Parkson đóng cửa: Người tiêu dùng quyết định xu thế ngành bán lẻ

Việc trung tâm thương mại Parkson Flemington (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) đóng cửa từ tháng 1/2018 đang thu hút sự quan tâm của giới bán lẻ.

Người dân đến mua sắm tại tại siêu thị điện máy HC 411 Tam Trinh, Hà Nội. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Theo ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills Thành phố Hồ Chí Minh (Savills Việt Nam), câu chuyện của một nhà bán lẻ từng có những thành công nhất định như Parkson thật sự đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, khi mô hình được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng.

Sự thay đổi mô hình ngành bán lẻ

Trong suốt gần 2 thập niên qua, mô hình Department Store (bách hóa tổng hợp) từng tạo được tiếng vang, khi giới thiệu cho người tiêu dùng tại Việt Nam những xu hướng mua sắm mới và sự gia nhập của các đơn vị nước ngoài.

Ông Phạm Thái Bình, phân tích, nếu chỉ xét trường hợp của Parkson, trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, đơn vị này đã có những “tháng năm rực rỡ” tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2005 đến 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (trung tâm mua sắm) kiểu mới xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí.

Theo các chuyên gia, việc hành vi, thói quen lẫn năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng tại các khu vực đều khác nhau và điều này ảnh hưởng mạnh đến việc vận hành của Department Store, vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi.

Sự giới hạn về diện tích (thường dưới 20.000m2) cũng là một điểm khó của mô hình Department Store, bởi không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm…

Với diện tích từ 45.000 đến hơn 60.000m2, mô hình Shopping Mall (hay complex center- khu phức hợp với định nghĩa one-stop shopping- trải nghiệm mua sắm cộng thêm khu vực ăn uống, làm đẹp, siêu thị thậm chí cả trường học, ngân hàng…) trở thành lựa chọn của không chỉ riêng tín đồ mua sắm mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.

 

Khách hàng mau sắm đông đúc tại Co.opXtra Vạn Hạnh, TP. HCM. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Những nguyên nhân trên đã góp phần tạo nên sự dịch chuyển rõ rệt của người tiêu dùng từ Department Store sang Shopping Mall. Không chỉ tại Việt Nam, mô hình Department Store cũng đang trở nên yếu thế tại các thị trường khác ở châu Á và cả thế giới.

Với ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của e-commerce (thương mại điện tử) ảnh hưởng mạnh mẽ đến mô hình bán lẻ truyền thống thì có thể khẳng định, đây là sự thật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức độ tác động cũng ở mức tương đối, bởi loại hình thương mại điện tử vẫn chưa có nhiều đột phá.

Những dịch vụ và tiện ích của thương mại điện tử Việt Nam thời điểm này chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu, làm phong phú thị trường và vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn so với các nước phát triển.

“Nếu xét về cạnh tranh, trung tâm thương mại nói chung vẫn còn phải đối diện với thị phần hàng xách tay, gọi chung là 'không chính ngạch,' từ những kẽ hở mang tính cục bộ,” ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Người tiêu dùng quyết định xu hướng

Trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm 2016 và đây là một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á.

Với dân số hơn 90 triệu người với gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% mỗi năm), thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị phát triển nhất, với tổng số mặt bằng bán lẻ vào khoảng 2,5 triệu m2. Tuy nhiên, mật độ bán lẻ trung bình cũng chỉ mới đạt hơn 0,2 m2/người, thấp hơn nhiều nếu so sánh với những thành phố lớn trong khu vực như Bangkok (Thái Lan: 0,89m2), Singapore (0,75m2), Bắc Kinh (Trung Quốc): 0, 65m2), Kuala Lampur (Malaysia): 0,64m2) hay Jakarta (Indonesia): 0,44m2)

hách hàng mua sắm tại siêu thị Aeon Fivimart Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Từ các dữ kiện trên, ông Phạm Thái Bình, cho biết, trong giai đoạn 2018-2021, ước tính rằng thị trường bán lẻ có thể tăng trưởng nhanh chóng để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của các nhu cầu về giải trí (với mức tăng xấp xỉ 10%), tạp hóa hiện đại (tăng vào khoảng 9% hàng năm) và thời trang (tăng tầm 6% hàng năm.).

Những dịch vụ cá nhân như gym, trung tâm thể dục và rạp chiếu phim cũng được dự đoán mở rộng với những tiêu chuẩn cao cấp hơn.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, những nhà phát triển nước ngoài như TCC group & Central Group từ Thái Lan, Mapple Tree & Kepple Land từ Singapore, Lotte & Emart từ Hàn Quốc, hay Aeon & Takashimaya của Nhật đều có dự định đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Sự tham gia của các đơn vị ngoại này cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự năng động của thị trường và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm cũng như dịch vụ chuyên nghiệp hơn, thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) với những thương vụ hợp tác và sự liên kết mang tính chiến lược giữa các nhà phát triển trong và ngoài nước

Sự phát triển của các Shopping Mall hoặc Omni-channel (bán lẻ đa kênh) kết hợp đồng thời các ngành F&B (ẩm thực), siêu thị cao cấp, fast fashion (thời trang nhanh) hay cửa hàng đồng giá… trong thời gian tới cũng được đánh giá nhiều triển vọng, khi tích hợp các công nghệ quản lý vận hành hiện đại và công cụ tiếp thị mới một cách hiệu quả.

“Việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc sử dụng internet, thiết bị điện tử cũng như xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng sẽ là những thành tố quan trọng để thúc đẩy và thay đổi thị trường bán lẻ tại Việt Nam”, ông Phạm Thái Bình nhận định./.

Theo A Tuấn

Vietnam+


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật