Giá đỡ nào cho “chợ online” Việt

Việc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) vừa nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang cho thấy sức nóng từ các “chợ online Việt”.

Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) vừa công bố nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó có 3 nhà đầu tư mới là: Tập đoàn SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures; Riêng các nhà đầu tư hiện hữu của Sen Đỏ vẫn là Tập đoàn FPT, eContext Asia, Beenos, Beenext.

Dùng ngoại lực tăng nội lực

FPT phát triển trang thương mại điện tử Sendo từ năm 2012 với tuyên bố thời điểm đấy là trở thành sàn thương mại điện tử số một Việt Nam.

Sen Đỏ hiện sở hữu Sendo.vn - một trong 4 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam tính theo tổng giá trị giao dịch. Hiện nay, Sendo.vn hiện đang cung cấp 10 triệu sản phẩm với hơn 300.000 người bán, và hàng triệu người mua trên khắp 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Năm 2014, cùng với việc FPT bổ sung thêm 123mua.vn bằng cách mua lại từ VNG, Sen Đỏ đã thu hút các nhà đầu tư đình đám như SBI, Digital Garage, Beenos, Beenext.

Cty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) vừa nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nhà sáng lập Công ty Sen Đỏ cho biết: “Khoản đầu tư mới này hứa hẹn sẽ giúp Sen Đỏ thực hiện được các dự định, cơ hội phát triển kinh doanh mới trong thương mại điện tử như mở rộng thêm mô hình C2C, cho ra mắt SenMall – nền tảng thương mại điện tử điện tử B2C mới, và đưa ví điện tử Senpay trở thành nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu Việt Nam”.

Ông Dũng khẳng định, với việc đạt được tổng giá trị giao dịch qua sàn hàng năm 330 triệu USD, Công ty đang đi đúng hướng để vượt qua mốc 1 tỉ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2020.

Thực tế, đằng sau các ông lớn thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam, như Shopee, Lazada hay Tiki đều là các đại gia nước ngoài. Cụ thể, Shopee là công ty con của SEA (trụ sở chính tại Singapore), Lazada về tay Alibaba (Tập đoàn TMĐT nổi tiếng của Trung Quốc) từ năm 2016, Tiki được JD (một đại gia TMĐT lớn, là đối thủ cạnh tranh của Alibaba) ký thỏa thuận đồng ý cùng các nhà đầu tư khác rót tiền vào trở thành một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại doanh nghiệp này từ năm 2017.

Rào cản chi phí

Trong mô hình phân tích doanh nghiệp SWOT có nhắc đến một yếu tố là sự thách thức gia nhập ngành, mà cuộc đua giành thị trường giữa Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam đang tạo ra một rào cản quá lớn cho nhóm doanh nghiệp trong nước.

Việc những tập đoàn lớn đứng sau các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam, như Adayroi có Vingroup, Sendo với FPT - với nguồn lực lớn, cộng thêm sự tiếp sức của dòng vốn ngoại, họ hoàn toàn có thể "chơi" sòng phẳng với các đại gia nước ngoài.

Theo đó, nếu như Lazada Việt Nam tạo rào cản bằng chi phí đầu tư rất lớn vào các chiến dịch quảng cáo để thu hút người sử dụng thì Shopee Việt Nam lại chi tiêu nhiều cho dịch vụ hỗ trợ giao nhận và thu phí hộ.

Theo bản báo cáo mà Sea, công ty mẹ của Shopee, đưa ra cách đây không lâu, trung bình một ngày Shopee có 30.000 đơn hàng ở Việt Nam. Cứ mỗi đơn hàng Shopee Việt Nam hỗ trợ 50.000 đồng phí giao hàng và 30.000 đồng phí thu hộ. Không phải đơn hàng nào cũng đạt điều kiện để được Shopee hỗ trợ, nhưng chỉ cần 50% số đơn hàng nói trên đạt tiêu chuẩn thì chi phí hỗ trợ của Shopee đã lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Như vậy, để đủ sức cạnh tranh và tồn tại, nhóm doanh nghiệp trong nước cần sự tiếp sức từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và việc kêu gọi các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào Sen Đỏ cho thấy chiến lược mới của các “ông lớn” trong nước trong cuộc đua “chợ online” - dùng nhà đầu ngoại “tiếp sức” để “chiến đấu” với “đối thủ” ngoại khác.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, việc những tập đoàn lớn đứng sau các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam, như Adayroi có Vingroup, Sendo với FPT - với nguồn lực lớn, cộng thêm sự tiếp sức của dòng vốn ngoại, họ hoàn toàn có thể "chơi" sòng phẳng với các đại gia nước ngoài. Tuy nhiên, những rào cản về chi phí mà Shopee Việt Nam và Lazada Việt Nam tạo ra là các thách thức mà các doanh nghiệp nội phải đối mặt.

 Hải Anh
* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật