Doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam
EuroCham vừa công bố kết quả chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho quý 1/2018. Với chỉ số 78, kết quả quý này đã tăng 1 điểm so với quý trước.
Nhìn chung, cảm nhận của các doanh nghiệp châu Âu hoặc có mối liên hệ với châu Âu tại Việt Nam trong quý đầu năm khá lạc quan. So với quý liền trước, những đơn vị đánh giá tình hình môi trường kinh doanh là “Xuất sắc” giảm còn 10%. Thay vào đó, các đơn vị xếp hạng “Tốt” tăng thêm 7%. Số lượng đánh giá mang tính tiêu cực không nhiều thay đổi.
Các thành viên trong Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tự tin vào sự bình ổn và tiếp tục cải thiện nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam với mức tăng 9%. Ngược lại, số lượng doanh nghiệp nghĩ rằng nền kinh tế vĩ mô có thể xấu đi tiếp tục ngang bằng so với quý trước.
Khảo sát cho biết lạm phát không phải là nỗi lo chính của các doanh nghiệp thuộc EuroCham. 84% lạc quan rằng lạm phát sẽ không có ảnh hưởng gì hoặc có ảnh hưởng không đáng kể. Chỉ 1% cho rằng lạm phát sẽ đe dọa công việc kinh doanh của doanh nghiệp mình.
39% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì số lượng lao động. 12% có kế hoạch tuyển thêm nhiều, 41% tuyển thêm một ít. Những doanh nghiệp thể hiện mong muốn giảm số lượng người lao động ở mức “giảm nhẹ” từ 10% xuống còn 5% và “giảm mạnh” từ 3% còn 2%.
45% thành viên EuroCham muốn duy trì mức đầu tư hiện tại (tăng 9% so với quý IV/2017). Tuy nhiên, số lượng thành viên dự kiến tăng đầu tư vẫn duy trì ở mức quan trọng, mặc dù có sự sụt giảm 7% trong số lượng doanh nghiệp muốn tăng mạnh việc đầu tư và 11% trong số lượng các doanh nghiệp muốn tăng nhẹ số vốn đầu tư.
Đánh giá việc phát triển luật ở Việt Nam năm vừa qua, 37% cho rằng không có gì thay đổi, 25% nói đã được cải thiện phần nào và 2% thấy có nhiều cải thiện. Những phản hồi mang tính tiêu cực bao gồm 16% nhận xét luật ngày càng trở nên phức tạp, 18% tin rằng năm ngoái luật đã có nhiều thay đổi lớn và phức tạp đối với doanh nghiệp.
Ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EuroCham cho rằng kết quả khảo sát cho thấy những kỳ vọng lạc quan từ phía các doanh nghiệp Châu Âu đối với Việt Nam, tuy nhiên, không ở mức cao như vào năm 2016.
"Những chỉ số BCI cho thấy sự lạc quan vào quá trình cải cách nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời, tăng cường kỳ vọng vào việc phê duyệt EVFTA. Cho dù chỉ số của BCI của quý này rất tốt (78/100) nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về luật mà Việt Nam cần phải xem xét", ông Nicolas Audier bình luận.
Theo: kinhdoanh.vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Grab sắp mở dịch vụ giao hàng tạp hoá ở Việt Nam, chuẩn bị trở thành "siêu ứng dụng"
- Nghịch lý ngành điều: Cửa mở càng rộng, cơ hội càng hẹp
- Phong thái doanh nhân lịch lãm của dàn “cá mập” trong Shark Tank Việt Nam
- Kinh doanh đa cấp với giá vốn siêu thấp, Amway, Herbalife đang thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm tại Việt Nam
- 8/10 thị trường quốc tế của Viettel đã kinh doanh có lãi
- Cao trào đại chiến cửa hàng tiện lợi: 7-Eleven khai trương 2 cửa hàng/tháng, Vingroup đặt mục tiêu 4.000 siêu thị Vinmart+, Petrolimex sẽ mở shop tại các cây xăng trên cả nước
- Chỉ 3 tuần sau tuyên bố làm điện thoại thương hiệu Việt, Vingroup đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ hãng sản xuất smartphone hàng đầu Tây Ban Nha
- Lời giải cho bài toán gia nhập chuỗi cung ứng xuyên quốc gia: Từ "cửa ải" Samsung đến dự án ô tô Vinfast
- Nhu cầu thay đổi, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng không thiết yếu như PNJ, Thế giới Di động, FPT Retail sẽ được hưởng lợi
- Việt Phát - tham vọng dẫn đầu về kinh doanh nguyên liệu khoáng sản tại Việt Nam