Hết lo thiếu hàng, nay nhà bán lẻ lo vắng khách
Thời điểm đầu tháng 2, nhiều nhà máy lớn lẫn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại Trung Quốc đóng cửa, dẫn đến dự báo khan hàng công nghệ tại Việt Nam. Trên thực tế, giá iPhone xách tay có tăng nhẹ thời điểm đó. Tuy vậy, trong suốt giai đoạn từ trước Tết nguyên đán đến nay, nguồn cung hàng hoá vẫn đủ cho các cửa hàng nhỏ và nhà bản lẻ lớn.
Nói với ICTnews, ông Nhật Huy, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ Apple ở Quận 10 (TP.HCM) cho biết dân buôn Việt Nam khá nhanh nhạy, khi nguồn hàng Trung Quốc bắt đầu có vấn đề, các bên đã nhanh chóng chuyển sang nguồn hàng từ nơi khác.
“Như cửa hàng tôi nhập hàng đa số từ Mỹ nên không bị ảnh hưởng gì về nguồn cung”, ông Huy nói.
Trước đây, dù dự báo nguồn hàng sẽ có thể khan hiếm do phía Trung Quốc đóng cửa nhà máy và hạn chế tụ tập đông người, tuy nhiên quan sát thị trường, ông Nguyễn Đạt - quản lý chuỗi cửa hàng Di Động Việt - cho biết cho đến thời điểm này tình trạng thiếu hụt hàng hoá xảy ra không đáng kể, cung luôn đủ cầu.
Một số mặt hàng dự báo sẽ thiếu hụt bao gồm phụ kiện điện thoại di động các loại - do chúng chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc - nhưng trên thực tế nhu cầu hiện tại không cao đến mức dẫn đến hàng hoá thiếu hụt.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Phú Hải - chủ một chuỗi cửa hàng di động và sửa chữa tại TP.HCM - cho biết Trung Quốc đang mở lại các khu chợ và một số cơ sở sản xuất đã hoạt động lại, vì thế nguồn hàng chắc chắn được bảo đảm.
Nguồn hàng ở các cửa hàng dạng vừa vẫn đầy đủ so với nhu cầu. Trong khi đó, ở các chuỗi lớn hàng đầu Việt Nam, nguồn cung hàng hoá càng được bảo đảm hơn.
Ở giai đoạn này của năm, các hãng Samsung, Oppo, Huawei, Vivo khi trả lời ICTnews trước đó đều cho biết hàng hoá được bảo đảm.
Một hãng Trung Quốc có thị phần smartphone trong top 5 tại Việt Nam nói với ICTnews, rằng điện thoại hãng này vẫn đủ cho nhu cầu người dùng trong vài tháng tới. Vì thông thường, các hãng thường lưu kho đủ bán cho một đến hai quý tới. Các hãng lớn đều có kế hoạch rõ ràng, do đó nhập đủ hàng cho giai đoạn này của năm từ trước Tết.
“Hàng thì đủ nhưng tiêu thụ chậm. Đang lo lắm”, đại diện hãng này cho biết.
Kể từ sau Tết, khách ghé mua sắm tại các cửa hàng thưa dần, doanh số giảm. Các nhà bán lẻ cho biết người dân hiện tại hạn chế tụ tập đông người, thắt chặt chi tiêu, trong khi đó mặt hàng công nghệ chưa phải là thứ buộc phải sở hữu.
Ông Huỳnh Phú Hải cho biết doanh thu các cửa hàng của ông giảm 30% so với ngày thường. Ông Đạt cho biết chuỗi của ông mới bán được 1/3 số lượng cam kết đối với các smartphone cao cấp mới ra mắt gần đây của một hãng. Trong khi đó, các chuỗi lớn không chia sẻ doanh thu giảm nhưng thừa nhận khách vắng hơn trước.
Hải Đăng
Theo nguồn: ICT News
TIN CŨ HƠN
- Điểm sáng kinh doanh giữa dịch COVID-19: Các dịch vụ "đi chợ online" bùng nổ
- Sau hàng quán lẻ, đến lượt các chuỗi F&B lớn của Golden Gate, Otoke Chicken, Mr Bean... phải đóng bớt cửa hàng trong bão Covid-19
- Các siêu thị ở Hà Nội đảm bảo đủ hàng, không tăng giá
- Siêu thị đông nghịt, người dân đổ xô đi mua mỳ gói, nước rửa tay, giấy vệ sinh.... sau khi xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17
- SARS-CoV-2 như lời “nhắc nhở” với ngành bán lẻ
- Giữa tâm dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam đảm bảo hàng hóa đầy đủ, giá bình ổn
- Sau Nguyễn Kim, chuỗi bán lẻ công nghệ nào sẽ về tay nước ngoài?
- Ngại dịch bệnh, người dân thay đổi thói quen mua sắm
- Ngành bán lẻ ‘quay cuồng‘ vì Covid-19: Sasco cho nghỉ 80% nhân viên bán hàng, siêu thị sụt giảm 1/2 lượng khách đến mua sắm
- Ai cũng nói thị trường điện thoại Việt Nam bão hoà, sao chưa ai "chết"?