Hệ thống đại lý kinh doanh hải sản kiểu Mr Đàm
Xuất thân từ một gia đình làm kinh doanh, suốt 20 năm qua, ông hoàng nhạc Pop Đàm Vĩnh Hưng cũng từng tập tành buôn bán trước khi đến với nghề ca hát. Tuy nhiên, nghiệp kinh doanh chỉ thực sự được xác định rạch ròi cách đây hai năm khi anh chính thức bắt tay vào kinh doanh hải sản sạch.
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ, đó là thời điểm mà cả xã hội đang nhức nhối về tình trạng xuống cấp của vệ sinh an toàn thực phẩm, khắp nơi đâu đâu cũng xuất hiện thông tin thực phẩm đông lạnh thối, thức ăn ngâm hóa chất..."Tôi đã suy nghĩ rất nhiều rằng mình phải làm điều gì đó để góp phần bảo vệ sức khỏe của những khán giả hâm mộ bằng cách tạo ra những bữa ăn ngon và sạch cho họ. Thế là tôi quyết định bắt tay vào kinh doanh hải sản sạch", anh bộc bạch.
Gia đình vốn nhiều năm kinh doanh trong ngành này nhưng chủ yếu là xuất khẩu hải sản sang nước ngoài. Còn anh lại đi theo hướng phân phối trong nước. "Trước quyết định này của tôi, gia đình đã khuyến cáo rằng ngành hải sản rất ít ai làm thành công trong thị trường nội địa. Do đó, mọi người tỏ ra không ủng hộ", anh chia sẻ.
Sau đó, Hưng phải tìm mọi cách thuyết phục mới được gia đình cho làm thử, nếu tốt mới được làm tiếp. "Một mình tôi bỏ vốn ra đầu tư và tất bật lo mọi thứ để khởi động Vua Biển. Đây thực sự là giai đoạn rất áp lực với tôi vì phải cố gắng làm hết sức sao cho đạt hiệu quả cao thì mới được gia đình ủng hộ".
Đầu tiên anh tạo lập 3 cửa hàng ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Điều thuận lợi với anh là chỉ phải bỏ vốn ra đầu tư cơ sở vật chất của cửa hàng, còn nguồn hải sản đã có sẵn từ nhà máy của gia đình. Do đó, anh đặt hàng theo ý mình và thanh toán dứt điểm sau mỗi đơn hàng đặt.
Khá lo lắng khi bắt tay làm, nhưng vì bản thân là một ca sĩ nổi tiếng nên cũng khá dễ dàng trong việc xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, anh cũng được nhiều người hâm mộ ủng hộ, cộng thêm chất lượng sản phẩm tốt mà giá lại khá rẻ nên hoạt động kinh doanh thời gian đầu thuận lợi.
Thật sự cảm thấy đam mê, sau một thời gian, Đàm Vĩnh Hưng và các cộng sự đã tìm tòi, nghiên cứu ra các nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cấp, các công thức chế biến độc đáo (như chế biến cá thu chà bông, món độc quyền công thức của Mr Đàm)... càng giúp mô hình của anh phát triển nhanh.
Sau hơn một năm kinh doanh, giờ đây Hưng đã có 21 đại lý nằm phân bổ khắp nơi từ Bắc vào Nam. Lúc đầu anh hay lui tới để trực tiếp quản lý, nhưng sau đó đã phát triển một hệ thống quản lý chuyên nghiệp với ekip điều hành tất cả công đoạn từ chuỗi nhập hàng đến phân phối sản phẩm. "Hàng ngày các con số được báo chi tiết. Tại các chi nhánh, cửa hàng đều có lắp đặt camera giám sát nên khá dễ dàng trong việc quản lý và kiểm tra tình hình hoạt động", anh cho biết.
Hiện nay, các đối tác muốn mở đại lý cấp một tại nơi nào đó, sẽ tuân theo quy trình quản lý có sẵn để dễ dàng trong việc quản lý đồng nhất, cũng như nhận diện thương hiệu.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết, Vua Biển của anh đã thu hút lượng lớn khách hàng nội địa. Tuy nhiên, anh chưa tiết lộ sản lượng tiêu thụ hàng tháng của hệ thống Vua Biển bao nhiêu vì cho rằng vẫn còn khiêm tốn so với con số xuất khẩu hải sản của anh chị trong nhà.
"Mỗi lần thấy Vua Biển làm ăn tốt, tôi về khoe với các anh chị rằng tháng này đã tiêu thụ được lượng hải sản khổng lồ thì liền nhận được những nụ cười khẩy. Mà cũng đúng thôi, vì thực ra sản lượng bán ra của chúng tôi có nhiều mấy đi chăng nữa nhưng so với con số xuất khẩu của anh chị vài chục nghìn tấn mỗi tháng, vẫn còn quá khiêm tốn. Tôi sẽ cố gắng để đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ và đến lúc nào đó thích hợp sẽ bật mí", anh bộc bạch.
