Mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho Highlands, Golden Gate, CGV,…từ Wi-Fi miễn phí, doanh nghiệp Việt này muốn cùng chia lại 'miếng bánh' ngành quảng cáo từ Facebook, Google

AWING là doanh nghiệp công nghệ chuyên về nền tảng quảng cáo dựa trên chia sẻ hệ thống Wi-Fi miễn phí tại Việt Nam.

Hiện startup này là đối tác của những đơn vị lớn như Highlands Coffee, Golden Gates Group (GGG), CGV, các sân bay lớn,... Vincom và nhiều đối tác lớn khác.

Mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho Highlands, Golden Gate, CGV,…từ Wi-Fi miễn phí, doanh nghiệp Việt này muốn cùng chia lại 'miếng bánh' ngành quảng cáo từ Facebook, Google
 
 Làn sóng lớn mang tên Kinh tế chia sẻ

Thuật ngữ "kinh tế chia sẻ" bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên thế giới từ năm 2009, với sự ra đời của một loạt ứng dụng như Uber, Airbnb hay Couchsurfing. Sau 10 năm, startup chia sẻ lưu trú Airbnb đã thay đổi cuộc sống người dân Mỹ một cách sâu sắc và nhanh chóng. Mặc dù sở hữu rất ít tài sản vật chất, nhưng Airbnb được xem như một trong những khách sạn lớn nhất trên thế giới với giá trị định giá thời điểm tháng 3/2017 là 31 tỷ USD, tương đương thương hiệu Marriott International, dù không sở hữu bất kỳ phòng khách sạn nào.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch công nghệ kết nối vận tải (ví dụ như Uber, Grab) bắt đầu từ năm 2014. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương năm 2018, quy mô thị trường tăng trưởng một cách nhanh chóng: Đối với dịch vụ vận tải trực tuyến.

Tại Hà Nội, theo một báo cáo chỉ ra rằng, tính đến 20/12/2017, GrabTaxi có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn thành phố. Đối với dịch vụ cho thuê phòng ở, cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan cụ thể nào ở Việt Nam có một thống kê chính xác về số lượng đơn vị tham gia loại mô hình này. Tuy nhiên, theo ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton, tính đến tháng 6/2017, ước tính có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam và có khoảng 80% số lượng khách đặt phòng là người nước ngoài tại Việt Nam.

" Ý tưởng của kinh tế chia sẻ là tìm kiếm những nguồn tài nguyên đang bị lãng phí sau đó giúp sửa đổi, điều chỉnh để sinh ra lợi ích. Các nguồn tài nguyền này bình thường hoàn toàn miễn phí thì khi tham gia chia sẻ thậm chí sinh lời để đầu tư ngược trở lại cho chính người sở hữu nguồn tài nguyên. Nhìn quanh sẽ thấy Uber làm trong ngành taxi, Airbnb làm trong ngành homestay thì chúng tôi làm trong ngành Wi-Fi. Mình phải chạy theo xu thế, thường ngược theo xu thế là chết", Anh Nguyễn Tiến Dũng- CEO AWING chia sẻ về việc nương theo làn sóng lớn mang tên kinh tế chia sẻ. AWING là startup công nghệ chuyên về nền tảng quảng cáo dựa trên chia sẻ hệ thống Wi-Fi tại Việt Nam.

Mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho Highlands, Golden Gate, CGV,…từ Wi-Fi miễn phí, doanh nghiệp Việt này muốn cùng chia lại miếng bánh ngành quảng cáo từ Facebook, Google - Ảnh 1.

Anh Dũng và nhóm điều hành AWING.

Sau khi tốt nghiệp đại học Bách Khoa, anh Dũng có cơ duyên làm việc tại IBM Nhật Bản rồi sau đó nhận được học bổng thạc sỹ công nghệ thông tin và viễn thông của Chính phủ Hàn Quốc về ngành không dây, tối ưu tài nguyên. Sau khi trở về nước, anh làm việc cho FPT Software một thời gian nhưng quyết định nghỉ việc để startup vì lúc đó cũng mong muốn làm "Make in Việt Nam" như tinh thần bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gần đây đề cập. 

 Công ty đầu tiên của Dũng thất bại do sai mô hình và chưa phù hợp với xu thế. Năm 2015 anh và một vài người bạn quyết định lập AWING dựa trên nền tảng kiến thức công nghệ đã học và tiềm năng lớn của thị trường Wi-Fi tại Việt Nam khi chưa ai kiếm được tiền từ đây.

Kiếm tiền từ thói quen chuộng Wi-Fi miễn phí của người Việt

"Ở nước ngoài không có nhiều điểm cung cấp Free Wi-Fi trong khi tại Việt Nam thì ngược lại. Nhiều nơi cung cấp dịch vụ này nhưng không biết tận dụng như thế nào. Giải pháp của chúng tôi là có nguồn thu để đầu tư lại cho cơ sở vật chất cửa hàng và tăng trải nghiệm cho khách hàng của họ", CEO AWING chia sẻ về mô hình kinh doanh. Hiện doanh nghiệp này là đối tác của những đơn vị lớn nhất tại Việt Nam như các chuỗi Highland Coffee, Golden Gate Group (GGG), CGV, các sân bay, Vincom,...

Mô hình công nghệ chia sẻ của AWING được CEO Dũng cho biết chưa có trên thế giới. Anh lấy ví dụ như Highland Coffee, nếu như ở nước ngoài sẽ có 1 đơn vị bán phần mềm quảng cáo trên Wi-Fi này để  tự quảng cáo tới khách hàng của mình để tăng độ tương tác. Tuy nhiên cách làm của đơn vị này thì ngược lại, không thu phí sử dụng nền tảng mà cho phép Highland Coffee đồng thời vừa cho phép tự quảng cáo về thương hiệu của mình và vừa tạo doanh thu từ việc cho đơn vị thứ 3 quảng cáo qua nền tảng được cung cấp. Từ đây, AWING chia sẻ lại doanh số quảng cáo lại cho chính Highland Coffee. Theo chia sẻ của anh Dũng, chuỗi cà phê này đã sử dụng doanh số quảng cáo để làm hài lòng khách hàng bằng cách tái đầu tư cho Wi-Fi chất lượng cao và nâng cấp đường truyền.

Sản phẩm chủ đạo của dự án là nền tảng phần mềm điện toán đám mây ACM (Adaptive Campaign Management) tối ưu cho Wi-Fi marketing, có khả năng tích hợp với nhiều loại thiết bị Wi-Fi khác nhau trên thị trường. ACM giúp các hệ thống Wi-Fi có thể liên kết để tạo thành một mạng lưới quảng cáo rộng lớn, là công cụ hiệu quả cho các nhãn hàng tiếp cận đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu tại các địa điểm cụ thể với hành vi tiêu dùng rõ ràng nhờ nền tảng công nghệ riêng (Mobile Location-Based Marketing).

Mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho Highlands, Golden Gate, CGV,…từ Wi-Fi miễn phí, doanh nghiệp Việt này muốn cùng chia lại miếng bánh ngành quảng cáo từ Facebook, Google - Ảnh 2.

Mô hình kinh doanh của AWING.

Ngoài các đơn vị có hạ tầng Wi-Fi lớn như đã kể trên, doanh nghiệp này vừa ký kết với các đối tác lớn như Viettel, FLC, Redsun, thử nghiệm tại TP. Đà Nẵng, ... để khai thác dịch vụ. Công ty này cho biết doanh thu năm 2018 đạt hơn 1 triệu USD với tốc độ tăng trưởng ở mức 3 chữ số mỗi năm.

Tuy nhiên để đạt được thành công hôm nay là chặng đường dài và khó khăn của anh Dũng và các đồng sáng lập. Theo anh Dũng, Wi-Fi là một ngành trong mảng không dây bên cạnh di động nhưng cũng là thứ rất khó. Trong khi di động đã được khai thác thành công từ lâu thì Wi-Fi rất khó để khai thác, do vậy mô hình quảng cáo Wi-Fi không ai tin ở thời điểm thử nghiệm 2015.

Kể về các đối tác đã giúp đỡ mình lúc ban đầu với sự biết ơn lớn lao, CEO này cho biết họ phải tự thiết kế hệ thống Wi-Fi cỡ lớn, tự xây dựng và vận hành hạ tầng kỹ thuật, liên tục tối ưu  về mọi mặt để đáp ứng tiêu chuẩn cao và khắt khe của Vincom. Kể từ đó, các thương hiệu lớn khác bắt đầu chấp nhận hợp tác với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, AWING đã bán lại hạ tầng vật lý tại Vincom cho đơn vị khác, và trở thành doanh nghiệp công nghệ chỉ sở hữu nền tảng phần mềm mà không sở hữu bất kể thiết bị Wi-Fi nào.

Là một trong số startup công nghệ quảng cáo hiếm hoi tại Việt Nam, AWING hy vọng dành lại một phần miếng bánh quảng cáo trên di động đang bị chiếm lĩnh hoàn toàn từ những tập đoàn quảng cáo lớn trên thế giới như Facebook, Google về tay doanh nghiệp Việt Nam. Trong tương lai, doanh nghiệp này còn đặt tham vọng vươn ra các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singpore.

 Thảo Nguyên

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật