Lên đời xoài Cát Chu thành "xoài blockchain", nông dân Đồng Tháp trồng không xuể để bán
Sau khi ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, những trái xoài Cát Chu của Đồng Tháp trồng không xuể để bán.
500 trái xoài blockchain của Hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương - HTX có tên tuổi tại Đồng Tháp với sản phẩm xoài Cát Chu lần đầu được trình làng tại Vietnam Blockchain Summit 2018 tổ chức hồi tháng 6/2018.
Nhờ công nghệ blockchain ứng dụng trong việc truy xuất nguồn gốc, khi cầm trên tay quả xoài của HTX Mỹ Xương - Đồng Tháp có gắn QR Code, người tiêu dùng có thể biết được quá trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng của sản phẩm, thậm chí quả xoài đang chua ngọt thế nào, khi nào ăn thì vừa vị...
Liên tục gần 1 tháng qua, xoài cứ ra là hết - ra là hết - xoài không đủ cung cấp cho các đại lý
Theo thông tin mới đây từ ông Đỗ Văn Long - Chủ tịch, Giám đốc văn phòng Infinity Blockchain Labs - đơn vị hỗ trợ công nghệ blockchain cho trái xoài Mỹ Xương, sản phẩm xoài của HTX này được thu mua rất tốt.
"Tới thời điểm hiện nay, HTX Mỹ Xương gần như không còn xoài để bán. Những sản phẩm sản xuất ra đều được thu mua rất tốt vì họ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ việc vận chuyển đến bảo quản trái xoài tới đâu", ông Long chia sẻ tại hội thảo "Quản trị dữ liệu- Thách thức vượt tầm công nghiệp 4.0" diễn ra mới đây.
"Liên tục gần 1 tháng qua, xoài cứ ra là hết - ra là hết - xoài không đủ cung cấp cho các đại lý, HTX chúng tôi rất xin lỗi vì nhiều khi phải nhường xoài luân phiên mới đủ đơn" - HTX Mỹ Xương - chi nhánh Hà Nội chia sẻ mới đây trên Fanpage của mình.
Sau khi ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, những trái xoài Cát Chu của Đồng Tháp trồng không xuể để bán.
"Cách chúng tôi làm là minh bạch dữ liệu trên blockchain, tất cả các khâu trái xoài đi qua đều được lưu trữ và đưa lên hệ thống, được sự đồng thuận của các thành phần tham gia trong chuỗi, từ HTX sản xuất đến người tham gia vận chuyển, phân phối, điểm bán hàng tới người dùng cuối", ông Long nói.
Thông tin một khi mở thì luôn công khai minh bạch, từ người tiêu thụ tới các thành viên đều biết được luồng chạy của một trái xoài một cách công khai.
Ứng dụng blockchain cũng được dùng trong sản phẩm của một doanh nghiệp nông nghiệp có tên Biophap. Sản phẩm bột nghệ organic của đơn vị này có gắn QR Code, khi quét mã vạch này, người tiêu dùng tiếp cận được một loạt thông tin như củ nghệ được trồng ra làm sao, thu hoạch thế nào, kèm thông tin bên vận chuyển, sản xuất...
Nông dân thời 4.0 vs nông dân 1.0: Năng suất tăng thêm 25% trong khi lượng nước tưới tiêu giảm 35%
Mimosa Technology (Mimosatek) - một startup hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác từ cuối năm 2014 - có nhiều ý tưởng bắt nguồn từ việc quan sát cách người nông dân vận hành trang trại của họ.
Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - Giám đốc điều hành Mimosatek cho biết việc sử dụng quá nhiều tài nguyên từ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu cho đến các cách quản lý, cho ăn trong ngành thủy sản của người nông dân, đa số dựa vào kinh nghiệm nhiều hơn là dựa vào nhu cầu thực tế của cây trồng, vật nuôi.
Ở nông nghiệp Việt Nam, câu chuyện đang diễn ra ngược lại khi chỉ số TFP giảm từ năm 2000 - tức chúng ta đang bỏ ra nhiều hơn và thu lại ít đi.
Dẫn lại báo cáo phát triển Việt Nam của World Bank , ông Trí cho biết tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong ngành nông nghiệp của Việt Nam đã và đang trong xu thế giảm kể từ năm 2000. Hiểu nôm na, TFP là chỉ số tính toán những cái có được so với những chi phí bỏ vào. Trên thế giới, TFP đang tăng, tức là nông dân thế giới "bỏ vào" ít nhưng thu được nhiều.
Còn ở Việt Nam, câu chuyện đang diễn ra ngược lại khi chỉ số TFP giảm từ năm 2000 - tức chúng ta đang bỏ ra nhiều hơn và thu lại ít đi.
Chỉ tính riêng vấn đề nước tưới, khi Mimosatek đến gặp các nông hộ, nông dân hay các công ty vận hành về tưới tiêu trong nông nghiệp, chỉ một câu hỏi rất cụ thể là "ngày hôm nay, trong vụ mùa này, trong điều kiện như vậy, tưới khoảng bao nhiêu nước cho cây là phù hợp?", nhưng họ không nhận được một câu trả lời chính xác nào trong khi nước tưới là một vấn đề cơ bản và rất quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ví như với thí nghiệm trên 1 hecta cây cà chua, trong khi nông nghiệp truyền thống chỉ dựa vào kinh nghiệm mà đưa ra cách tưới tiêu 3 ngày/lần, mỗi lần 30ph, thì khi áp dụng công nghệ, gắn cảm biến độ ẩm đất đồng thời quan trắc quá trình bốc hơi của cây trồng, phần mềm đã tự tính toán quá trình cân bằng xem hàng ngày tưới bao nhiêu. Kết quả: Lượng nước tưới tiêu áp dụng công nghệ tiết kiệm hơn 35% so với phương pháp truyền thống, trong khi năng suất cây trồng tăng lên 25%.
Theo một báo cáo về ngành nông nghiệp hồi năm ngoái, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận nền nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng dựa trên mô hình về lượng hơn là về chất. Đó là tăng cường thâm canh dẫn đến sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác dẫn đến chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp đối với môi trường cao.
Trong giai đoạn 2005 – 2016, ước tính ngành Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng 36,8% tuy nhiên nhập khẩu vật tư nông nghiệp lại tăng vượt xa mức này, điển hình nhập khẩu phân bón tăng 43% và nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu hoá chất tăng 337%. Trong 5 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu tiếp tục tăng lần lượt là 24% và 42,9%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên mỗi hecta đất trồng trọt sau giai đoạn tăng trưởng nhanh đã có dấu hiệu chững lại.
Theo một thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), TFP chiếm trung bình khoảng 40% tăng trưởng các năm gần đây của nông nghiệp Việt Nam, trong khi Thái Lan là 83%, Trung Quốc là 86% và Malaysia là 92%.
TIN CŨ HƠN
- Ông Nguyễn Đức Tài “ngậm ngùi” đóng cửa VuiVui.com dù từng tuyên bố sẽ vượt cả TGDĐ và Điện Máy Xanh, chiến trường TMĐT quả thật quá khốc liệt!
- ‘Ông trùm’ sữa đậu nành đặt kế hoạch giảm lãi nghìn tỷ
- Be chính thức gia nhập thị trường gọi xe: Có bệ đỡ tài chính VPBank, tuyên bố là công ty vận tải ứng dụng công nghệ chứ không phải công ty công nghệ
- VinFast công bố 14 showroom tại 9 tỉnh, thành lớn: Đặt trong trung tâm thương mại và rộng tới 300 m2
- PINACO – Thương hiệu Việt chinh phục Đông Nam Á
- Dịch vụ Phú Nhuận (MSC) ước tính lỗ 162 tỷ đồng trong năm 2018
- Vsmart của Vingroup lộ tin đồn nội bộ về giá bán: Đắt nhất 9 triệu, rẻ nhất 4 triệu đồng?
- Khung quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước
- Cạnh tranh trên thị trường sữa tươi: Thắng thua chưa ngã ngũ
- Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2018: Vingroup vẫn giữ vị trí số 1, Thế giới Di động "giành" ngôi vị số 2 từ Thaco