Masan Group chi hơn 1.100 tỷ tạm ứng cổ tức cho cổ đông

Đây có thể coi là thời điểm bứt phá sau vài thập kỷ gầy dựng và phát triển của Tập đoàn Masan. Hàng loạt các thương vụ lớn, sự kiện chưa từng có được công bố.

Doanh thu tăng trưởng đạt kỳ vọng, năng lực tài chính vững mạnh và chia cổ tức ngay trong những tháng đầu năm.

Dồn dập tin tốt

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang vừa công bố thông tin về việc tạm ứng cổ tức năm 2021. Theo đó, HĐQT phê duyệt tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2021 với tỷ lệ là 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu) theo Điều 6 của Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông số 129/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 01/4/2021.

Cụ thể, cổ tức gồm 2 đợt: Tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 với tỷ lệ là 9,5% (tương đương 950 đồng/cổ phiếu); và tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2021 với tỷ lệ là 0,5% (tương đương 50 đồng/cổ phiếu).

Đây là một thông tin tích cực. Doanh nghiệp lớn tạm ứng cổ tức cho năm mới ngay sau 5 tháng kinh doanh. Nó cho thấy tiềm lực tài chính rất mạnh và doanh nghiệp tin tưởng vào kết quả kinh doanh trong năm nay.

Trước đó, Masan đã chia cổ tức năm 2015 và tạm ứng cổ tức năm 2016 tổng tỷ lệ 30% và chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%.

Chủ tịch HĐQT Masan Group - Dr. Nguyễn Đăng Quang

Gần đây, Tập đoàn Masan liên tục công bố những thông tin tích cực, liên quan tới hoạt động kinh doanh tốt, khả năng huy động vốn quốc tế xuất sắc và những thương vụ bắt tay các doanh nghiệp đầu ngành trong nước để ngày càng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Trong tuần trước, Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan (MSN) thông báo chi 15 triệu USD mua 20% vốn Phúc Long Heritage - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu trà sữa Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam. Đây là một thương vụ nằm trong chiến lược triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life, đưa mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hàng ngày của Masan. Nó giúp tăng biên lợi nhuận của hệ thống VinMart+, chuỗi bán lẻ mà Masan đã mua từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Masan liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng hiện thực hóa nền tảng Poin of Life ("Tất cả trong một điểm"), phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Chiến lược M&A mở rộng các ngành hàng kinh doanh được Masan thực hiện một cách bài bản trong suốt những năm qua.

Hồi cuối 2019, Masan đã mua lại mảng bán lẻ VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để xây dựng đế chế tiêu dùng - bán lẻ bậc nhất tại Đông Nam Á.

Hệ thống siêu thị VinMart với định vị Tươi ngon thượng hạng

Hồi giữa tháng 5, Masan Group công bố thông tin cho biết tập đoàn đã hút thêm 400 triệu USD "tiền tươi" từ nhóm Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) vào The CrownX, tương đương xác lập mức định giá hơn 7 tỷ USD cho nền tảng tiêu dùng – bán lẻ này.

Thời điểm bứt phá, cơ hội sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn Tiêu dùng – Bán lẻ

Ngay khi công bố khoản đầu tư 400 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư Baring, tập đoàn còn cho biết thêm, đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Ở mảng kinh doanh thịt, Masan MEATLife là một trong những công ty 3F thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm (Feed-Farm-Food) tích hợp lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, công ty đã hợp nhất hai doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi của mình là Anco và Proconco, ba năm sau đó bắt đầu bán thịt mát với thương hiệu MEATDeli.

Thịt mát MEATDeli tại hệ thống siêu thị VinMart

Sau một thập kỷ chờ thời, Masan của ông Quang đã có một sự ra mắt ấn tượng trong cuộc đua trong mảng lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn trị giá 10 tỷ USD.

Gần đây, các cổ phiếu blue-chips tăng rất mạnh và là trụ cột cho TTCK Việt Nam. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5, chỉ số VN-Index tăng 7,59 điểm lên 1.328,05 điểm; HNX-Index tăng 7,4 điểm lên 317,85 điểm. Upcom-Index tăng 2,66 điểm lên 88,77 điểm. Thanh khoản đạt 32,0 nghìn tỷ đồng. Cùng với sự bứt phá của các tập đoàn lớn, với lợi nhuận tăng mạnh thêm cả nghìn tỷ, các cổ phiếu blue-chips tăng giá mạnh. Trái với hiện tượng "Sell in May", TTCK Việt Nam bứt phá trong tháng 5. VN-Index tăng trưởng 20% và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Cổ phiếu Masan lập kỷ lục mới 113.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) sau khi công bố một loạt các thương vụ lớn.

Masan sở hữu nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng được ưa chuộng

Có thể thấy, dù chịu tác động của dịch Covid, Masan cùng các tập đoàn tư nhân Việt đang bứt phá mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn đầu tư những dự án lớn đầy triển vọng cùng với khả năng huy động vốn trong và ngoài nước ấn tượng. Nhiều đế chế mới đang hình thành với tầm vóc và quy mô tầm cỡ khu vực và trên thế giới. Giá cổ phiếu cũng tăng lên các đỉnh cao mà trước đó nhiều người không nghĩ tới. Giá cổ phiếu nhiều tập đoàn tư nhân lớn được dự báo còn tăng và cơ hội để mua cổ phiếu blue-chips giá thấp còn rất ít.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật