Hoạt động doanh nghiệp tuần qua (17 - 23/2/2019)
Lễ trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 tổ chức tối 20/2 tại TP.HCM |
Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019: Thêm 14 doanh nghiệp thực phẩm đạt chuẩn hội nhập
Tối 20/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức Lễ công bố 524 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019. Chương trình cũng vinh danh 14 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập ngành thực phẩm được đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng và công bố, nâng tổng số lên 102 doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập này.
14 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập ngành thực phẩm bao gồm: 1 – Công ty CP Bibica, 2 – Công ty CP One – One miền Trung, 3 – Công ty CP Công nghệ thực phẩm Châu Á, 4 – Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 2 - Việt Nam, 5 – Công ty CP đồ uống cao cấp Thái Lan, 6 – Công ty CP XNK Điều Việt Hà, 7 – Công ty TNHH Koyu & Unitek, 8 – Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt, 9 – Công ty TNHH Angst – Trường Vinh, 10 – Công ty CP Thương mại Khải Hoàn, 11 – Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa, 12 – Công ty CP muối Vĩnh Hảo, 13 – Cơ sở kinh doanh thực phẩm Gia Long Ký, 14 – DNTN Cơ sở Khai thác Chế biến hải sản Thanh Quốc.
Các doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề như bánh kẹo, thực phẩm, nước chấm, gia vị, sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống; nông sản tươi; văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm; sản phẩm vải sợi, may thêu, da, giả da; nhựa, kim khí gia dụng, máy móc gia dụng; vật liệu xây dựng, phân bón…
Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp, mà còn khuyến khích việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, cho thấy những cải tiến không ngừng nghỉ của Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao và Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong những năm qua.
FLC muốn xây dựng nhà ga - hệ sinh thái dịch vụ hàng không
Tập đoàn FLC vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, theo hướng tạo một hệ sinh hệ sinh thái đồng bộ từ hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ cho đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực hàng không.
Theo đó, nếu được chấp thuận chủ trương, Tập đoàn FLC sẽ tập trung toàn lực để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác sau 1 năm thi công.
Đầu tư xây dựng hạ tầng nhà ga, cảng hàng không là một định hướng quan trọng đã được Tập đoàn FLC theo đuổi từ trước khi hãng hàng không Bamboo Airways chính thức cất cánh.
Các điểm đến về hạ tầng được FLC và Bamboo Airways nhắm đến là các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cũng như các địa phương có nhu cầu vận chuyển lớn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về du lịch như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình…
Trước đó, Tập đoàn FLC đã bày tỏ ý định đầu tư hai khu hạ tầng quan trọng về dịch vụ hàng không, trong đó, một khu đặt tại sân bay Thọ Xuân, cung cấp một hợp phần quan trọng là khu dịch vụ cảng hàng không bao gồm nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; học viện đào tạo kỹ thuật, tiếp viên.
Một khu khác là trung tâm bảo hành - bảo dưỡng quy mô lớn dự kiến đặt tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
VinFast sản xuất thành công thân vỏ xe Suv Lux SA 2.0
VinFast vừa sản xuất thành công thân vỏ xe Suv Lux SA 2.0 đầu tiên với chất lượng dập và hàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc thực hiện được 2 trong 6 công đoạn cơ bản của quá trình sản xuất đang đưa VinFast tiến gần mục tiêu hoàn thành mẫu xe ô tô Việt đầu tiên vào tháng 3/2019.
Thân vỏ xe VinFast Lux SA 2.0 bao gồm hơn 1.000 tấm dập đã được hoàn thiện thử thành công tại nhà máy VinFast Hải Phòng. Đây là một trong những cấu phần quan trọng nhất của chiếc xe, quyết định độ an toàn khi có va đập, đảm bảo các túi khí được kích hoạt kịp thời.
Công đoạn dập tại VinFast được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới và được giám sát theo công nghệ của công ty danh tiếng SCHULER (Cộng hòa Liên bang Đức). Khi đi vào vận hành thực tế, VinFast sẽ là doanh nghiệp sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam có năng lực tự dập được các tấm lớn với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Công đoạn hàn cũng được tự động hóa hoàn toàn tại phân xưởng rộng 100.000 m2, trang bị 1.200 rô-bốt hiện đại nhất do ABB cung cấp.
Hiện tại, VinFast cũng tiến hành chạy thử các công đoạn sản xuất tại xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng phụ trợ và xưởng lắp ráp ôtô. Dự kiến, ngày 6/3/2019, chiếc xe ôtô đầu tiên với đầy đủ các chi tiết kỹ thuật mang thương hiệu VinFast sẽ được hoàn thành và tiến hành chạy thử.
Dự kiến, những chiếc xe VinFast Fadil và VinFast Lux đầu tiên sẽ chính thức được bàn giao tới khách hàng lần lượt trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Vietravel cũng muốn lập hãng hàng không
Theo tin từ Báo Giao thông, Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) đã gửi Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở căn cứ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo quy định hiện hành, muốn được bay, trước hết Vietravel phải được sự chấp thuận của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án hàng không, tương tự như trường hợp của Bamboo Airways vừa qua.
Sau đó, Vietravel sẽ phải tiếp tục tiến hành các thủ tục theo quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Được biết, nghị định này cũng đang được Bộ GTVT đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ điều kiện "phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không".
Điều này cũng đồng nghĩa với việc để có được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, một hãng hàng không khai thác đến 10 tàu bay sẽ cần tối thiểu 300 tỷ đồng; từ 11 - 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và khai thác trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu này không phân biệt hãng hàng không khai thác thuần nội địa hay có các đường bay quốc tế.
Tập đoàn Hòa Phát lần đầu xuất khẩu sang Ấn Độ
Tập đoàn Hòa Phát đã nhận được đơn hàng xuất khẩu gần 1.000 tấn ống thép tôn mạ kẽm sang thị trường Ấn Độ với trị giá trên 600.000 USD.
Đây là lần đầu tiên Ống thép Hòa Phát xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với hàng xuất từ Nhà máy Ống thép Hưng Yên là trên 400 tấn và từ Nhà máy Ống thép Bình Dương trên 500 tấn. Hàng sẽ được giao cho đối tác là một công ty thương mại lớn của Ấn Độ trong tháng 3/2019.
Ấn Độ là thị trường khá tiềm năng tại khu vực châu Á, hứa hẹn mở ra một thị trường mới của Ống thép Hòa Phát trong năm 2019. Đồng thời, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang Ấn Độ cũng hiện thực hóa định hướng tăng cường xuất khẩu, đa dạng thị trường trong năm 2019 của Ống thép Hòa Phát.
Thời gian qua, các sản phẩm của Ống thép Hòa Phát đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe để có mặt tại nhiều nước trên thế giới, như Mỹ và Canada, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar. Vì vậy, ngay trong tháng 1, Tập đoàn cũng đã mở hàng với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada.
Bamboo Airways mở thêm 4 chặng bay trong tháng 2
Từ ngày 23/2, Bamboo Airways sẽ mở 3 đường bay mới bao gồm từ TP. Hồ Chí Minh – Vinh, Hà Nội – Vinh, Vinh – Buôn Mê Thuột với tần suất ít nhất 7 chuyến khứ hồi/tuần. Cùng với đó, hãng này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đường bay Vinh – Đà Lạt từ ngày 27/2 với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần.
Việc mở thêm các đường bay này nằm trong kế hoạch khai thác 37- 40 đường bay trong nước và quốc tế của Bamboo Airways trong năm 2019.
Theo đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, nhân dịp mở đường bay tới Vinh, Bamboo Airways sẽ triển khai chương trình bán vé với giá khởi điểm đặc biệt hấp dẫn chỉ từ 149.000 đồng, chưa bao gồm thuế, phí.
Trước đó, Bamboo Airways đã triển khai nhiều đường bay nội địa bao gồm Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Nha Trang, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Buôn Mê Thuột, Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh – Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh – Vân Đồn, TP. Hồ Chí Minh – Thanh Hóa.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Amazon muốn tuyển thêm 100 nhà cung cấp từ Việt Nam
- Hàng Việt Nam chất lượng cao: Cần cao đến đâu?
- Đài truyền hình Singapore ví Vingroup là "Samsung của Việt Nam", khi ra đường thấy siêu thị, bệnh viện, trường học bắt đầu bằng chữ Vin, đó là dấu hiệu của dịch vụ đẳng cấp
- Sau 2 năm cần mẫn trồng cây ăn trái, bầu Đức cuối cùng cũng 'hái quả ngọt': Thu về hơn 200 triệu USD, hiệu suất sinh lời cao chưa từng thấy
- Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lãi gộp lên 20%, đưa Bách hoá Xanh đạt mức hoà vốn
- Startup Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
- Không mở mới cửa hàng, vì sao Thế Giới Di Động vẫn đạt doanh thu hơn 86 ngàn tỷ?
- Saigon Co.op công bố doanh số cao kỷ lục dịp Tết Kỷ Hợi: 8 tuần lễ thu về 8.000 tỷ đồng
- Sau Vinamilk, JC&C tiếp tục đầu tư lớn vào Thaco với mức định giá lên đến 9,4 tỷ USD
- Grab "khoe" tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc: 6 tháng vừa qua đạt 1 tỷ chuyến xe