Founder chuỗi Guta: Nhờ chiến lược ‘lấy mỡ nó rán nó’, chúng tôi có thể tăng trưởng gấp đôi mỗi năm
Tuy nhiên, chuỗi này vẫn tăng tưởng 100% mỗi năm nhờ chiến thuật “lấy mỡ nó rán nó”. Hiện tỷ suất lợi nhuận của đối tác nhận quyền từ Guta trung bình khoảng 20% đến 30%/năm – nên họ thường đi lâu dài cùng Guta, chứ không ‘sớm nở tối tàn”.
Năm 2016, anh Nguyễn Minh Thế mở quán Guta đầu tiên với đồng vốn ít ỏi. Điều mà nhà sáng lập này dư dả nhất khi đó là niềm tin vào tương lai và kinh nghiệm dày dạn được đúc kết sau nhiều năm đầu tư kinh doanh một chuỗi cà phê khá nổi khác.
Vì vậy, dù không có hậu thuẫn từ các “đại gia” như các chuỗi tầm trung cùng thời, song Nhà sáng lập này vẫn giúp Guta tăng trưởng gấp đôi mỗi năm trong 6 năm qua, cũng như vượt qua được 2 năm Covid-19 và tiếp tục kiên định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức 100%/năm trong các năm tới.
Hiện chuỗi Guta đang có hơn 120 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại khu vực TP.HCM. Nhờ tối ưu về vận hành, chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng mà các cửa hàng đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình từ 20% đến 30%. Đây chính là nền tảng để Guta thực hiện mục tiêu tăng trưởng 100% trong năm 2023 – có 240 cửa hàng.
“Kể từ khi ra mắt cửa hàng đầu tiên đến nay, tôi chưa bao giờ nghi ngờ về sự thành công của mô hình kinh doanh mà Guta đang triển khai. Trước khi khởi nghiệp với Guta ở năm 30 tuổi, tôi đã có rất nhiều năm tháng lăn lộn trong ngành cà phê với nhiều vai trò khác nhau. Trước khi ra làm riêng, tôi từng đầu tư kinh doanh một chuỗi khá nổi tiếng, tôi hiểu rõ một mô hình kinh doanh như thế nào có thể thắng trên thị trường Việt Nam”, anh Nguyễn Minh Thế mở đầu câu chuyện.
Cũng vì đi lên từ hai bàn tay trắng và có xuất phát điểm từ mảng vận hành, nhà sáng lập này tỏ ra cực kỳ thực tế khi đưa ra quyết định kinh doanh. Anh chia sẻ ‘tôi luôn tự đặt câu hỏi mỗi ngày để tối ưu việc kinh doanh’, chẳng hạn: làm sao để thực đơn cửa hàng phải vừa đạt chất lượng cao vừa tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận?, làm sao cắt giảm những quy trình rườm rà tốn kém nhưng đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt?, làm sao thuê được những mặt bằng có vị trí đắt địa với mức giá hợp lý?...
Không phải tuýp người thích mộng mơ, anh Nguyễn Minh Thế không nghĩ về tương lai xa theo kiểu ‘Guta sẽ thống trị thị trường Việt Nam hay thế giới ngày nào đó’ mà luôn theo đuổi sự phát triển chắc chắn kiểu “tuần tự nhi tiến”: làm việc, cải tiến, hiệu quả. Đó là cách CEO Guta đã vận hành công ty suốt 6 năm qua: năm 2016, hệ thống có một cửa hàng, sau khi cửa hàng đó có lời thì mở cửa hàng thứ hai, sau khi 70 cửa hàng kinh doanh hiệu quả thì mới tính tới mở 120 cửa hàng trong năm 2022.
Trong 2 năm Covid hoành hành, chứng kiến sự xuất hiện và lớn mạnh của rất nhiều đối thủ cạnh tranh tầm cỡ trên thị trường như E-Coffee, Ông Bầu, Chuk… đứng sau là những đại gia như Trung Nguyên, ‘bầu Đức’ hay KIDO; Guta vẫn không nóng vội đi kêu gọi đầu tư để chạy đua mở rộng cửa hàng chiếm thị phần, mà tập trung vào mục tiêu ‘tăng trưởng gấp đôi mỗi năm’ đã vạch ra trước đó.