Sau 2 năm lăn lộn với ngành kinh doanh hải sản sạch, Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, để mô hình này thành công thì yếu tố quan trọng đầu tiên là chọn địa điểm. Theo anh, địa điểm bán hàng phải gần khu vực chợ, trung tâm, ngã tư hoặc đường hai chiều. Mặt bằng thông thoáng, thuận tiện cho khách ghé vào, nên có cách trang trí bảng hiệu sao cho ấn tượng và thu hút người qua đường...
Nhưng theo ông chủ Mr Đàm, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng và giá cả. Nếu chất lượng tốt mà giá sản phẩm quá cao sẽ không có mấy người mua. Ngược lại, giá bán ra mềm nhưng sản phẩm dở tệ, kém chất lượng, mất vệ sinh,... khách mua một lần sẽ không quay lại lần hai. "Tại cửa hàng của tôi, hai yếu tố trên luôn được đặt lên hàng đầu", anh chia sẻ.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối hơn nữa. Hiện nay anh vẫn thường xuyên đi lại giữa các tỉnh để khai trương các cửa hàng.
Để trở thành một đại lý mang thương hiệu Vua Biển, quản lý của hệ thống này cho biết người đầu tư cần phải khảo sát kỹ và có hướng đầu tư lâu dài. Vì là kinh doanh mặt hàng đông lạnh, diện tích mặt bằng chỉ cần từ 20m2 trở lên là được. Phía công ty sẽ hỗ trợ khâu thiết kế, thi công nhận diện bên ngoài cửa hàng theo chuẩn chung của thương hiệu.
Trước tiên, chủ cửa hàng cần đầu tư 2-3 tủ đông loại 800 lít chứa được 100kg. Giá mỗi tủ hiện dao động từ 12-13 triệu đồng. Công ty sẽ hỗ trợ ban đầu 1 tủ đông, nếu đạt doanh số 400 triệu đồng sẽ được tặng luôn. Ngoài ra cũng cần đầu tư thêm một quầy kệ để bán đồ hộp và đồ khô đi kèm.
Khoản đầu tư lớn nhất cho một cửa hàng kinh doanh đồ hải sản đông lạnh là tiền hàng và chi phí nhân viên thị trường. Do quy định lấy hàng thanh toán ngay, thông thường khi nhận 100kg hàng, chủ cửa hàng sẽ trả cho công ty 30-40 triệu đồng. Bên cạnh đó, thời gian đầu kinh doanh, cần phải có 2-3 nhân viên đi tiếp thị.
"Nên cho nhân viên đến chào mời ở các quán ăn, nhà hàng, khu dân cư đông đúc. Đây mới chính là nguồn khách lớn và ổn định. Ngoài ra cũng nên khảo sát kỹ khẩu vị của người tiêu dùng trong địa bàn chuộng loại hải sản nào nhất? Giá bán có cạnh tranh không so với hàng hải sản ở chợ hay của các nhà phân phối nhỏ lẻ khác...", vị quản lý của Vua Biển khuyên.
Vị này cũng cho biết thêm, ngoài TP HCM và Hà Nội đã ổn định, thị trường ở các tỉnh miền núi đang kinh doanh tốt hơn các tỉnh miền biển và khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn có nguồn cung thủy hải sản dồi dào và tâm lý không thích đồ đông lạnh.
TIN CŨ HƠN
- Người Việt uống bia ngày càng nhiều hơn, mua loại bia ngày càng đắt hơn
- Zara, H&M đổ bộ: Bất ngờ cơn khát hàng hiệu dân Hà Thành
- Mua 1 bán 3, quy tắc ngầm khi nhập hàng Trung Quốc về thay mác
- Ai đang thống trị mảng sữa nước ở kênh truyền thống?
- Các nhà bán lẻ online, ai nhanh chân giành được giỏ hàng này, người đó thắng
- Top 10 nhà bán lẻ uy tín: Big C và Co.op Mart so găng quyết liệt, Thế giới di động vượt trội so với Nguyễn Kim và FPT Shop
- Co.op Mart: Đổi mới phương thức bán lẻ để giữ thị phần
- Thị trường thịt gia súc, gia cầm: Tham vọng với "miếng bánh" 18 tỷ USD
- Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới
- Vinmart+ đang 'xâm chiếm' khắp ngóc ngách Việt Nam bằng cách thức khiến người Nhật cũng phải nể phục!