"Mờ nhạt" ngay trên sân nhà, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần làm gì?
Nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và nâng cao dịch vụ khách hàng thì nền tảng công nghệ cũng là một vấn đề mà chính các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải đặt sự quan tâm đủ.
Thị trường bán lẻ phát triển như vũ bão thời gian qua, bằng chứng đơn giản là việc cung cấp nền tảng của Lazada, nếu những năm trước 30% đơn hàng tại Lazada là ký gửi, đến 70% là hàng của hãng thì nay con số đã ngược lại. Như vậy cũng đủ thấy rằng, ngành bán lẻ đã thực sự thay đổi và còn tiếp tục thay đổi với tốc độ nhanh, ông Colin Lian, Tổng giám đốc Mảng Giải Pháp, Abeo International nói.
Hơn nữa, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng tỷ lệ ngày càng cao của tầng lớp trung lưu, mức sống tăng lên cùng thu nhập, Việt Nam cùng với Indonesia là 2 quốc gia trong khu vực đang có sự tăng trưởng thị trường bán lẻ cao nhất. Thậm chí, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành thị trường bán lẻ lớn thứ hai Đông Nam Á.
Đặc biệt, từ năm 2016 bước sang năm 2017, chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Việt Nam có bước nhảy vọt, từ mức 50,8 (năm 2016) lên 56,1 vào năm 2017, nâng hạng thêm 5 bậc. Trong đó, GRDI là chỉ số đo lường sự phát triển của một quốc gia dựa trên mức độ đầu tư vào thị trường bán lẻ sở tại, chỉ số này không thể hiện trong hiện tại mà phản ánh tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ở đâu trong con sóng tăng trưởng của thị trường? Lấy ví dụ về Canifa, ông Colin nói, đây là một thương hiệu may mặc Việt Nam rất tốt nhưng vị trí trong lòng người tiêu dùng lại không cao. Hay những thương hiệu thương mại nước ngoài như BigC (Thái Lan), TTC Group (Thái Lan), AEON Mall (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)… cũng lấn sân của những thương hiệu trong nước như VinMart (VinGroup), Co.opMart…
Vậy, Việt Nam phải làm gì để lấy lại thị trường bán lẻ của chính mình? Chúng ta cần hiểu rõ được nhịp đập của thị trường bán lẻ, từ xu hướng tiêu dùng, hành vi mua sắm đến những thách thức, đặc biệt lợi thế của doanh nghiệp nội địa.
Lifestyle destination – xu hướng ngành bán lẻ
Thực tế, tại nước ta, chợ truyền thống có xu hướng giảm mạnh những năm gần đây, thay vào đó nhiều mô hình mua sắm hiện đại liên tục mọc lên. Theo chuyên gia, cửa hàng lúc này không còn là nơi khách hàng vào mua hàng xong và đi, mà sẽ là một "lifestyle destination", tức một điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn trong cuộc sống.
Từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy được xu hướng bán lẻ đang hiện hữu, những quán coffee không chỉ bán coffee mà còn bán cả dịch vụ, không gian… để khách hàng thư giãn, trò chuyện, họp mặt… Hay những cửa hàng tiện lợi như MiniStop, 7-Eleven… khách hàng đến không chỉ mua hàng, mà có nơi để ăn uống, nghỉ ngơi.
Theo ghi nhận có 3 nhóm hàng tiêu dùng chính hiện nay:
(1) Đồ ăn thức uống tốt cho sức khỏe: Tỷ lệ CAGR của nhóm sản phẩm này đạt 6%/năm, nếu năm 2012 chỉ đạt 43,2 thì con số đã tăng lên 56,7 vào năm 2016, dự báo đến năm 2022 sẽ tăng vọt lên mức 80,6. Đồ ăn thức uống tốt cho sức khỏe được hiểu là sản phẩm sạch, giàu tính hữu cơ (organic)…
(2) Thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Tỷ lệ CAGR của nhóm sản phẩm này đạt 5,5%/năm, nếu năm 2012 chỉ đạt 5,9 thì con số đã tăng lên 7,1 vào năm 2016, dự báo đến năm 2022 sẽ tăng lên mức 9,9. Đối tượng tiêu dùng nhóm sản phẩm này là tầng lớp trung niên và người cao tuổi (từ 45 tuổi trở lên), hiện chiếm khoảng 1/3 tổng dân số Việt Nam.
(3) Cuối cùng là nhóm quần áo, giày dép: Tỷ lệ CAGR của nhóm sản phẩm này đạt 6%/năm, nếu năm 2012 chỉ đạt 4 thì con số đã tăng lên 5,3 vào năm 2016, dự báo đến năm 2022 sẽ tăng lên mức 7,5.
Thành phố thích hàng hiệu, sẵn sàng đón nhận sản phẩm mới
Bên cạnh xu hướng tiêu dùng, hành vi mua sắm của người dân cũng bắt đầu tăng mạnh, không chỉ tập trung tại hai thành phố lớn.
Chia sẻ về điều này, ông Colin cho biết rất ngạc nhiên trong một chuyến thăm Cần Thơ về sự thay đổi thói quen mua sắm quá nhanh chóng của người dân ở đây, cho thấy nhu cầu ở các thành phố khác cũng cao không kém hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Chi tiết, hành vi mua sắm tại thành phố của người dân có một sự chủ động và cao cấp hóa, đi cùng với mức sống cao tại đây. Cụ thể, người dân cởi mở và chào đón những sản phẩm mới, trải nghiệm mới. Cùng với đó, khách hàng cũng ưa chuộng những sản phẩm cao cấp, hàng hiệu.
Ngược lại, tại khu vực ngoại thành, khách tiêu dùng có vẻ thụ động hơn, tức ai bán gì mua nấy, và trải nghiệm dựa trên hành vi để quyết định mua sắm lâu dài.
Ngoài hành vi và xu hướng kể trên, để có thể phát triển mạnh hơn trên thị trường bán lẻ, doanh nghiệp cần hiểu rõ những thách thức hiện tại. Nổi bật là hiện trạng cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện tại nước ta, hệ thống supply chain còn mới, hàng hóa từ cảng về cửa hàng chưa đáp ứng được tốc độ yêu cầu, nạn kẹt xe khiến người tiêu dùng ngại đi mua sắm bên ngoài… Đặc biệt, giá mặt bằng ở Việt Nam rất cao, đây là khó khăn bậc nhất cho cả doanh nghiệp ngoại cũng như nội khi kinh doanh bán lẻ tại đây.
Cuối cùng là kênh thương mại điện tử, dần chiếm tỷ trọng doanh thu lớn toàn ngành. Theo thống kê, hiện mỗi ngày một người sử dụng phần nhiều thời gian cho các kênh mạng xã hội. Trong đó, Youtube ghi nhận trung bình 45 phút/ngày với tổng người dùng tính đến nay là 30 triệu người, con số cho Facebook là 35 triệu người dùng.
Cùng với đó, điện thoại thông minh trở thành một đồ dùng sử dụng 2 tiếng để lướt điện thoại mỗi ngày. Như vậy, tính tất yếu hiện nay chính là nền tảng công nghệ cho ngành bán lẻ.
Trong một thị trường bán lẻ được đánh giá là thị trường hấp dẫn với mức tăng trưởng 10,1% hàng năm với con số là 1,75 nghìn tỷ đồng (76,4 tỷ đô la Mỹ), Việt Nam đang được hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào với hệ thống E-commerce hiện đại.
Theo đó, doanh nghiệp nội đang phải đối mặt với khó khăn như việc gia tăng tương tác với khách hàng và thu thập dữ liệu người tiêu dùng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp chạy trên nhiều nền tảng công nghệ và phương tiện truyền thông khác nhau.
Không chỉ hỗ trợ về dữ liệu khách hàng, nền tảng công nghệ còn giải quyết thách thức cho doanh nghiệp về quản lý hàng tồn, giao hàng cũng như báo cáo kịp thời tình hình kinh doanh.
Tựu trung lại, để có thể cạnh tranh trên chính sân nhà, bên cạnh việc hiểu biết sâu sắc hành vi của người tiêu dùng, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và nâng cao dịch vụ khách hàng thì nền tảng công nghệ cũng là một vấn đề mà chính các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải đặt sự quan tâm đủ.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Tỉ phú Thái sẽ đổ thêm 500 triệu đô vào bán lẻ Việt Nam
- “Chụp hình và đăng Instagram” thay đổi cửa hàng bán lẻ như thế nào?
- Đại chiến đổi mới ngành bán lẻ: Chọn mua lại hay tự sáng tạo?
- Tạm biệt các trung tâm thương mại chỉ dành để “mua sắm”
- Bán lẻ Việt giằng co cũ - mới và văn hóa mua hàng trên yên xe máy
- Sáng tạo - điểm nhấn sống còn cho ngành bán lẻ
- Bán hàng cho… người sử dụng
- Bán lẻ đang về tay tư nhân
- Nielsen "mách nước" doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ tối đa hoá tiềm năng tăng trưởng
- Sức mua tăng cao, doanh thu bán lẻ hàng hóa khởi sắc trong 7 tháng