Doanh nghiệp có vượt qua được tiêu chuẩn khắt khe của Amazon?
Amazon là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới, đặc biệt, rất thịnh hành tại Mỹ, EU - những thị trường có ngành thương mại điện tử phát triển mạnh từ khâu tiếp thị tới khâu thanh toán, giao nhận…
Vì vậy, việc hợp tác với Amazon được kỳ vọng sẽ tạo kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng tại nhiều thị trường của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Cùng với việc hỗ trợ bán hàng qua kênh thương mại điện tử, Amazon cũng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hàng hóa trên thế giới.
Hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe
Tuy nhiên, để có được “cửa hàng” trên Amazon không hề đơn giản. Nhận định về khả năng ứng dụng thương mại điện tử để xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, ông Bernard Tay – Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á, cho hay: "Một số hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm vẫn còn tồn tại đã và đang cản bước nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới".
Theo đó, để một sản phẩm có thể bán hàng trên Amazon, các doanh nghiệp phải vượt qua hàng loạt yêu cầu khắt khe từ trang bán hàng điện tử này. Đối với hàng nông sản, thực phẩm, cần đáp ứng những yêu cầu về chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, chứng nhận về nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Khánh, chuyên gia huấn luyện về kinh doanh thương mại điện tử trên Amazon nhận định: “Quy tắc quan trọng trong kinh doanh trên Amazon là bán những sản phẩm mà khách hàng cần mua, chứ không nên bán những sản phẩm mà doanh nghiệp có”.
Dẫn chứng vị chuyên gia này cho biết, ví dụ như sản phẩm tổ yến. Sản phẩm này không xuất hiện, được bán trên Amazon do tổ yến chỉ bán chạy tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc, song không phải là sản phẩm ưa chuộng của số đông thị trường còn lại.
Những khó khăn này đã lý giải vì sao hiện nay mới chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. Nếu so với hàng triệu doanh nghiệp sản xuất mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất..., vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thì con số này còn rất khiêm tốn.
Những "cửa" vẫn mở
Những khó khăn, tiêu chuẩn khắt khe như vừa nêu trên cũng là điều dễ hiểu bởi việc bán hàng qua Amazon được xem là "cầu nối" giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động bán hàng trên Amazon hay Ebay được coi là một trong trong những xu hướng tất yếu của thương mại điện tử toàn cầu.
Vì vậy, việc hoàn thiện sản phẩm, từ chất lượng đến hình thức, tạo ra điểm khác biệt của sản phẩm là điều cần thiết, trong đó có việc đầu tư về phát triển thương hiệu đã được các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ ràng.
Cụ thể, theo chia sẻ của đại diện May 10, để có gian hàng trên Amazon, May 10 đã phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn từ Amazon, đạt chứng chỉ đào tạo do Amazon cấp, đáp ứng các cam kết ngặt nghèo, đảm bảo online 24/24…
Theo đó, mặc dù kết quả kinh doanh trên Amazon bước đầu vẫn còn khó khăn, tuy nhiên, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc May 10 cho biết: "Doanh nghiệp xác định, việc hợp tác với kênh bán hàng trực tuyến Amazon là cách để xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, vươn ra thế giới".
May mắn có "quả ngọt" từ hoạt động kinh doanh trên Amazon bà Dương Từ Uyên Thảo, Giám đốc kinh doanh của Công ty Nhựa Duy Tân cho hay, thị trường xuất khẩu của Công ty tăng trưởng rất mạnh, mỗi năm đều đặn 2 con số, thậm chí năm 2018 tăng tới 50%, với khách hàng truyền thống là Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ, EU…"
Tuy nhiên, "Công ty sẽ phải đầu tư mạnh cho mảng bán hàng online vì xu hướng bùng nổ thương mại điện tử toàn cầu. Sắp tới, Công ty sẽ có đội ngũ thiết kế riêng những sản phẩm để bán trên Amazon, đó là những dòng sản phẩm nhựa gia dụng thuộc phân khúc trung, cao cấp", Dương Từ Uyên Thảo cho biết thêm.
Như vậy, qua mỗi câu chuyện kinh doanh của từng doanh nghiệp, có thể thấy, mặc dù kinh doanh trên Amazon với những tiêu chuẩn khắt khe, song việc doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt được "cửa hàng" và kinh doanh hiệu quả không phải là quá khó. Khi doanh nghiệp tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kinh doanh, đầu tư "sâu" cho sản phẩm và chuyên nghiệp hóa.
Ngọc Hà
Theo nguồn: Diễn đàn Doanh Nghiệp
TIN CŨ HƠN
- Các doanh nghiệp bán lẻ hào hứng thay thế túi ni lông bằng lá chuối, túi tự hủy
- Doanh nghiệp IT Sài Gòn định làm mô hình 'đôi bạn cùng tiến
- Asanzo tham vọng phủ sóng thị trường điện lạnh các tỉnh
- Bà Mai Kiều Liên khẳng định dù ngành sữa tăng trưởng âm thì Vinamilk vẫn lấy được thị phần, vậy họ quản trị bằng bí quyết nào?
- Chuỗi điện máy Trần Anh sẽ chấm dứt hoạt động toàn bộ chi nhánh
- Doanh nghiệp bắt tay nhà nông tạo cú hích cho ngành sản xuất
- Vingroup thành lập Viện Nghiên cứu Trí Tuệ nhân tạo, mục tiêu đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu
- Lọt thỏm giữa các ông lớn Acecook hay Masan với bao bì luôn "lỗi thời", vì đâu Miliket vẫn sống khỏe?
- 100 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có thể xuất khẩu qua Amazon
- Điện máy Kangaroo lần đầu công khai tài chính: Doanh thu vượt 100 triệu USD nhưng lợi nhuận chỉ bằng 1/3 kế hoạch