Go!: Chiến lược mới của người Thái

Central Group Việt Nam mới đây đã khai trương Trung tâm Thương mại GO! tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Đây là mô hình trung tâm thương mại chuyên nghiệp, lần đầu tiên được Central Group triển khai ở Việt Nam.

Trước đó, Central Group đã tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam qua con đường M&A, với các thương vụ như mua lại Big C và Metro. Ngoài ra, Central Group cũng đã thâu tóm hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi Mart, thiết lập Trung tâm mua sắm thời trang Robins, cửa hàng thể thao Supersports, các cửa hàng Lookkool, HelloBeauty, Homemart, Marks & Spencer, Lee, Crocs, New Balance, Speedo, Fila...

Đua về tỉnh

Với 7 năm hiện diện, mỗi bước đi của Central Group tại Việt Nam đều được chú ý. Ở động thái lần này, Central Group khiến thị trường tò mò vì địa điểm mở màn cho chuỗi trung tâm thương mại GO! là Mỹ Tho chứ không phải ở TP.HCM hay Hà Nội.

Trên thực tế, trước Central Group, đã có một số nhà bán lẻ hướng sự chú ý về tỉnh lỵ.

Chẳng hạn, 2/3 số trung tâm thương mại hiện nay của Vincom Retail (thuộc Vingroup) là đặt ở các tỉnh thành khác. Trong đó, Vincom Retail hiện diện ở cả những tỉnh thành khá xa xôi. Hay từ 4 năm trước, Saigon Co.op cũng đã mở Trung tâm Thương mại Sense City đầu tiên ở Cần Thơ, sau đó mở thêm Sense City tại Bến Tre, Cà Mau. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì chưa có một trung tâm thương mại nào tầm cỡ. 

Trong khi đó, Tiền Giang là tỉnh có vị trí rất gần với TP.HCM và ngay cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, được kết nối bởi hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện. Tiền Giang cũng là địa bàn có mật độ dân số khá đông, đạt tăng trưởng kinh tế cao (7,9%/năm), thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ sau Cần Thơ, Long An và top dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu (ước đạt 2,65 tỉ USD năm 2018)... Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, ước tính sau khi vận hành chính thức, GO! Mỹ Tho sẽ đón trên 200.000 lượt khách mỗi tháng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có xu hướng các nhà bán lẻ đang đẩy mạnh xây dựng trung tâm thương mại về các thành phố cấp 2, cấp 3. Trong đó, Vincom Retail có lợi thế của người đi trước khi đã thiết lập được 61 trung tâm thương mại ở khắp 35 tỉnh thành. Căn cứ vào hoạt động mở rộng, giới đầu tư còn nhận ra rằng, bước đi của các doanh nghiệp bán lẻ là tránh đụng độ nhau ở tỉnh, trừ một số địa bàn nổi bật về kinh tế, thu hút du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Nai... Vì thế, thế trận cho các nhà bán lẻ chủ yếu là làm sao thu hút nhiều khách hàng đến.

Từ Vingroup, Saigon Co.op, Aeon đến Central Group đều sẵn sàng chi tiền để thiết lập các trung tâm bán lẻ đa năng, cao cấp, với quy mô không thua kém gì các trung tâm thương mại ở TP.HCM, Hà Nội. Chẳng hạn, Aeon dự kiến chi 180 triệu USD (hơn 4.000 tỉ đồng) để xây Aeon Mall ở Hải Phòng. Vingroup, Saigon Co.op cũng đã chi hàng trăm tỉ đồng cho mỗi trung tâm thương mại ở tỉnh.

Central Group tuy không tiết lộ số vốn đầu tư cho Trung tâm Thương mại GO! Mỹ Tho nhưng cho biết, diện tích sàn tại GO! Mỹ Tho là hơn 18.700m2. Đây là quy mô tương tự với chuỗi trung tâm thương mại của Vincom Retail, Saigon Co.op... Nghĩa là Central Group cũng xác định mô hình shopping mall để dấn bước. Ngoài ra, GO! Mỹ Tho sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh cho các công ty trong tỉnh. Hiện nay, 50% nông sản bày bán ở GO! Mỹ Tho là từ địa phương.

Dọn đường “hậu big C”

Sự ra đời của Trung tâm Thương mại GO! ở Việt Nam phù hợp với chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ cao cấp mà Central Group theo đuổi. Sau khi mua lại Big C Việt Nam (năm 2016), Central đã dừng hoạt động bán buôn ở Big C để dồn lực cho bán lẻ và chi thêm hàng chục triệu USD nâng cấp một loạt siêu thị Big C. Tính đến nay, hầu hết siêu thị Big C ở Việt Nam đều đạt quy mô đại siêu thị. Một số siêu thị như Big C Thăng Long... còn là shopping mall thực sự.

Mô hình Trung tâm Thương mại GO! có thể xem là bước đệm để Central Group chuyển đổi Big C. Bởi GO! cũng đi vào chiến lược hàng hóa phong phú, với hàng chục ngàn mặt hàng, bán với giá rẻ - giá hợp lý, bán nhiều hàng nội địa và nông sản địa phương, tương tự như cách của Big C. GO! và Big C chỉ khác nhau về mức độ cải tiến bố trí hàng hóa, tiện ích dịch vụ đi kèm, quy mô diện tích cũng như thương hiệu. Theo hợp đồng đã ký, Central Group chỉ sử dụng thương hiệu Big C trong 10 năm. Đó có lẽ là lý do ngay sau khi mua lại Big C Việt Nam, lãnh đạo Central Group từng hé lộ những kế hoạch thương hiệu thời “hậu Big C”.

Central Group xác nhận, từ năm 2019 trở đi, sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và hoạt động mở mới sẽ tập trung vào chuỗi Trung tâm Thương mại GO!, ước sẽ chi thêm 500 triệu USD cho Việt Nam để mở thêm 500 cửa hàng. Làm sao đến năm 2022, Central Group có thể đạt 750 cửa hàng ở Việt Nam. Trong năm 2017 và cả năm 2018, dự kiến 13% doanh thu của Central Group đến từ Việt Nam. Central Group kỳ vọng, Tập đoàn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu gấp 4 lần trong 5 năm tới.

A.T. Kearney đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2016-2020, thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,9% mỗi năm và có thể đạt quy mô khoảng 180 tỉ USD vào năm 2020. Với sức hút này, IDG dự báo, đến năm 2022, cả Lotte, Central Group hay những tên tuổi lớn khác như Auchan và Vinmart đều sẽ sớm nhân đôi số lượng cửa hàng đã có tại Việt Nam. Doanh thu các chuỗi này cũng sẽ sớm tăng trưởng theo

 Viết Nguyên
Theo nguồn: Nhịp cầu Đầu tư


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật