Kỹ năng quản trị trong bối cảnh đa văn hóa
Đa dạng văn hóa
Văn hóa được định nghĩa là quan niệm về các giá trị, niềm tin, biểu tượng được mặc nhiên chấp nhận, có tác dụng củng cố dạng thức hành vi. Những thành tố của văn hóa bao gồm các chuẩn mực, giá trị, thái độ, biểu tượng, niềm tin, đạo đức, phong tục, lễ nghi...
Sự khác biệt về văn hóa là rào cản đáng kể đối với quá trình hiểu biết lẫn nhau. Chẳng hạn, các nền văn hóa có không gian tiếp xúc cá nhân không giống nhau. Con người ở một số nền văn hóa như Ả Rập và các nước châu Á thích đứng sát nhau khi đối thoại, trong khi người Bắc Âu hay Hoa Kỳ quen đối thoại với khoảng cách vừa phải.
Có thể đạt sự hiểu biết tốt hơn trong truyền thông liên văn hóa bằng sự phân biệt giữa văn hóa ngữ cảnh thấp và ngữ cảnh cao.
Trong các nền văn hóa ngữ cảnh thấp, người ta chuyển tải thông điệp và ý nghĩa chủ yếu qua lời nói. Các nền văn hóa ngữ cảnh thấp như Đức, Thụy Sĩ, Bắc Mỹ, Vương quốc Anh kỳ vọng con người truyền đạt chính xác ý nghĩa dự định nói.
Tuy có được chú ý đến, thông điệp ngôn ngữ cơ thể vẫn là thứ yếu so với ngôn ngữ viết và nói. Hợp đồng pháp lý với thuật ngữ chính xác được xem là quan trọng.
Trong các nền văn hóa ngữ cảnh cao, con người chú ý rất nhiều đến những thông điệp phi ngôn ngữ và tinh tế trong tình huống truyền thông với người khác. Địa vị, vị thế trong xã hội, uy tín của một người thể hiện rất nhiều về quyền lợi, nghĩa vụ và mức độ đáng tín nhiệm của người ấy.
Trong các nền văn hóa này, như Nhật Bản, Ả Rập, Trung Quốc, Hàn Quốc, người ta thường không nói về các yếu tố “hiển nhiên”. Trong văn hóa ngữ cảnh cao của Nhật Bản, nghi thức trao đổi danh thiếp có tính thiết yếu về mặt xã hội và việc không đọc danh thiếp đã được trao tặng là bất lịch sự, vì công ty và chức vụ của đối tác sẽ xác định điều gì sẽ nói và nói thế nào.
Theo các chuyên gia truyền thông quốc tế, quá trình củng cố quan hệ trong kinh doanh đóng vai trò khá quan trọng. Đối với người Nhật, các vòng hội họp và quan hệ xã hội thật cần thiết để thu thập thông tin ngữ cảnh, là cơ sở để đánh giá đặc điểm của đối tác.
Ở một góc độ khác, có quan điểm xem thời gian như ngôn ngữ thầm lặng của văn hóa. Thời gian đơn nhịp (monochronic time) là cảm nhận về thời gian như một đường thẳng được chia thành các đơn vị tiêu chuẩn như ngày, giờ, phút, giây.
Trong các nền văn hóa đơn nhịp (Bắc Mỹ, Bắc Âu), người ta giả định như theo cùng nhịp đồng hồ, và thời gian được xem như tiền bạc. Quy tắc tổng quát là sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là đúng giờ.
Thời gian đa nhịp (polychronic time) là cảm nhận thời gian có tính linh hoạt và đa chiều. Các nhà quản trị trong các nền văn hóa đa nhịp (Mỹ Latin, Ả Rập, Mexico) không thấy có vấn đề gì với thời biểu lỏng lẻo, các cuộc gặp gỡ trùng lắp.
Quản trị trong bối cảnh đa văn hóa
Lý thuyết về quản trị không thể áp dụng chung như nhau, mà cần thích nghi theo đặc điểm văn hóa quốc gia. Nghiên cứu về quản trị so sánh, một lĩnh vực còn tương đối mới, là việc nghiên cứu về hành vi tổ chức và thực tiễn quản trị khác biệt thế nào qua các nền văn hóa.
Nhà quản trị trong môi trường quốc tế phải hoạt động đồng thời trên một số nền tảng, bắt nguồn từ văn hóa xuất xứ, văn hóa địa phương hoặc văn hóa của tổ chức họ làm việc. Trong mỗi nền văn hóa, các khái niệm thẩm quyền, sự quan liêu, sự sáng tạo, tình đồng nghiệp, sự xác nhận, trách nhiệm được trải nghiệm theo những cách thức khác nhau.
Có rất nhiều yêu cầu đặt ra cho một nhà quản trị thành công trong môi trường toàn cầu hóa. Kỹ năng ngoại ngữ là cánh cửa đầu tiên mở ra sự hiểu biết liên văn hóa (cross - cultural).
Phiên dịch không thể thay thế hoàn toàn cho người đàm phán. Kỹ năng ngoại ngữ giúp cho người làm việc ở môi trường quốc tế nâng cao tính tự chủ, tự tin, thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhân hay khách nước ngoài trong công việc, cũng như giúp xây dựng mối quan hệ và sự tín nhiệm.
Nắm vững ngoại ngữ còn giúp nhà quản trị nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa, giảm thiểu những cú sốc về văn hóa, đồng thời cải thiện xác suất thành công khi mở doanh nghiệp ở nước ngoài.
Việc đào tạo về lĩnh vực liên văn hóa rất quan trọng, nhằm giúp con người sống và làm việc thoải mái trong một nền văn hóa khác.
Ngoài rèn luyện kỹ năng đàm thoại ngoại ngữ, các chương trình và tài liệu về lịch sử, văn hóa, các thể chế, địa lý và kinh tế học đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu nền văn hóa khác biệt.
Một số phương pháp đáng lưu ý bao gồm học cách thích nghi thông qua tiếp xúc các sự kiện liên văn hóa hay các tình huống điển hình, các bài tập trải nghiệm về nhận biết tác động từ hành động của một người lên người khác, cũng như tiếp xúc với văn hóa sắc tộc hay văn hóa nước ngoài để nâng cao sự nhận biết và cảm thông.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- 3 bài học đơn giản mà giám đốc marketing cần có
- Nguyên tắc Pareto trong quản trị cung ứng
- 7 bài học quản lý từ các nhà hàng Michelin
- Quản trị đa văn hóa: Lời khuyên giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhân tài nước ngoài
- 7 bí quyết xây dựng thương hiệu tích cực mà "không tốn một xu" dành cho mọi doanh nghiệp
- Làm được 5 điều này, người lãnh đạo sẽ thành công khi dẫn dắt tập thể
- Trở thành một nhà quản lý không phải là sự thăng tiến, mà là thay đổi nghề nghiệp
- Câu chuyện “thu phục nhân tâm” của nữ tướng FPT Retail: Bị cấp dưới tìm cách đối phó nhưng lại chân thành hỗ trợ hết mình, sau này gây dựng đế chế hơn 500 cửa hàng cũng nhờ nguyên tắc đó!
- Shark Linh đầu quân cho Vingroup, làm CEO công ty hỗ trợ khởi nghiệp Vingroup Ventures
- CEO Pony Ma: Bài học kinh doanh quan trọng nhất sau một năm đầy sóng gió của Tencent chỉ có hai từ 'trách nhiệm'