Doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn lép vế trước đại gia ngoại
Chia sẻ tại diễn đàn bán lẻ Việt Nam ngày 20/3, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng tốc khá nhanh trong 5 năm qua, minh chứng qua dữ liệu tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ ngày càng tăng. Giai đoạn 2015 - 2017 tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 10,5-10,9% thì năm 2018 tỷ lệ này là 11,7%, đạt gần 4.400 tỷ đồng.
"Năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị thì đến năm 2018 có khoảng 8.600 chợ, 1.000 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn", bà Nga thông tin.
Tuy nhiên một thực tế cũng được Phó vụ trưởng Thị trường trong nước chỉ ra, là các nhà bán lẻ trong nước đa phần là nhỏ và vừa, đang phải cạnh tranh trực diện với các nhà bán lẻ ngoại. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và hệ thống hoạt động đã được kiểm chứng qua nhiều thị trường khác nhau.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại một hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hà My |
5 năm qua cũng là khoảng thời gian thị trường bán lẻ Việt chứng kiến sự gia tăng tiềm lực, mở rộng thị phần của các tập đoàn đa quốc gia như Aeon, Lotte, Auchan, BigC... Các tập đoàn nước ngoài khác cũng đã nhanh chóng mở rộng thị trường để khai thác tiềm năng với các chuỗi cửa hàng liên tục được mở rộng.
Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. "Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, đang bị "lép vế" với những "ông lớn" nước ngoài", bà Lưu Bảo Vân - Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam nhận xét. Hiện chỉ số ít doanh nghiệp bán lẻ nội địa có tên tuổi như Coop.mart, Vinmart... đủ tiềm lực cạnh tranh chia lại miếng bánh thị phần bán lẻ với khối ngoại.
Một trong những gợi ý về chiến lược thay đổi với bán lẻ nội địa được bà Đặng Thuý Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc (Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam) là áp dụng công nghệ, robot hoá trong một số khâu bán lẻ để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Bà Hà phân tích, với mô hình cửa hàng nhỏ, cần có hiểu biết sâu sắc về người mua hàng nhằm vào 4 yếu tố cơ bản, đó là tối ưu danh mục sản phẩm (sản phẩm bán chạy và sản phẩm đặc thù), đáng giá đồng tiền, tiết kiệm thời gian và khuyến khích mua sắm thường xuyên.
"Các nhà bán lẻ cần đảm bảo yếu tố mới lạ về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng", bà Hà nêu.
Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc thường trực Hapro đề xuất, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển thương hiệu gồm hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối...
Anh Minh
Theo: vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Khi bán lẻ Việt chính thức bước chân vào cuộc đua công nghệ mua sắm thời 4.0
- Bán lẻ thay đổi theo công nghệ 4.0
- Những yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu khi doanh nghiệp chọn kênh phân phối siêu thị
- Bán lẻ thay đổi theo công nghệ 4.0
- Bùng nổ thị trường bán lẻ Việt Nam
- Các hãng bán lẻ nhảy vào lĩnh vực phân phối đồng hồ
- Nhà bán lẻ quốc tế và rào cản từ những thói quen của người Việt
- Uniqlo và các hàng bán lẻ đua nhau thu thập dữ liệu người tiêu dùng
- Tháng Tết Nguyên đán nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa lại giảm 3,4%
- Người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục thể hiện sự lạc quan trong quý cuối năm 2018