Kiên định với mục tiêu bao nhiêu, Guta lại linh động trong việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác bấy nhiêu.
Để giải quyết được mục tiêu hiện diện tại mọi cung đường mọi góc phố, Guta đã thử nghiệm, hoàn thiện nhiều mô hình cửa hàng, nhằm phù hợp với diện tích mặt bằng, chi phí đầu tư và khả năng thu hồi vốn của từng tệp đối tác nhận quyền khác nhau: Gucart – xe cà phê, Gukiosk, Gustore.
Mô hình kiosk hướng đến các mặt bằng trung tâm thành phố - nhất là các mặt bằng tại các toà nhà văn phòng, với diện tích nhỏ từ 10 – 20m2, phục vụ chính cho nhu cầu mua mang đi của người lao động. Chi phí đầu tư mô hình này không cao, thường trên dưới 300 triệu, chủ yếu là đầu tư vào trang thiết bị.
Mô hình xe cà phê được Guta xây dựng từ năm 2019, giải quyết bài toán ‘khó triển khai cửa hàng ở những khu vực đông phương tiện qua lại nhưng quỹ đất nhỏ, khó thuê được mặt bằng lớn’. Mô hình cửa hàng cà phê nhắm đến việc phục vụ khách hàng mua mang đi lẫn uống tại chỗ. Với mô hình cửa hàng, Guta còn có thể kết hợp triển khai quầy bánh mì, cơm, phở để phục vụ được nhu cầu ăn sáng, ăn trưa của khách hàng.
Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình nhượng quyền Guta so với các đơn vị khác, là Guta trực tiếp chịu trách nhiệm vận hành và quản lý cửa hàng thay cho nhà đầu tư nhượng quyền. Điều này đảo bảo tính nhất quán, đồng bộ về mặt chất lượng, trải nghiệm khách hàng cũng như tránh sai sót trong quá trình cửa hàng hoạt động.
Guta cũng từng thử nghiệm mở quán cà phê phân khúc cao cấp tại Ngã 6 Phù Đổng với tên gọi Guta Premium. Chuỗi này còn bán thêm trà sữa và các loại bánh. Ngoài đồ uống, Guta còn có quán bánh mì Chim Chạy và mới đây vừa khai trương quán nhậu mang tên ChillTa ngay dưới trụ sở công ty ở đường Trần Cao Vân.
“Với Guta, không có gì là không thể thay đổi và tất cả những đồ ăn – thức uống/mô hình/vị trí khác biệt với cái cơ bản, đều hướng tới mục tiêu đem đến sự tiện lợi cho khách hàng cùng tối ưu doanh thu. Trong thời gian Covid-19, có thời điểm chúng tôi mang bơ trái về các kiosk và cửa hàng để bán, có ngày doanh thu bơ còn nhiều hơn cà phê.
Hay nói đơn giản hơn, những thứ khác lạ mà khách hàng thấy Guta làm trong 6 năm qua là rất nhiều thử nghiệm của chúng tôi, để làm sao khiến chuỗi ngày càng hoạt động hiệu quả, bắt kịp xu hướng. Tôi là người không ngại thử nghiệm, tất nhiên là trong phạm vi nhỏ. Vài năm gần đây, vì quy mô đã khá lớn nên Guta sẽ ‘không chịu đựng nổi’ nếu kết quả thử nghiệm trên toàn chuỗi sai”, CEO Guta tiết lộ.
Bên cạnh việc tối ưu mặt bằng, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, những thử nghiệm liên tục của Guta còn hướng tới mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái F&B tiện lợi cho khách hàng. Làm sao, chỉ cần khách hàng ghé cửa hàng online/offline của Guta đều có thể mua cả thức ăn lẫn nước uống để đủ tiêu dùng cho một bữa ăn đơn giản.
Đa dạng hóa kênh phân phối cũng là một phương thức quan trọng trong việc tối ưu hóa doanh thu và tạo hệ sinh thái F&B dành cho khách hàng. Ngoài việc thúc đẩy bán hàng trên các ứng dụng của bên thứ ba như ShopeeFood hay GrabFood, Guta còn đầu tư phát triển ứng dụng riêng. Theo quan điểm của anh Nguyễn Minh Thế, với 120 cửa hàng tập trung ở nhiều quận trung tâm và cận trung tâm của TP.HCM cùng thực đơn thức ăn – nước uống đa dạng, Guta tự có thể phục vụ tốt khách online của mình.
Đây là bước phát triển cần thiết cho các chuỗi F&B, để không dựa quá nhiều vào các nền tảng công nghệ bên ngoài trong việc bán hàng online – ngày càng có vai trò quan trọng trong kinh doanh. Ứng dụng Guta ra mắt năm 2022 hiện đang có khoảng gần 100.000 thành viên. Ngoài các tính năng về đặt giao hàng, ứng dụng còn giúp khách hàng tích luỹ điểm dùng để mua các đơn hàng tiếp theo, tính năng trả trước để khách hàng thuận tiện thanh toán không tiền mặt.
Hiện Guta đang nghiên cứu lời giải một loạt bài toán tối ưu cho bán hàng online, như: hoạch định xem trong một khu vực thì cần bao nhiêu cửa hàng có bán đầy đủ các thức ăn và nước uống trong menu, để khách hàng cần thì có thể giao trong bán kính 30 phút?; việc xây dựng các bếp trung tâm có cần thiết không?; nên tự phát triển đội giao nhận hay thuê ngoài?; xây dựng đội ngũ vận hành bán hàng online như thế nào?...
Cũng theo chia sẻ từ CEO Nguyễn Minh Thế, hệ thống 120 cửa hàng hiện nay có 40% là họ tự mở và 60% là nhượng quyền, doanh nghiệp đang hướng tới cơ cấu 50-50. Nhà sáng lập Guta cho rằng: quan hệ với đối tác chủ nhà/nhượng quyền nên giống như người thân hay bạn bè, chứ không chỉ là đối tác làm ăn. Cả hai đều cần phải chọn lựa nhau thật kỹ càng để cùng đi đường dài, thay vì tăng trưởng nóng trong ngắn hạn.
“Chúng tôi không có nhiều tiền để mua các kết quả nghiên cứu thị trường, việc chọn mặt bằng để mở kiosk hoặc cửa hàng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của Ban lãnh đạo. Tất nhiên, cái này cũng chẳng có gì huyền bí cả, ở đâu có tệp khách hàng mục tiêu của Guta – dân văn phòng và từ người tiêu dùng từ 20 đến 45 tuổi, chúng tôi sẽ có mặt.
Khi có một địa điểm mới, chúng tôi sẽ không mở quán ngay mà sẽ điều nghiên kỹ càng, để xem vị thế của mặt bằng cũng như tính tình người chủ nhà/người nhận quyền như thế nào. Đặc biệt, khi thấy một mặt bằng đẹp, phù hợp với Guta, chúng tôi sẽ cố gắng theo đuổi bằng được, dù phải tốn nhiều thời gian.
Vì chủ nhà/người nhận quyền là một chủ thể quan trọng trong mô hình kinh doanh của Guta, nên không thể ‘qua loa đại khái’. Chúng tôi cũng xem chủ nhà như bạn bè/người thân, Ban giám đốc công ty thường sắp xếp thời gian ghé thăm, tặng quà chủ nhà vào các dịp lễ, Tết. Với tấm lòng như thế, hầu hết chủ nhà đều rất quý Guta. Trong thời điểm cao trào Covid-19, rất nhiều chủ nhà đã miễn giảm tiền thuê mặt bằng cho Guta, nhờ thế chúng tôi giảm tối đa thiệt hại và phục hồi rất nhanh sau Covid-19.
Nguyên tắc của Guta khi nhượng quyền là không chỉ nói về màu hồng mà cả những màu xám, đó là những bất trắc có thể xảy ra khi cả hai hợp tác với nhau”, doanh nhân sinh 1986 cho hay.
Hiện tại, người nhận nhượng quyền chủ yếu góp vốn để mở kiosk/cửa hàng, với chi phí nhượng quyền mỗi kiosk từ 300 triệu đồng và cửa hàng từ 500 triệu. Guta sẽ chịu trách nhiệm vận hành hoạt động cửa hàng, lên chiến lược kinh doanh cho cửa hàng.
