Hậu Shark Tank mùa 1: Dấm gạo Thuỷ Tâm đã vượt qua vòng thẩm định, nhận 4 tỷ đồng từ Shark Phú và Shark Vương như cam kết trên truyền hình

Tuy nhiên Shark Phú yêu cầu khoản đầu tư này sẽ dùng để trang bị máy móc thiết bị, mở rộng thị trường chứ không để trả lương cũng như các chi phí trong quá trình hoạt động.
Hậu Shark Tank mùa 1: Dấm gạo Thuỷ Tâm đã vượt qua vòng thẩm định, nhận 4 tỷ đồng từ Shark Phú và Shark Vương như cam kết trên truyền hình
 
Trong mùa 1 Shark Tank Việt Nam, Trần Tâm Phương, CEO Vietferm, công ty chuyên cung cấp sản phẩm dấm gạo Thủy Tâm và hồ tiêu ngâm ra thị trường, đã xuất hiện cùng mẹ và em gái để kêu gọi 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần.

Xuất thân là du học sinh ngành công nghệ hóa tại Canada, sau đó về Việt Nam làm cho các tập đoàn trong và ngoài nước về ngành sản xuất, nhưng Trần Tâm Phương không muốn cả đời đi làm thuê. Anh quyết định trở về tiếp quản công việc gia đình, nuôi ước mơ đưa thương hiệu dấm của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Dù không được đầu tư từ Shark Linh và Shark Hưng nhưng Dấm gạo Thủy Tâm đã thành công khi thu hút sự chú ý của Shark Vương lẫn Shark Phú.

"Anh rất thích sản phẩm này, hiện tại công ty anh sở hữu thương hiệu bánh kẹo Hoàng Mai với sản phẩm bánh kẹo Richy là thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm. Đội ngũ bán hàng lên tới hàng nghìn người, doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm nên nếu kết hợp được thì tốt. Tuy nhiên, anh muốn 3 tỷ cho ít nhất 35% cổ phần" Shark Phú cho biết.

Còn Shark Vương muốn có sự kiểm soát ở mức 40%: "Tập đoàn anh có đầu tư vào nông nghiệp, bọn anh có vùng hồ tiêu nguyên liệu và có nhà máy sản xuất hồ tiêu xuất khẩu ở Đắc Nông nên cũng quan tâm. Anh muốn anh và anh Phú sẽ nắm 40% cổ phần".

Sau Shark Tank mùa 1, Dấm gạo Thuỷ Tâm đã vượt qua vòng thẩm định, vẫn nhận 4 tỷ đồng từ Shark Phú và Shark Vương như cam kết trên truyền hình - Ảnh 1.
 
Tuy nhiên sau quá trình đàm phán giữa CEO Trần Tâm Phương và 2 Shark, con số đầu tư được nâng lên từ 3 tỷ thành 4 tỷ đồng, tương ứng với 36% cổ phần. Dấm gạo Thủy Tâm sẽ nhận sự hỗ trợ từ cả hai lãnh đạo của SAM Holdings lẫn Sunhouse.

Trải qua các vòng thẩm định gắt gao, đến nay, những cam kết đầu tư trên truyền hình vẫn không có gì thay đổi.

"Tôi xác nhận sau DD (Due Diligence - Thẩm định doanh nghiệp, PV) giá trị thương vụ vẫn là 4 tỷ tương đương với 36% cổ phần từ cả 2 Shark, đúng như những gì cam kết trên truyền hình", CEO Vietferm chia sẻ với chúng tôi.

Khoản tiền Shark Phú rót vào chỉ được dùng để đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư vào công nợ và mở rộng thị trường. "Chi phí hoạt động kinh doanh phải lấy ‘mỡ nó rán nó’, tiền đầu tư không dùng để trả lương", Shark Phú cho biết.

Nếu trước đó Vietferm kinh doanh theo hướng hộ gia đình, chú trọng về các yếu tố kỹ thuật thì sau khi có nhà đầu tư vào, đội ngũ điều hành đã biết đến các nguyên tắc tài chính: thế nào là thu, thế nào là chi, thế nào là dòng tiền, thế nào là lãi, là lỗ,…Sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư còn giúp Vietferm xây dựng cơ chế công ty, chính sách nhân sự phù hợp để tạo động lực làm việc cho nhân viên.

Đặc biệt Shark Phú đã thực hiện lời hứa hỗ trợ Vietferm đất để xây nhà xưởng mới. Theo kỳ vọng, nhà xưởng này sẽ đi vào hoạt động trong vòng 6 tháng tới, giúp công ty đạt mục tiêu 100 tỷ doanh thu trong vòng 3 năm.

Mặc dù quy mô sản xuất mở rộng nhưng CEO Trần Tâm Phương chia sẻ với báo chí rằng Vietferm sẽ vẫn "giữ lại cái gì thuộc về đảm bảo chất lượng, quá trình lên men vẫn 28 ngày". Chỉ những công đoạn như chiết rót, đóng gói, tem nhãn, chai lọ thì sẽ được tự động hóa.

Với sự hỗ trợ từ các Shark, trước mắt, sản phẩm của Vietferm sẽ đi vào các khu chợ truyền thống, siêu thị và kênh bán hàng online. Về lâu dài, các dòng sản phẩm sẽ đa dạng hơn như: sung muối, dưa chuột muối, mơ muối… và có thể xuất khẩu đi các quốc gia khác.

Theo: Trí Thức Trẻ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật