Đề xuất xem xét tiếp tục giảm thuế xăng dầu; đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Vượt qua sức ép, khó khăn bủa vây, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong 8 tháng năm 2022
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, trong đó nổi lên là cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina kéo dài, chính sách phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang kìm hãm tăng trưởng.
Giá năng lượng tăng cao gây lạm phát trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất. Lạm phát tại Mỹ tháng 7/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 7/2022 đã lập kỷ lục tăng 8,9%, cao hơn nhiều lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tại Châu Á, lạm phát tháng 7/2022 của Thái Lan tăng 7,61%; Hàn Quốc tăng 6,3%; Indonesia tăng 4,9%; Nhật Bản tăng tăng 2,6% và Trung Quốc tăng 2,7%.
Trong nước, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được Chính phủ triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước sinh hoạt, học phí, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý... nhờ đó mà lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%, áp lực các chi phí đầu vào giảm đáng kể. Cụ thể:
Trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt (trong đó có 8 đợt giảm giá) làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 theo biến động giá nhiên liệu thế giới và do tác động của việc Nhà nước giảm thuế đối với xăng dầu. Từ ngày 21/6/2022, giá xăng A95 III ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezen ở mức 30.010 đồng/lít đã giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít trong tháng 8. Giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022.
Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023 như lộ trình trước đó, thậm chí các địa phương còn miễn, giảm học phí trong thời gian vừa qua để chia sẻ khó khăn cho người dân đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục bình quân 8 tháng đầu năm giảm 3,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm.
Với giá dịch vụ y tế, năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên việc này đã được hoãn lại trong đại dịch. Thêm vào đó, giá điện của EVN cũng chưa tăng giá và EVN đã chủ động đề xuất không tăng giá điện trong năm nay mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao.
Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo đầy đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, chiếm quyền số khoảng 1/4 trong rổ hàng hàng hóa.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro làm tăng CPI
Theo Tổng cục Thống kê, việc kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng đầu năm giúp Việt Nam có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, cụ thể:
Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế.
Thứ hai, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt và khi kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Thứ ba, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.
Thứ tư, kinh tế trong nước của chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; xem xét tiếp tục giảm thuế xăng dầu
Về công tác điều hành giá trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất: Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm.
Bộ Công Thương và các địa phương phải tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá của mặt hàng này.
Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cần được sử dụng hợp lý với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng khác như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.
Cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp./.
Theo: VpG
TIN CŨ HƠN
- Đại lý phân phối Mercedes-Benz Haxaco (HAX) cán mốc 81% lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm
- Giảm thuế VAT 2%: Tránh trục lợi chính sách
- Bộ Tài chính: Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do tâm lý, kỳ vọng lạm phát
- Sắp có nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử
- EVFTA tạo sức ép lớn cho các nhà bán lẻ Việt Nam
- Bộ Công Thương vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa vào năm 2023
- Kích cầu tiêu dùng nội địa: Cần phù hợp, kịp thời
- Từ năm 2021, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu con dấu trước khi dùng
- “Cởi trói” khuyến mại, gỡ khó cho doanh nghiệp
- 3 doanh nghiệp cần chuyển đổi online và tận dụng triệt để cơ hội kinh doanh từ cơn bão Covid-19