Guta đã phát triển phần mềm quản trị, xây dựng quy trình vận hành tiêu chuẩn để cung cấp cho các nhà nhận quyền cùng Guta giám sát các công việc hằng ngày trong cửa hàng.
CEO Guta cho biết thêm: doanh nghiệp chỉ nhận phí nhượng quyền khoảng 3% doanh thu/tháng, phần này để đảm bảo các chi phí đầu tư cho tiếp thị, phát triển công nghệ và chăm sóc khách hàng. Hiện tỷ suất lợi nhuận của các nhà nhận quyền từ Guta khoảng 20% đến 30% trên năm. Tất nhiên, vẫn có nhiều cửa hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn và cao hơn con số này - tỷ suất 40% đến 50%/năm ở Guta là không hiếm.
Tuy nhiên, việc đầu tư kinh doanh lĩnh vực nào cũng sẽ có rủi ro nhất định – ngành F&B cũng không phải làm ngoại lệ; song khi một cửa hàng bị thua lỗ, Guta sẽ chia sẻ một phần trách nhiệm. Trong những năm qua, Guta cũng đã xây dựng được rất nhiều giải pháp khắc phục rủi ro cho nhà đầu tư, như hỗ trợ tìm kiếm và chuyển đổi mặt bằng.
“Nhờ chiến lược ‘lấy mỡ nó rán nó’ thông qua nhượng quyền, Guta không cần gọi vốn vẫn có thể tăng trưởng về mặt quy mô 100%/năm. Nhờ tỷ suất lợi nhuận tốt, các nhà nhận nhượng quyền thường đi lâu dài cùng Guta, chứ không ‘sớm nở tối tàn’. Để phòng ngừa rủi ro, chúng tôi không khuyến khích các nhà nhận quyền mở một lúc nhiều kiosk hoặc quán”, CEO Guta kể.
Với sự trợ giúp của công nghệ, để vận hành 120 kiosk/cửa hàng, Guta chỉ cần 40 đến 50 nhân viên văn phòng cùng vài trăm nhân viên phục vụ part-time (chủ yếu là sinh viên). Thực đơn thức uống/món ăn chế biến đơn giản và quy trình vận hành cửa hàng được tinh gọn qua từng năm, nhân viên mới của Guta chỉ cần 3 ngày huấn luyện là có thể ra ngoài cửa hàng làm việc.
Trong tương lai gần, ban lãnh đạo Guta vẫn chưa có ý định đi gọi vốn. Như cách nói của anh Nguyễn Minh Thế: “Guta muốn tự đi bằng đôi chân của mình và chia sẻ thành công với những người đã tin tưởng mình”.
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong tháng 11
- FPT Retail: Doanh số tăng từ trước tết Âm lịch khi Trung Quốc mở cửa, vẫn đối mặt với áp lực nhu cầu tiêu dùng suy yếu
- MBS: Vincom Retail dự kiến mở thêm TTTM tại Hà Giang, Điện Biên Phủ..., doanh thu 2023 gần 10.000 tỷ đồng
- Người tiêu dùng Việt tích cực mua thuốc online: Lưu lượng truy cập website của Long Châu tăng 150%, Jio Health tăng 172,1%
- Rót 14 tỷ USD vào Việt Nam, các tập đoàn Hà Lan Heineken, Unilever, De Heus... chiếm vị thế đầu ngành từ đồ uống đến thức ăn chăn nuôi, thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm
- Sau 1 năm bán sữa ngô và sữa đậu xanh "tươi mát", liên doanh của Vinamilk và Kido đang làm ăn ra sao?
- Doanh nghiệp bắt đầu “chạy đua” cho mùa mua sắm Tết Quý Mão
- Winmart, Winmart+ sau 11 quý về với tỷ phú Quang: Chưa thể cắt lỗ, nhưng đã thấy những “tia sáng cuối đường hầm”
- Bắt tay cùng THACO, Emart vừa khai trương đại siêu thị thứ 2 sau 7 năm bước chân vào Việt Nam
- Doanh nghiệp ồ ạt công bố BCTC chiều tối 28/10, một số công ty lớn lớn báo lỗ