Nữ giảng viên bỏ việc, bị từ chối 100 lần khởi nghiệp startup thiết kế tỷ đô, cứ 33 giây lại có một sản phẩm mới ra đời!

Canva là nền tảng giúp tạo ra các thiết kế chuyên nghiệp bất kể trình độ của người dùng ra sao. Công cụ này cho phép mọi người dễ dàng thiết kế mọi thứ từ thiệp chúc mừng, áp phích, lịch để bàn đến trang web.

Melanie Perkins, 30 tuổi, đã bắt đầu kinh doanh từ khi còn là một thiếu niên. Công ty đầu tiên thiết kế và bán những chiếc khăn thủ công tại quê nhà Perth, Úc của cô được thành lập khi cô mới 14 tuổi.

Nữ giảng viên bỏ việc, bị từ chối 100 lần khởi nghiệp startup thiết kế tỷ đô, cứ 33 giây lại có một sản phẩm mới ra đời! - Ảnh 1.

Chân dung Melanie Perkins.

Năm 22 tuổi, Perkins thành lập công ty thứ hai, một hệ thống trực tuyến giúp sinh viên thiết kế kỷ yếu theo ý thích mang tên Fusion Books. Ngày nay, Fusion Books là nhà xuất bản kỷ yếu lớn nhất nước Úc và đã có mặt tại Pháp và New Zealand.

Năm 2013, Perkins ra mắt startup thứ ba, Canva, một nền tảng giúp tạo ra các thiết kế chuyên nghiệp bất kể trình độ của người dùng ra sao. Công cụ này cho phép mọi người dễ dàng thiết kế mọi thứ từ thiệp chúc mừng, áp phích, lịch để bàn đến trang web.

Ở thời điểm hiện tại, Canva có hơn 10 triệu người dùng đăng ký tại 190 quốc gia khác nhau. Nền tảng này được dịch sang 100 ngôn ngữ và có thư viện hơn 3 triệu hình ảnh. Công ty có hơn 250 nhân viên và được định giá 1 tỷ USD vào tháng 1 năm ngoái. Tham vọng của Canva trong tương lai là có 3,2 tỷ người dùng toàn cầu.

Mặc dù vậy, trên thực tế, quá trình xây dựng và phát triển Canva của Perkins không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Trước đây, Perkins từng là giảng viên tại Đại học Tây Úc. Cô hướng dẫn sinh viên cách sử dụng một số phần mềm thiết kế phổ biến như InDesign và Photoshop, những chương trình mà người mới cảm thấy khó học và khó sử dụng.

Perkins đã phát hiện ra cơ hội kinh doanh từ đây: Thị trường cần một công cụ thiết kế đơn giản hơn nhiều và cô sẽ phát triển nó. Cô cùng bạn trai bắt đầu xây dựng Fusion Books và thành công ngoài mong đợi. Sau đó, hai người nhận ra rằng công nghệ mà họ phát triển có thể được sử dụng rộng rãi hơn. Chính vì thế, họ đã mời Cameron Adams làm giám đốc công nghệ và ba người cùng thành lập Canva.

Nữ giảng viên bỏ việc, bị từ chối 100 lần khởi nghiệp startup thiết kế tỷ đô, cứ 33 giây lại có một sản phẩm mới ra đời! - Ảnh 2.

Ba nhà đồng sáng lập Canva.

Perkins chia sẻ: "Có thể mất cả một học kỳ để học những điều cơ bản. Bạn phải click chuột tới 22 lần để thực hiện những tác vụ đơn giản nhất như xuất tệp PDF chất lượng cao". Không ít người cảm thấy không thoải mái với việc này còn đối với Perkins, nó chứng tỏ cô đang đứng trước một cơ hội kinh doanh tiềm năng để thay đổi tình trạng đó.

 Fusion Books phát triển đến mức khiến Perkins đưa ra một quyết định táo bạo: Nghỉ việc ở trường Đại học để tập trung vào mục tiêu sắp tới.

Năm 2010, Perkins đã tiếp cận nhiều nhà đầu tư để huy động vốn cho dự án của mình. Tuy nhiên, cô phải đối mặt với một số vấn đề trong cuộc gặp mặt với nhà đầu tư. Cô nhớ lại: "Ở Úc, mọi người khiêm tốn và ít khi nói về thành tích của mình còn tại Thung lũng Silicon, để được rót vốn, bạn phải có khả năng thuyết trình về điều đó".

Perkins đã bay đến Palo Alto, California để gặp nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Bill Tai. Cô từng đọc ở đâu đó rằng nếu muốn gây ấn tượng với một người, hãy bắt chước ngôn ngữ cơ thể của họ. Vì vậy, để tăng khả năng được đầu tư, cô đã áp dụng phương pháp này.

Perkins nhớ lại: "Mọi việc xảy ra khá buồn cười. Ông ấy đang ngồi ăn trưa, một tay để sau ghế. Thấy vậy, tôi cũng bắt chước để một tay sau ghế và dùng bữa".

Thế nhưng Bill Tai không hề để ý rằng Perkins đang bắt chước dáng ngồi của mình. Perkins kể: "Tôi nghĩ rằng Bill không thích ý tưởng của tôi vì ông ấy nghe điện thoại suốt buổi gặp mặt. Tuy vậy, tôi đã bất ngờ khi ông ấy giới thiệu tôi với một mạng lưới các nhà đầu tư, kỹ sư và nhà phát triển ở Thung lũng Silicon. Và cuối cùng, Bill cũng đầu tư vào Canva".

Do sự khác biệt tương đối lớn về văn hóa, Perkins đã chật vật với việc huy động vốn trong khoảng ba năm trước khi Canva ra đời. Cô cho biết mình từng bị từ chối đến hơn 100 lần trong suốt thời gian đó. Từ kinh nghiệm này, Perkins rút ra được bài học rằng cô cần tập trung hơn nữa vào mục tiêu và không nản lòng.

Sau mỗi lần như vậy, cô bắt đầu xem xét lại kế hoạch trình bày với các nhà đầu tư để khắc phục lý do Canva bị từ chối. Cô chia sẻ: "Thông thường, người ta sẽ bỏ cuộc sau 100 lần bị từ chối nhưng tôi biết rằng mình cần kiên trì. Tôi đã dồn toàn bộ năng lượng của mình để tiếp tục tinh chỉnh và cuối cùng, Canva cũng đem lại kết quả đáng tự hào".

Nữ giảng viên bỏ việc, bị từ chối 100 lần khởi nghiệp startup thiết kế tỷ đô, cứ 33 giây lại có một sản phẩm mới ra đời! - Ảnh 3.

Giao diện của Canva.

Sau khi Canva chính thức ra mắt, bạn trai của Perkins trở thành người đồng sáng lập và khoản đầu tư đầu tiên họ nhận được là 3 triệu USD. Trong năm đầu hoạt động, Canva đã có khoảng 750.000 người dùng trực tuyến.

Công cụ đơn giản của Perkins đến nay đã thu hút hơn 10 triệu người dùng trên toàn thế giới. Nhờ thành công của Canva, cô đã vinh dự có tên trong danh sách Under 30 lĩnh vực công nghệ năm 2016 của tạp chí Forbes.

Canva hiện có mặt tại hơn 190 quốc gia. Ước tính, cứ mỗi 33 giây trôi qua lại có một thiết kế được tạo ra từ công cụ này. Giá trị tài sản ròng của các nhà đồng sáng lập công ty khoảng hơn 1 tỷ USD.

Gia Vũ

Theo: Trí Thức Trẻ/Tổng hợp

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật