ICT Nhật Bản cho thấy, quy mô thị trường sẽ tăng 38% lên 682 tỷ Yên (5,9 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2023.

Tuy nhiên, sự kiện rút lui khỏi Nhật Bản của Foodpanda cho thấy, không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Theo Trang Trang

NDH/Nikkei


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật