Những doanh nghiệp lãi bùng nổ ngay trong quý 1
Những khoản lãi nghìn tỷ
Đầu tiên phải kể đến các ông lớn lãi nghìn tỷ, trong đó phải kể đến trường hợp của Hòa Phát (HPG) đã lần đầu tiên 'vượt mặt' Vietcombank, Vietinbank, Vinhomes… đứng đầu toàn thị trường về lợi nhuận sau thuế. Quý 1/2021, tập đoàn thép có thị phần số 1 Việt Nam đạt 31.177 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 6.977,6 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2020.
Tiếp đó 3 ông lớn ngành ngân hàng là Vietinbank, MBB và SHB cũng báo lãi tăng gấp 2 – 3 lần cùng kỳ. Tại VietinBank, ngân hàng này dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận (tăng 169%) nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26% (do chi phí huy động giảm 20%), thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 21% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 69%.
Trong khi đó lợi nhuận quý 1 của MB Bank (MBB) quý đầu năm nay đạt 3.553 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn cao gần gấp đôi so với kết quả đạt được trong quý 4 vừa qua. Đây cũng là quý cho lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Cũng nhờ không phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1 mà NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) báo lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.664 tỷ đồng.
Có thể thấy động lực tăng trưởng của các ngân hàng trong quý 1 đến từ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.
Đối với ông lớn bất động sản Vingroup (VIC), trong quý I/2021, mảng bất động sản đem về cho VIC 10.656 tỷ đồng; hoạt động sản xuất 4.814 tỷ đồng, dịch vụ cho thuê bất động sản 1.885 tỷ đồng; doanh thu khách sạn, du lịch, giải trí 933 tỷ đồng;... Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 2.094 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của cổ đông không kiểm soát âm 1.226 tỷ đồng.
Giá dầu tăng, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) lãi 1.856 tỷ đồng trong quý 1, vượt 113% kế hoạch cả năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 11 quý gần đây của Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Cũng như Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp đa ngành nghề. Mảng thép của công ty cũng chủ yếu là các loại tôn. Ngoài ra, giai đoạn từ 1/1 đến 30/3/2021 đang là giai đoạn quý 2 trong chu kỳ tài chính của Tập đoàn Hoa Sen (bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau). Doanh thu thuần quý vừa rồi đạt 10.846 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp 5 lần, lên 1.035 tỷ đồng. Tổng LNST 2 quý đầu năm tài chính 2020-2021 đạt 1.607 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thép lãi đậm quý 1
Ngành thép kết thúc 3 tháng đầu năm ấn tượng, có doanh nghiệp lãi tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ nhờ giá thép tăng cao, lượng tiêu thụ lớn.
Thép Tiến Lên đạt lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ 2020. Với kết quả này, Thép Tiến Lên đã hoàn thành gần một nửa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Tương tự, kết thúc 3 tháng đầu năm, Thép Mê Lin ghi nhận mức lãi sau thuế kỷ lục tăng gấp 41 lần so với quý I/2020, đạt 15,5 tỷ đồng.
Bất ngờ nhất là Gang thép Thái Nguyên (TISCO), sau thời gian dài chìm trong lỗ, quý I năm nay đã ghi nhận lãi sau thuế hơn 44 tỷ quý đầu năm cao gấp 9 lần so với quý I và là mức lãi cao nhất trong 3 năm qua của doanh nghiệp.
Chứng khoán cũng có một quý bội thu
Ngoài các doanh nghiệp thép hưởng lợi khi giá nguyên liệu này tăng cao cùng lượng tiêu thụ, các công ty chứng khoán cũng có một quý bội thu khi giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán nhảy vọt.
Dẫn đầu về lợi nhuận của nhóm này là Chứng khoán VNDirect (VND) có lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ. Tiếp đó Chứng khoán SSI (SSI), quý 1/2020 lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng, tăng gấp 34 lần so với cùng kỳ năm 2020. Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HSC (HCM) lãi sau thuế 322 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ... Trong khi đó Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng có lợi nhuận quý đầu năm 2021 đạt 350 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng lãi cao ngất ngưởng
Chỉ hơn 1 tháng trước, Đất Xanh (DXG) bất ngờ công bố báo cáo tài chính năm 2020 với mức lỗ kỷ lục gần 500 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư đều ngỡ ngàng, cổ phiếu DXG rơi vào diện cảnh báo. Tuy nhiên, sang quý 1/2021 lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 712 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ dự án đã triển khai bán hàng thành công từ năm 2020 (Gem Sky World, Đồng Nai) và hoạt động môi giới, dịch vụ có kết quả tốt.
Tương tự, Đầu tư Nam Long công bố lợi nhuận quý 1/2021 lên tới 365 tỉ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn lợi nhuận này đến từ việc đầu tư vào dự án khu đô thị Waterfront ở Đồng Nai.
Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) cũng ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2021 cao nhất trong lịch sử 2.041 tỉ đồng và 122,6 tỉ đồng, lần lượt tăng 664% và 193% so với cùng kỳ năm 2020.
Đầu tư Phát Đạt báo cáo lợi nhuận quý 1/2021 đột biến với con số 251 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ 2020 bất chấp việc doanh thu thuần giảm 6,9% còn 586 tỉ đồng. Lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc bàn giao sản phẩm của dự án Nhơn Hội (Bình Định) mà công ty này đang triển khai.
Trong khi đó, với doanh thu thuần quý I/2021 gần 4.507 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 158% so với cùng kỳ năm 2020 và mức lợi nhuận sau thuế hơn 700 tỉ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái của Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland). Doanh thu của Novaland hiện nay chủ yếu đến từ các dự án lớn tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) lợi nhuận trước thuế đạt 882 tỷ đồng, tăng 556%. Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020.
Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mặc dù doanh thu giảm nhưng LNTT đạt 452 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2020; lãi sau thuế 345 tỷ đồng cao gấp 5,4 lần so với quý 1/2020.
Có thể thấy, các công ty bất động sản và BĐS khu công nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm 2021 như Nam Long, Phát Đạt, Hà Đô… hầu hết đều đang triển khai các dự án lớn ở các tỉnh, thành khác bên ngoài TP HCM.
Bên cạnh đó trong quý 1 các doanh nghiệp thủy điện cũng ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử như Thủy điện Sê San 4A đã báo lãi 16 tỷ đồng, cao gấp 8 lần cùng kỳ 2020. Một doanh nghiệp khác từng báo lỗ tới trên 30 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái là Thủy điện A Vương (AVC) thì kỳ này có lãi 88 tỷ đồng, hoàn thành tới 83% mục tiêu lợi nhuận năm 2021.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện đã tích cực trở lại kể từ quý 3/2020 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng. Năm 2021 được dự báo xác suất xảy ra La Nina cao so với El Nino nên lượng mưa nhiều đáng kể, tạo cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cho các nhà máy thủy điện.
Theo Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Siêu thị E-mart sắp bán cho Thaco?
- Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài tăng gấp 8 lần trong 4 tháng đầu năm
- Soya Garden chính thức "rút ô-xy" ở thị trường miền Nam, đóng nốt cửa hàng flagship cuối cùng
- 44,2 nghìn doanh nghiệp mới ra đời trong 4 tháng đầu năm
- FPT hợp tác startup Base, quyết tâm thống lĩnh thị trường chuyển đổi số Việt Nam, dắt tay nhau cùng chinh phục thế giới
- Sau 1 năm 2020 te tua, SABECO vẫn lạc quan đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 33.491 tỷ đồng, tăng 20%
- Bánh Quế Stroopwafels Max & Alex - Đặc sản Hà Lan Nhập Khẩu tìm nhà phân phối tại thị trường Việt Nam
- MM Mega Market tăng cường đầu tư vào quản lý an toàn thực phẩm
- Chuỗi cửa hàng nào có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường laptop Việt?
- KIDO đạt 135 tỷ lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2021, tăng 182% so với cùng kỳ