"Ghìm cương" giá hàng hoá
Mới đây, tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng và nửa đầu tháng 10, định hướng các tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cần tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá chủ động, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo thuận lợi cho các mục tiêu của năm tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hoá trên thị trường thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Các bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật, tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm liên quan đến việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.
9 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,73%. Đây được xem là kết quả của sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt của Chính phủ, các Bộ ngành cùng sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp, người dân.
Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ bình ổn giá sản phẩm
Tham gia chương trình bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh với khoảng 700 - 1 triệu trứng/ngày, cao điểm cuối năm có thể lên tới 1,5 triệu trứng/ngày, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang tìm nhiều cách để cân đối chi phí, giữ giá bình ổn tới hết năm.
"Quản lý làm sao ít sản phẩm hư hỏng, việc giao hàng tới siêu thị được tối ưu nhất, cắt bỏ những chi phí không cần thiết như quảng cáo, marketing… để tập trung đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá bán tốt nhất", ông Trương Chí Cường - Phó TGĐ Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết.
Với mặt hàng thịt lợn, Công ty cổ phần Súc sản kỹ nghệ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn kinh phí hơn 700 tỷ đồng để dự trữ hàng hoá.
"Chúng tôi cam kết không tăng giá bán trước, trong và sau Tết, bên cạnh đó công ty sẽ thực hiện nhiều chương trình đến 30% tuỳ mặt hàng và thời điểm", ông Phan Văn Dũng - Phó TGĐ Công ty cổ phần Súc sản kỹ nghệ Việt Nam cho biết.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối đều đã lên kế hoạch để đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả hàng hoá
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực có kế hoạch tăng hàng sản xuất đảm bảo nhu cầu dịp cuối năm mà những chuỗi phân phối hiện nay cũng có kế hoạch nhập hàng sơ bộ do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên giá cả hàng năm năm nay dự kiến ít biến động.
"Các mặt hàng phục vụ cho hội họp gia đình như đồ uống, bánh kẹo... sẽ có mức tăng trưởng cao. Đặc biệt là những mặt hàng phi thực phẩm năm trước có sức mua yếu thì năm nay dự báo sẽ có sự phát triển doanh thu vượt bậc, bên cạnh đó là các chương trình khuyến mãi chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp", ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc Điều hành Khối Cửa hàng Big C and Go Khu vực Hà Nội và Miền Bắc.
Các doanh nghiệp cho biết cũng sẽ tiếp tục duy trì các chương trình trợ giá từng mặt hàng tiêu dùng từng thời điểm, bám sát giá cả từ phía cung ứng, đặc biệt trong dịp Tết khi nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.
Đến nay, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hoá bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Còn tại Hà Nội, lượng dự trữ hàng hoá cũng tăng từ 15-20%.
"TP Hà Nội hiện nay đang có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá. Ngoài chương trình khuyến mại doanh nghiệp đã đưa ra, chúng tôi khảo sát tại các chợ truyền thống cũng như hệ thống phân phối, giá thành các mặt hàng thiết yếu đã giảm 5-7%, có mặt hàng giảm tới 15%", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết.
Nỗ lực bình ổn giá dịch vụ giao thông
Một trong những chi phí đầu vào quan trọng của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh là cước vận tải. Mới đây, Bộ GTVT vừa yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá trong ngành. Thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp giao thông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nỗ lực bình ổn giá dịch vụ, góp phần giữ ổn định giá cả thị trường.
Mặc dù giá nhiên liệu thế giới biến động, tuy nhiên, cảng Tân Vũ vẫn nỗ lực bình ổn các loại giá dịch vụ. Thậm chí, một số tác nghiệp hàng hoá được doanh nghiệp giảm giá 5% để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
"Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và sắp xếp lại bộ máy hoạt động để tiết giảm các chi phí, tạo dự địa cho việc bình ổn giá cả…", ông Lê Minh Hải - Giám đốc Chi nhánh cảng Tân Vũ, Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển quốc tế đến nay đã giảm gần 70% so với đỉnh điểm vào thời điểm tháng 9 năm ngoái (Ảnh minh hoạ)
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển quốc tế đến nay đã giảm gần 70% so với đỉnh điểm vào thời điểm tháng 9 năm ngoái. Giá cước vận tải nội địa vẫn ổn định ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, giá các dịch vụ tải cảng biển như hoa tiêu, bốc dỡ, lai dắt vẫn được doanh nghiệp duy trì ổn định từ năm 2018 đến nay. Thậm chí áp dụng giảm giá đối với tàu Việt Nam hoạt động tuyến nội địa nhằm góp phần giảm bớt chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện văn bản pháp luật về giá, từ đó có kiến nghị Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sửa đổi quy định cho phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
VTV
TIN CŨ HƠN
- Kiểm soát chất lượng hàng hóa tại siêu thị
- Bộ Tài chính: Nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá dịp cuối năm
- Đề xuất xem xét tiếp tục giảm thuế xăng dầu; đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
- Đại lý phân phối Mercedes-Benz Haxaco (HAX) cán mốc 81% lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm
- Giảm thuế VAT 2%: Tránh trục lợi chính sách
- Bộ Tài chính: Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do tâm lý, kỳ vọng lạm phát
- Sắp có nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử
- EVFTA tạo sức ép lớn cho các nhà bán lẻ Việt Nam
- Bộ Công Thương vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa vào năm 2023
- Kích cầu tiêu dùng nội địa: Cần phù hợp, kịp thời