Keefe: Từ cửa hàng nhỏ thành nhà cung ứng độc quyền cho hệ thống nhà tù Mỹ, kiếm lợi nhuận triệu đô bằng cách “móc túi” người thân và bạn bè của tù nhân
Nội dung nổi bật
Bối cảnh: Khởi đầu chỉ là một cửa hàng phân phối cà phê gói cho khách sạn, Keefe nhận ra thị trường mới qua các đơn hàng của một trại giam trong khu vực.
Kế hoạch: Thay đổi bao bì, mở rộng sản phẩm, bổ sung dịch vụ… Keefe quyết tâm trở thành nhà cung cấp độc quyền cho tất cả nhà tù trên khắp nước Mỹ.
Kết quả: Năm 2012, Keefe lập kỷ lục tài chính với 375 triệu USD doanh thu và 41 triệu USD lợi nhuận. Nhưng đằng sau đó là hàng loạt chỉ trích về mô hình làm ăn "phi đạo đức".
Khởi đầu khiêm tốn
Vào năm 1976, một trại giam tại Florida gia nhập danh sách khách hàng thân thiết của Keefe khi thu mua số lượng lớn các gói cà phê sử dụng một lần.
Nhận ra tiềm năng của thị trường mới này, Keefe liền tập trung chủ yếu vào các trại giam và nhà tù với nhiều hương vị cà phê cũng như nước giải khát mới, đồng thời thay đổi bao bì theo các yêu cầu gắt gao để tạo lợi thế trong các lần đấu thầu.
Vì có khả năng bị sử dụng làm hung khí, chai và lon không được tiêu thụ trong nhà tù. Keefe nhanh chóng trở thành nhà tiên phong trong việc sử dụng túi vải và túi giấy cho tất cả sản phẩm, từ phô mai, thịt bò, cho đến ớt và đậu rang …
Đến năm 1982, tức chỉ 4 năm sau khi bắt đầu "chăm sóc" phân khúc nhà tù, mảng kinh doanh mới lớn mạnh đến mức phải tách thành một công ty riêng. Tính đến cuối những năm 90s, Keefe đã trở thành một doanh nghiệp lớn với hơn 2.800 nhân viên.
Vào năm 2014, Bộ quản giáo của bang Missouri yêu cầu Keefe phải công khai tình hình tài chính khi nộp đơn dự thầu, và công chúng lần đầu tiên biết đến "tiềm lực" thật sự của doanh nghiệp này.
Keefe lúc đó sở hữu tới 6 công ty con và 17 trung tâm phân phối khắp cả nước với khả năng cung cấp hơn 11 triệu tấn hàng mỗi tháng. Đỉnh điểm là vào năm 2012 khi Keefe lập kỷ lục tài chính với 41 triệu USD lợi nhuận và 375 triệu USD doanh thu.
Mạng lưới "cắt cổ"
Không dừng lại với chỉ thực phẩm, Keefe còn liên tục lấn sân sang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khác, chẳng hạn như chuyển tiền, cho thuê máy nghe nhạc, máy tính bảng … cho tù nhân.
Sau khi ký kết hợp đồng 3 năm với nhà tù Missouri, Keefe còn chịu trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi tù nhân, vận hành hệ thống email và hỗ trợ các hoạt động an ninh khác của nhà tù.
Hợp đồng trên dự kiến sẽ mang lại cho Keefe gần 8,5 triệu USD mỗi năm, và đương nhiên là nhà tù Missouri không phải là bên chịu trách nhiệm cho khoản tiền khổng lồ đó, tất cả sẽ được lấy trực tiếp từ túi tiền của người thân và bạn bè của các phạm nhân.
Chẳng hạn như phí chuyển khoản "cắt cổ", mỗi lần nạp tiền mặt vào tài khoản tù nhân sẽ bị trừ 2,5 USD (hơn 58.000 VNĐ) tiền phí, ngoài ra thì chuyển tiền qua điện thoại hay máy tính có thể chịu khoản phí tới 5,75 USD (hơn 134.000 VNĐ) …
Dịch vụ miễn phí?
Đó chính là lý do mà Keefe sử dụng để "khuyến mãi" thêm dịch vụ email miễn phí trong hợp đồng được ký kết với nhà tù Missouri. Keefe còn ghi trong biên bản là công ty luôn "thấu hiểu tầm quan trọng và mong muốn giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc trao đổi giữa tù nhân và người thân."
Nhưng đó chỉ là cách mà Keefe đang "thả con tép, bắt con tôm". Việc cho tù nhân sử dụng email tại Missouri đã trở thành một chuẩn mực mới, và các hợp đồng tiếp theo với nhà tù trong khu vực Wyoming, Oregon và Arkansas, Keefe liên tục tăng giá dịch vụ từ 0,25 lên 0,31 rồi 0,38 USD (gần 9.000 VNĐ) cho mỗi email.
Nhưng mục đích chính của hệ thống email này không phải là để "đếm tiền lẻ" trên từng thư điện tử. Hợp đồng Keefe còn cho phép công ty này theo dõi tất cả email và lệnh chuyển tiền để phát hiện ra hành động phạm pháp.
Một đội ngũ 12 điều tra viên và một phòng phân tích dữ liệu sẽ làm việc 24/7, sử dụng các thông tin email và chuyển khoản mà Keefe thực hiện để phát hiện và báo cáo đối tượng tình nghi cho cơ quan có thẩm quyền, liên tục giữ vững số lượng "khách hàng" trong tù của mình ở mức cao nhất có thể.
Không chỉ vi phạm đời tư, nhiều nhà chỉ trích còn cho rằng Keefe đang lợi dụng hoàn cảnh của những phạm nhân để kiếm lợi nhuận.
"Keefe đang tìm hết cách này đến cách khác để vắt kiệt từng đồng bạc của người vô tội", theo Michael Campbell, giáo sư tâm lý Đại học Missouri-St. Louis. "Lợi nhuận triệu USD của họ đến từ những tầng lớp thấp nhất trong xã hội."
Đối mặt với làn sóng chỉ trích, Keefe vẫn đang "sống khỏe" với hàng loạt hợp đồng độc quyền và một hệ thống vận hành gần 3.000 nhân viên.
Thiếu đạo đức hay đơn thuần chỉ chạy theo lợi nhuận? Tất cả chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Hơn 270 siêu thị Israel sắp bỏ thu ngân nhờ công nghệ mới
- Chưa có lãi, “Amazon Hàn Quốc” vẫn được rót vốn 2 tỷ USD
- Walmart vượt qua Apple để trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba tại Mỹ
- Bộ Công thương mời 22 doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo Việt Nam
- Cách bán hàng online cho người không có Internet ở Indonesia
- Macy's: Biểu tượng của sự sống sót giữa đống tro tàn
- Câu chuyện Walmart tại Nhật Bản: Khi đế chế tỉ đô "ngã sấp mặt" đến mức phải tháo chạy
- Bài học từ cú ngã ngựa của đại gia tiêu dùng Mỹ
- Câu chuyện của Starbucks ở Úc: Bành trướng quá nhanh để rồi bật bãi không kèn không trống
- Amazon đang chuẩn bị cho cuộc chiến với ngành Bưu chính Mỹ?