Khung quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước

Cải cách doanh nghiệp nhà nước, từ trước đến nay mới chỉ nói đến bảo toàn và phát triển vốn, đến việc dùng các công cụ truyền thống như thanh tra, kiểm tra, giám sát, quy định pháp luật..., trong khi cái gốc của vấn đề là phải quản trị tốt.
Khung quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước

Ngày 29/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 131 thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC). Việc CMSC ra đời đã tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng sở hữu. Thành lập CMSC là một bước cụ thể hướng tới thiết lập khung quản trị hiện đại, chuyên nghiệp và mang tính chất của một nhà đầu tư.

CMSC chỉ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, không có vai trò tham mưu chính sách như các bộ, ngành. Lúc này, các bộ đã trở lại đúng vai trò giám sát và quản lý nói chung đối với doanh nghiệp, xây dựng và thực thi chính sách sẽ là chức năng chính. Toàn bộ chức năng chủ sở hữu và quản lý vốn được chuyển về CMSC với 19 tập đoàn, tổng công ty, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Cải cách doanh nghiệp nhà nước bắt đầu từ năm 1999, nhưng trước đó nước ta đã có Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995), Luật Công ty (1990), Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1990). Thời điểm đó, doanh nghiệp nhà nước được tổ chức và quản trị theo mô hình "không giống ai". Đến năm 2000, khi CIEM dự thảo Luật Doanh nghiệp, với tác giả chính là TS.  Nguyễn Đình Cung, đã manh nha ý tưởng quản trị doanh nghiệp nhà nước như một doanh nghiệp bình thường và theo thông lệ quốc tế.

Do đó, Điều 1 dự thảo luật của CIEM ghi: Khuyến khích doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi, đăng ký hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng phải đến bây giờ, sau 18 năm, mới có được kết quả. Trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2005, CIEM đã đưa vào nội dung nhiều kinh nghiệm của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) về quản trị doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, tất cả doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực.

Tại Điều 168 Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định về nâng cao quản trị nhà nước, theo đó thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò nhà đầu tư vốn. Đặc biệt tách chức năng sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, nước ta mới có Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu. Song, Luật số 69 mới chỉ mang tên quản lý và xử lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp tại thời điểm xây dựng luật, không tách bạch giữa sở hữu và quản lý nhà nước.

Một thời gian dài, các bộ đã cùng lúc thực hiện hai chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Theo đó, một doanh nghiệp nhà nước chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng về kế hoạch sản xuất kinh doanh phải liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vốn phải liên hệ với Bộ Tài chính, về nhân sự phải liên hệ Bộ Nội vụ, về lương, thưởng phải liên hệ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy là rất phân tán, không chỉ về đầu mối chủ quản mà còn về thời gian. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ba yếu tố có thể đi liền là tiền, con người và triển khai. Thế nhưng, đôi khi doanh nghiệp được phê duyệt một dự án đầu tư, đã có tiền nhưng chưa thực hiện được vì chưa có nhân sự để vận hành. Cạnh đó, sự trùng lặp giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích.

Vấn đề đặt ra là phải cải cách để có được cơ hội thành công. Theo nghĩa đó, CMSC - một cơ quan thuộc Chính phủ, nhưng được kỳ vọng không chỉ bảo toàn và phát triển vốn, mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước, cũng như thiết lập và thúc đẩy khung quản trị tốt tại DNNN ngay cả khi Nhà nước không còn nắm giữ vốn.

Dù vậy, CMSC cũng đứng trước những thách thức nhất định. Thứ nhất, CMSC "khoác áo" của một cơ quan nhà nước nhưng lại phải hoạt động như một nhà đầu tư, có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Thứ hai, CMSC sẽ có những hạn chế khi là một cơ quan nhà nước, gánh nhiệm vụ khó và nặng nề. Nó cần cơ chế khuyến khích để có được nhân sự có chuyên môn cao. Chưa thể bàn về hiệu quả của CMSC sau một tháng thành lập, song cần rất nhiều nỗ lực để đạt được kỳ vọng đặt ra trong tiến trình nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Nguyễn Hoàng

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật