Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 8/2023 tiếp tục giảm
Khảo sát nhanh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng trong nước như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, VietABank, Nam A Bank… trong ngày đầu tiên của tháng 8/2023 cho thấy, sự khác biệt trong biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn được khảo sát (6,9,12,24 tháng) giữa khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài của các ngân hàng thương mại cổ phần từ 5,7 – 7,8%/năm; còn tại các ngân hàng quốc doanh được ghi nhận từ 6,3%/năm.
Cụ thể, ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được giữ nguyên so với cùng kỳ tháng 7/2023. Theo đó: BIDV, Vietcombank, VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 6&9 tháng là 5,0%/năm, còn kỳ hạn 12&24 tháng là 6,3%/năm.
Còn tại Agribank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn 6&9 tháng là 5,0%/năm; 12 tháng là 6,3%/năm; 24 tháng là 6,0%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm, với mức giảm thêm từ 0,1 – 2,2%/kỳ hạn/tùy từng ngân hàng. Trong số các ngân hàng được khảo sát, VPBank có mức điều chỉnh giảm rất mạnh, với mức giảm thêm từ 0,6 – 2,2%/tùy kỳ hạn được khảo sát, so với cùng kỳ tháng 7/2023. Cụ thể, các lãi suất huy động kỳ hạn 6&12 tháng có mức giảm 0,6%, cùng niêm yết ở mức 6,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng có mức giảm thêm là 0,7%, qua đó niêm yết lãi suất huy động tại mức 6,3%; kỳ hạn 24 tháng có mức giảm rất mạnh lên tới 2,2%, qua đó niêm yết lại suất tại 5,7%/năm.
Hay tại Kienlongbank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có mức điều chỉnh giảm đồng loạt 0,5% ở các kỳ hạn được khảo sát. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 6,9,12,24 tháng lần lượt niêm yết tại 6,1%/năm, 6,3%/năm, 6,5%/năm, 6,7%/năm.
Tại Techcombank, có mức điều chỉnh giảm thêm đồng loạt là 0,2% ở các kỳ hạn được khảo sát. Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng duy nhất trong số các ngân hàng được khảo sát có biểu lãi suất “thẳng băng”, với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm được niêm yết là 6,6% cho tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Cùng điều chỉnh giảm thêm 0,2% ở các kỳ hạn được khảo sát còn có ACB và Saigonbank. Trong đó, ACB niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,0%/năm, 9 tháng là 6,2%/năm, 12 tháng là 6,4%/năm và 24 tháng là 6,3%/năm; còn biểu lãi suất tiền gửi tại Saigonbank được ghi nhận kỳ hạn 6 tháng là 6,8%, 9 tháng là 6,9%, 12&24 tháng là 7,2%/năm. Đáng chú ý mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại Saigonbank là 7,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy, mặt dù lãi suất huy động tiếp tục giảm, tuy nhiên, ngân hàng vẫn là nơi được người dân tin tưởng lựa chọn gửi tiền. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 14,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022.
Trong đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, đạt 5,74 triệu tỷ đồng. Điều này phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào.
Trái ngược lại với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên gần 6,35 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức tiền gửi dân cư cao nhất từ trước tới nay. Lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã duy trì đà tăng mạnh vượt số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế kể từ tháng 1/2023.
Cùng với lãi suất huy động giảm, các ngân hàng thương mại cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 được Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, các ngân hàng đã đồng thuận cam kết giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Kể từ đó đến nay, rất nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế.
Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ
TIN CŨ HƠN
- Trước các đối thủ mạnh như Giao Hàng Nhanh và Ahamove, startup SuperShip giờ ra sao sau hơn 5 năm lên Shark Tank?
- Từ chuyện Nova F&B "rũ áo", Manwah giảm nửa giá đến "trend" cà phê muối, trà mãng cầu 20.000 đồng/ly: Phân khúc giá rẻ ngày càng chật chội, thị trường sẽ chạm đáy?
- 7 cơ hội định hình ngân hàng bán lẻ trong năm 2024
- Các ngân hàng TMCP Nhà nước tiếp tục mong muốn được tăng vốn điều lệ
- Lãi suất cho vay liên tục giảm: Tăng trưởng tín dụng có thoát đáy?
- Ngân hàng Nhà nước ‘lệnh’ giảm lãi suất cho vay
- Lãi suất giảm, doanh nghiệp có dễ tiếp cận?
- Lãi suất ngày 16/6: Thêm 2 ngân hàng điều chỉnh giảm
- Lãi suất huy động cao nhất ngày 12/6 tại ngân hàng nào?
- Nhiều ngân hàng tư nhân lớn tiếp tục hạ lãi suất huy động, xu hướng giảm sẽ chưa dừng lại?