Một cổ phiếu ngân hàng tăng trên 100% trong tháng rưỡi qua

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng trở nên “nhạt vị” trong mắt nhà đầu tư những tháng trở lại đây. Tuy nhiên vẫn có cổ phiếu của một ngân hàng nhỏ lội ngược dòng tăng phi mã, ghi nhận mức tăng trên 100% chỉ trong 1 tháng rưỡi.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (6-10/9) hầu như đều có diễn biến tích cực, sắc xanh nhìn chung bao trùm thị trường. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có 22 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 3 mã giảm nhẹ.

NVB tiếp tục là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần này, tăng tới 21,8% và đóng cửa phiên 10/9 ở mức 34.700 đồng/cp, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong 5 phiên giao dịch tuần qua, cổ phiếu này đã tăng kịch trần 9,7-9,8% trong 2 phiên 7-8/9. Đáng chú ý, NVB tiếp tục ghi nhận lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận khá lớn trong suốt 1 tháng qua. Riêng tuần 6-10/9, có hơn 6,8 triệu cp NVB được trao tay theo phương thức thỏa thuận, trong khi qua phương thức khớp lệnh chỉ gần 3,3 triệu đơn vị.

Tính từ hôm 23/7, sau 1 tháng rưỡi cổ phiếu NVB đã tăng giá gấp đôi, bất chấp đa số cổ phiếu ngân hàng khác giảm giá hoặc đi ngang trong cùng thời gian.

Về hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, NVB chưa ghi nhận kết quả nổi bật so với các nhà băng khác cùng quy mô trong hệ thống. Tuy nhiên, nhà băng này vừa có những thay đổi nhân sự cấp cao đáng chú ý ở cả HĐQT và Ban điều hành thời gian qua.

Các cổ phiếu ngân hàng khác tăng mạnh trong tuần qua có thể kể đến TPB (9,4%), PGB (7,4%), VPB (5%), BVB (4,2%),…

Các cổ phiếu lớn chủ yếu biến động nhẹ, như CTG chỉ tăng 0,8%, BID tăng 1,7%, TCB tăng 2%, VCB giảm 0,2%,…

Thanh khoản toàn ngành tuần qua đạt hơn 538 triệu cổ phiếu, trong đó SHB và MBB dẫn đầu với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 76,3 triệu cp và 66 triệu cp.

SHB cũng ghi nhận khối lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận tăng mạnh trong tuần này. Trong đó, phiên 8/9 có 8 triệu cp, phiên 10/9 có 9,8 triệu cp được trao tay theo phương thức này.

Thông tin đáng chú ý với nhóm ngân hàng nhất trong tuần qua và Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, NHNN cho phép thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định cũ, đến tháng 6/2022. Về quy định trích lập dự phòng, NHNN không điều chỉnh mà giữ nguyên quy định là các nhà băng tiếp tục thực hiện trích lập theo tiến độ: tối thiểu 30%, 60% và 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung trong các năm 2021, 2022 và 2023.

Theo đánh giá của chuyên gia Pinetree, hướng sửa đổi của Thông tư 14 là mục đích hỗ trợ khách hàng chứ không phải hỗ trợ ngân hàng. Và vị chuyên gia này cho rằng thông tin này chưa phải là sự hỗ trợ đủ lớn để trở thành động lực tăng giá cho cổ phiếu ngân hàng thời gian tới.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20-30% so với đỉnh cũ, vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn. Ngoài ra, VDSC cũng kỳ vọng việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được ông bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới. Do đó, nhóm phân tích cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN Index.

Thu thuỷ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật