Hàng Việt là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa

Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước với trên 90%, tại các hệ siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%.

Sáng 12/8, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 – 2020.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.

"Từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian cần thiết cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức hiện tại", ông Trần Duy Đông nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sau 6 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam, là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa.

Phân tích rõ hơn, Thứ trưởng cho biết, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hoá nội địa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội… thời gian vừa qua nhưng không có hiện tượng khan hàng, sốt giá là minh chứng rõ nhất cho sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các Sở Công Thương cũng như doanh nghiệp đều đề xuất, trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều FTA, đặc biệt là EVFTA, hàng Việt phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền đưa ra cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giành ưu thế trên thị trường sao cho phù hợp và không vi phạm các FTA đã ký kết.

PV (tổng hợp)

Theo: Tổ Quốc


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật