Năm 2018, tiếp tục cơn lốc thâu tóm
Công ty CP Thế Giới Di Động mới đây công bố hoàn tất thương vụ mua lại Điện máy Trần Anh và trở thành đơn vị sở hữu hơn 90% tại doanh nghiệp này. Hiện tại, mọi quá trình chuyển giao đã cơ bản hoàn tất và việc vận hành các siêu thị Trần Anh đã được đội ngũ của Thế Giới Di Động thực hiện kể từ tháng 10/2017. Đây là thương vụ đình đám trong ngành bán lẻ điện máy hiện nay.
Muốn "nuốt trọn" Trần Anh
Số liệu từ Thế Giới Di Động cho thấy, trong 9 tháng năm 2017, Trần Anh có doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng và đặt mục tiêu hơn 4.000 tỷ năm 2018. Việc về cùng một nhà với Thế Giới Di Động sẽ ngay lập tức gia tăng hơn nữa quy mô của nhà bán lẻ này đồng thời lợi thế về quy mô sẽ giúp tăng cường khả năng mua hàng của cả Điện máy Xanh lẫn Trần Anh với các nhà cung cấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc mua lại Trần Anh được ví như "hổ chắp thêm cánh" cho Thế Giới Di Động. Chuỗi bán lẻ điện máy Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động mặc dù đang rất thành công nhưng cần gia tăng hiện diện tại miền Bắc, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội. Trong khi đó, Trần Anh sở hữu đến 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Hà Nội là thị trường lớn nhất khi Trần Anh có đến 14 điểm bán.
Bằng việc sở hữu Trần Anh, thị phần bán lẻ điện máy của Thế Giới Di Động sẽ tăng lên hơn 30% trong toàn thị trường.
Chia sẻ hoạt động của công ty sau sáp nhập, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết, công ty sẽ tiếp tục sử dụng thương hiệu Trần Anh. Công ty sẽ thay đổi cách thức bán hàng của Trần Anh nhưng vẫn đảm bảo rằng khách hàng sẽ được hưởng chính sách hậu mãi và chất lượng phục vụ theo chuẩn của Thế Giới Di Động.
Các chương trình khuyến mãi áp dụng tại Trần Anh theo đó cũng theo hướng chất lượng hơn, hoành tráng hơn và giá trị hơn cho khách hàng. Mới đây, Thế Giới Di Động đã gửi công văn đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo đăng ký mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu của Trần Anh để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.
Doanh nghiệp ngoại dẫn dắt
Thế Giới Di Động mua Trần Anh chỉ là một trong những thương vụ nổi trội, tuy nhiên, hoạt động M&A hầu hết do doanh nghiệp nước ngoài dẫn dắt. Theo số liệu của Cục Xúc tiến Thương mại, tính đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 59,3% tổng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư rất nhiều lĩnh vực như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất...
Chia sẻ tại hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A diễn ra hồi cuối năm 2017, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài chiếm đến 77% các thương vụ M&A lớn trong năm qua.
Vì có lợi thế về vốn và đã đi trước Việt Nam từ rất lâu nên các doanh nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt cuộc chơi M&A. Tiêu biểu có thể kể đến là thương vụ của Tập đoàn SCG và Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty thực phẩm Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia...
Cuối tháng 12/2017, sự kiện nhà đầu tư Thái sở hữu gần 54% cổ phần của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là thương vụ lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Lãnh đạo Tập đoàn Thaibev đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để trở thành chủ sở hữu lớn nhất tại Sabeco vì thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành bia khi số lượng tiêu dùng mặt hàng này của người Việt đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Việc nắm cổ phần chi phối tại Sabeco sẽ giúp nhà đầu tư Thái có được mạng lưới phân phối lớn nhất Việt Nam, từ đó mở rộng thị trường ra khu vực.
Một nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc là CJ cũng khiến thị trường chú ý khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Cầu Tre từ 47,33% lên 71,6%. Sau sở hữu, CJ đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Cầu Tre và đổi tên công ty này thành Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre. Cùng với đó, CJ cũng đã điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù Cầu Tre chỉ chiếm 2,8% thị phần nội địa nhưng sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, kênh tiêu thụ rộng khắp thông qua đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Hơn nữa, với kinh nghiệm vận hành hệ thống sản xuất hơn 35 năm cộng với việc xuất khẩu ổn định sang các thị trường khó tính, Cầu Tre sẽ góp phần củng cố vị thế của doanh nghiệp Hàn Quốc trong ngành thực phẩm đông lạnh.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2016, các thương vụ M&A liên tục tăng và đạt kỷ lục 5,8 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm 2015. Vào năm 2017 ước tính có thể đạt 8 tỷ USD sau thương vụ "khủng" bán cổ phần SABECO.
Trong năm 2018 này, các lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ, bất động sản và công nghiệp sẽ tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bởi, với giới này, Việt Nam luôn là thị trường rất hấp dẫn khi có nền chính trị ổn định, tiềm năng dân số trẻ, khung pháp lý khá toàn diện...
DNSG
TIN CŨ HƠN
- Chuỗi Bách hóa Xanh chỉ là 'chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn'?
- Cuộc đua marathon của ngành ẩm thực
- Chủ tịch Phú Thái: “Nên hợp tác thay vì đối đầu”
- Ngành bánh kẹo Việt Nam nhìn từ nhận xét phũ phàng 'KHÔNG CÓ CỬA' của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
- Bán lẻ Việt Nam: Sau 10 năm gia nhập WTO
- Già trẻ gái trai uống trà sữa, đại gia tiểu gia đều bán trà sữa, không còn nghi ngờ gì nữa: 2017 chính là năm của trà sữa!
- Logistic khiến nông sản Việt Nam kém cạnh tranh
- Những bước đi sai lầm của Tribeco
- Thương hiệu trẻ 'đe dọa' đại gia truyền thống
- Xây dựng thương hiệu gạo như việc chăm bẵm một đứa con, nhưng kênh phân phối yếu sẽ giống như “giao trứng cho ác” vậy!