Nikkei: Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài ráo riết mở rộng tại Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi lực lượng dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng cao, quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ.

Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi lực lượng dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng cao, quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ.

Tập đoàn bán lẻ Central Retail của Thái Lan đang lên kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện tại Việt Nam, như vậy Central Retail đang tiếp bước nhiều doanh nghiệp bán lẻ đa quốc gia khác của thế giới tăng cường mở rộng quy mô tại thị trường đầy hứa hẹn với nhiều tiềm năng tăng trưởng này, theo nội dung bài đăng mới đây trên báo Nikkei.

Số liệu mà Nikkei có được cho thấy Central Retail công bố kế hoạch chi ra ước tính khoảng 30 tỷ bath tức 790 triệu USD để mở rộng mạng lưới lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026 từ con số 340 hiện tại.

“Chúng tôi muốn đưa chúng tôi vào vị thế trung tâm trong cuộc sống của khách hàng”, CEO Central Retail Việt Nam – ông Olivier Langlet nói. Ông Langlet đồng thời nói thêm doanh nghiệp đặt mục tiêu thu về 100 tỷ bath doanh thu riêng tại Việt Nam vào năm 2026.

Từ khi Central Retail vào Việt Nam năm 2012, hoạt động kinh doanh của hãng đã tăng trưởng nhanh chóng, trong năm ngoái, Central Retail thu về 38,6 tỷ bath doanh thu, Việt Nam hiện là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho Central Retail.

Đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam sẽ bán nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau, cả thực phẩm và hàng tiêu dùng. Central Retail đồng thời cũng có kế hoạch mở rộng mạng lưới ra khoảng 55/63 tỉnh thành tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Hiện tại, hãng bán lẻ này đang duy trì cùng lúc khoảng 10 thương hiệu tại Việt Nam, trong đó nổi bật nhất phải kể đến chuỗi siêu thị bán lẻ Go! và Tops.

Trong 5 năm tới, Central Retail muốn nâng gấp đôi số lượng đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70, theo ông Langlet cho hay. Mỗi đại siêu thị này có diện tích dao động từ 4.000 đến 7.000 mét vuông.

Thế nhưng Central Retail không phải doanh nghiệp duy nhất đang khao khát muốn mở rộng tại Việt Nam.

Tập đoàn Aeon của Nhật có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị tại Việt Nam. Tập đoàn Aeon có thể mạnh phát triển các trung tâm mua sắm, nhiều siêu thị của Aeon tại Việt Nam hiện có diện tích trung bình khoảng 300 m2. Còn với các địa điểm mới, Aeon cho hay mỗi siêu thị sẽ có diện tích tối thiếu 500 m2 và Aeon đang nỗ lực tạo ra sự khác biệt bằng cách cung cấp thêm nhiều sản phẩm tươi sống dựa trên công nghệ Nhật bản.

Tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc vốn có thể mạnh vận hành nhiều trung tâm mua sắm lớn khu vực đô thị cũng đang tính mở thêm nhiều siêu thị Lotte tại Việt Nam. Trước đây, Lotte từng có Trung Quốc như thị trường nước ngoài lớn thứ 3 sau Nhật và Hàn Quốc, thế nhưng gần đây đã rút khỏi Trung Quốc bởi căng thẳng địa chính trị, sau đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 3.

Theo đánh giá của Nikkei, một trong những yếu tố khiến ngành bán lẻ Việt Nam thu hút doanh nghiệp nước ngoài là bởi tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2020, khi đại dịch gây tổn hại nặng nề đến kinh tế Thái Lan và Indonesia, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng được 2,9%. Trong năm 2020, Việt Nam là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất vẫn tăng trưởng về quy mô.

Từ đó đến nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số ấn tượng. Trong quý 3/2022, GDP Việt Nam tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bán lẻ đa quốc gia đồng thời cũng mong muốn kiếm được thêm lợi nhuận khi mà quá trình hiện đại hóa các trải nghiệm mua sắm của người Việt đang diễn ra. Khi các cửa hàng nhỏ lẻ và nhiều loại hình bán lẻ truyền thống khác vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ hiện nay, đại dịch đã khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn các siêu thị vốn mang đến sự yên tâm cũng như sự ổn định về nguồn cung ứng hàng.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng đang kỳ vọng về khả năng thói quen của người tiêu dùng thay đổi khi nhiều người sẽ yêu thích sự tiện lợi của việc mua tất cả các hàng hóa thiết yếu tại một địa điểm.

Người dân tại trung tâm kinh tế lớn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khu vực khác của cả nước sống tập trung tại các khu vực đô thị ngày một nhiều.

Quản lý tại một doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài phân tích: “Nếu ngành bán lẻ Việt Nam tiếp tục hiện đại, nó sẽ trở thành thị trường mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn so với nhiều nước khác”.

Một điểm cũng hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu là kế hoạch của Việt Nam vào năm 2024 về việc hủy bỏ quy định kiểm tra năng lực kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thành lập các cửa hàng bán lẻ.

Theo kiểm tra nhu cầu kinh tế, để bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ trong nước, một nhà bán lẻ nước ngoài muốn mở các cửa hàng có diện tích từ 500 m2 trở lên sẽ cần có giấy phép của cơ quan chức năng cho từng địa điểm.

Trong khi đó,"tỷ lệ thâm nhập thương mại" của các cửa hàng hiện đại, phi truyền thống ở Việt Nam chỉ là 11%, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vẫn ở mức lớn.

 
Theo Ngọc Diệp
Theo: Nhịp sông doanh nghiệp

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật