Lộ diện "sứ quân" muốn đánh chiếm thị trường bán lẻ truyền thống, tự tin trong tay có đội quân gần 1 "tiểu đoàn" kho bãi, 1 "trung đoàn" nhân sự, 3 "sư đoàn" vận tải và 10 "tập đoàn quân" điểm bán
Bước chân vào thị trường đầy khó khăn và cạnh tranh
Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với dân số hơn 97 triệu người trong đó 64,2% dân số sống ở nông thôn. Tổng doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143,3 tỉ USD. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 21%, còn lại là kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 79% với hơn 9.000 chợ truyền thống và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa.
Theo đánh giá của VCCI-HCM, thị trường bán lẻ truyền thống rộng lớn, nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để do hệ thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, chi phí cao, hiệu suất kém, quá trình quản lý giá, đo lường hiệu suất phân phối phức tạp, các chương trình tiếp thị, quảng cáo chưa đồng bộ với hệ thống phân phối, lãng phí kho bãi và giao nhận.
Ở thị trường bán lẻ hiện đại, cuộc chiến vẫn còn ngổn ngang khi cách đây vài ngày, Công ty CP Cửa hiệu và Sức Sống chấp nhận "buông súng" đầu hàng, "tặng" lại 87 Shop&Go với giá 1 USD cho Tập đoàn Vingroup.
Giữa lúc ngành bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, thị trường ghi nhận một tay chơi mới BBLink, kênh phân phối bán lẻ bằng nền tảng phân phối đa nhiệm.
BBLink là sản phẩm của Công ty CP Thương mại và Đầu tư BB Việt Nam thông qua ký kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TP.HCM (VCCI-HCM). Nền tảng này chính thức hoạt động vào ngày 2/5 với hệ thống hỗ trợ cực kỳ hùng hậu của hơn 300 kho bãi, 3.000 nhân sự kinh doanh, 30.000 xe, 900.000 điểm bán hàng phục vụ trong năm 2019...
Mục tiêu của BBLink là hỗ trợ các nhà cung cấp có thể đưa hàng hoá, dịch vụ của mình đến tận tay người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ truyền thống là cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống.
Thông qua 6 tiện ích trên app điện thoại, bao gồm đại lý (BB Pro), mua hàng sỉ (BB Com) , giao nhận (BB Go), nhà cung cấp (BB Vendor), quản lý kho (BB Warehouse), bán hàng (BB salesman), nền tảng tích hợp 6in1 BBLink có thể thực hiện nhiều chức năng như nạp thẻ, mua hộ, mua sỉ, quản lý đơn hàng và điểm bán hàng, quản lý hàng tồn, thống kê công nợ, vận đơn...
Ông Vincent Lữ Thế Hùng, CCO của BBLink khẳng định: "Bằng các giải pháp AI, Bigdata trong quản trị và vận hành, các doanh nghiệp có thể dễ dàng phân phối hàng hoá đến toàn thị trường chỉ trong vòng 1 đến 2 tuần. Hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng hàng tồn kho, hàng hoá di chuyển và phân phối đến từng điểm bán, lưu lượng hàng phân bổ trên thị trường, dự báo doanh thu trong tương lai". Trước khi đầu quân cho BBLink, ông Vincent Lữ Thế Hùng là cựu CCO của Nestle Việt Nam.
Nền tảng phân phối hàng hóa và dịch vụ đa nhiệm này tự tin có thể chào bán sản phẩm dịch vụ của mình đến hơn 900.000 điểm bán hàng trong vòng 1 tuần chỉ đơn giản bằng 1 cú click chuột.
Nhiều tham vọng, nhiều hậu thuẫn, nhưng cũng chỉ là "tay chơi" mới
Thông tin từ VCCI-HCM cho biết vào đầu tháng 5, BBLink chính thức triển khai toàn bộ hệ thống đại lý uỷ quyền BBLink trên 63 tỉnh thành trên toàn quốc, đồng thời lên kế hoạch triển khai tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Đến hết năm 2025, BBLink hứa hẹn phát triển tại 35 quốc gia.
BBLink còn tuyên bố rằng với hệ thống triển khai đồng loạt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhà sản xuất chỉ cần ký hợp đồng phân phối, chuyển hàng đến kho của BBLink tại quốc gia sở tại, tất cả các công đoạn còn lại BBLink sẽ hoàn tất, bao gồm: làm thủ tục xuất, nhập khẩu đi các nước, đưa sản phẩm vào các kho của các quốc gia, vận hành đội ngũ sale marketing và phát triển thị trường, phân phối và chăm sóc khách hàng...
Nhà sản xuất Việt Nam vẫn hưởng doanh thu phát sinh tại các quốc gia khác,thông tin được báo cáo trực quan, theo thời gian thực.
BBLink tuyên bố tới cuối năm 2019, họ sẽ nắm trong tay hơn 300 kho, 3.000 nhân sự kinh doanh, 30.000 xe, 900.000 điểm bán hàng phục vụ, những con số này tương đương quân số lần lượt của 1 tiểu đoàn kho bãi, 1 trung đoàn nhân sự, 1 sư đoàn vận tải và 10 tập đoàn quân điểm bán!
Mặc dù hệ thống logistics hùng hậu, đội ngũ nhân sự đông đảo, điểm bán hàng rộng khắp, thậm chí là tài chính bền vững nhưng BBLink cũng chỉ là một "tay chơi" mới góp mặt vào lĩnh vực phân phối bán lẻ.
Áp lực cạnh tranh cho mảng kinh doanh này khá lớn khi các tên tuổi dễ nhận diện như Vincommerce, Satra, Saigon Co.op, BigC đã xây dựng từ lâu hệ thống phân phối độc quyền các sản phẩm trái cây, thời trang, sữa dinh dưỡng, bánh kẹo...nhập khẩu từ nước ngoài thông qua chuỗi bán lẻ có hàng trăm cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo: Trí Thức
TIN CŨ HƠN
- Cuộc đua 'một mất, một còn' trên thị trường bán lẻ
- Thâu tóm Shop&Go, Vingroup muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ
- Một đại gia bán lẻ Việt dùng lá chuối thay nilon bọc thực phẩm, free nước lạnh/trà đá cho khách hàng những ngày nắng nóng
- Nhiều siêu thị ở TP.HCM gói rau bằng lá chuối
- Vingroup mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go với giá chỉ 1 đô
- Một siêu thị lớn ở Sài Gòn đã dùng lá chuối bọc thực phẩm, khách hàng nhìn mà "ưng con mắt"!
- Doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt trên 910.000 tỷ đồng trong quý 1
- Saigon Co.op đã phát triển thêm 160 điểm bán mới
- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Thị trường bán lẻ không “ngon ăn”
- "Vũ khí" trong bán lẻ và cuộc chơi của các đại gia Việt Nam trong năm 2019 sẽ như thế nào?